Nhiều chính sách về lương thưởng năm 2017 cần biết

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 30/12/2016

Kể từ năm 2017, nhiều chính sách mới về tiền lương sẽ chính thức có hiệu lực như tăng lương cơ sở, điều chỉnh lương tối thiểu vùng,...

Nhiều khoản tăng từ 1/7/2017

Từ 1/7/2017, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng.

Thủ tướng giao: Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương trên cơ sở dự toán ngân sách Nhà nước được giao sắp xếp các nhiệm vụ chi và phấn đấu tăng nguồn thu sự nghiệp để cân đối điều chỉnh mức lương cơ sở trong năm 2017.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương trong năm 2017 từ một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) và nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2016 còn dư chuyển sang (nếu có).

Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính xác định và giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2017 để tạo nguồn cải cách tiền lương cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định.

Đồng thời, điều chỉnh lương lưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức lương cơ sở.

Nhiều chính sách tiền lương sẽ có hiệu lực kể từ năm 2017
Nhiều chính sách tiền lương sẽ có hiệu lực kể từ năm 2017.

Tăng lương tối thiểu vùng

Từ ngày 1/1/2017, sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.580.000 đến 3.750.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo Nghị định số 153/2016/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Đối tượng áp dụng gồm: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2017 như sau: Vùng I: 3.750.000 đồng/tháng; vùng II: 3.320.000 đồng/tháng; vùng III: 2.900.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.580.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 180.000 - 250.000 đồng/tháng.

Đối với người lao động đã qua đào tạo, học nghề

Đối với người lao động đã qua đào tạo, học nghề nếu làm việc trong doanh nghiệp: Mức lương thấp nhất cao hơn 7% mức lương tối thiếu vùng. Cụ thể, vùng 1: 4.012.500 đồng/tháng, vùng 2: 3.552.400 đồng/tháng, vùng 3: 3.103.000 đồng/tháng, vùng 4: 2760.600 đồng/tháng.

Đối với người lao động đã qua đào tạo, học nghề làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp từ ngày 1/1 đến ngày 30/6: Bậc Đại học 2.831.400 đồng/tháng (lương cơ sở 1.210.000 đồng x hệ số 2.34); Bậc Cao đẳng 2.541.000 đồng/tháng (lương cơ sở 1.210.000 đồng x hệ số 2.1). Từ ngày 1/7 trở đi, bậc Đại học 3.042.000 đồng/tháng (lương cơ sở 1.300.000 đồng x hệ số 2.34); Bậc Cao đẳng 2.730.000 đồng/tháng (lương cơ sở 1.300.000 đồng x hệ số 2.1).

Mai Hạ