Điều chuyển xe khách, doanh nghiệp vận tải và hành khách nói gì?

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 30/12/2016

(TN&MT) - Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã chốt phương án điều chuyển 20.000 lượt xe tại các bến xe nhằm tạo thuận tiện, cũng như tránh ùn tắc tại một số tuyến đường Hà Nội.Tuy nhiên, việc điều chuyển này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới doanh nghiệp vận tải và hành khách không chỉ về đoạn đường đi mà cả về chi phí đi lại cũng tăng lên.

Các bến xe như Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm được coi là 3 bến xe nằm trong khu vực thường xuyên gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng ít nhiều đến các tuyến đường lân cận. Đại diện Bộ GTVT cùng các Sở, ngành thành phố Hà Nội đã chọn phương án điều chuyển, sắp xếp hơn 20.000 lượt chuyến/tháng, với 691 lốt tập trung ở 3 bến xe nằm trong khu vực thường xuyên ùn tắc là Mỹ Đình, Giáp Bát và Nước Ngầm.

Nhà xe không đón khách khiến người dân không về quê được
Nhà xe không đón khách khiến người dân không về quê được

Theo kế hoạch, thì việc điều chuyển sẽ bắt đầu từ ngày 2/1/2017.

Cụ thể, các tuyến của tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng, chuyển về bến xe Nước Ngầm.

Các tuyến của tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái đang hoạt động tại bến xe Nước Ngầm, Giám Bát, Yên Nghĩa, chuyển về bến xe Mỹ Đình.

Các tuyến của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Nông, Điện Biên, Hòa Bình, Kon Tum, Sơn La, Thanh Hóa (các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Quán Lào, Thọ Xuân, Yên Cát đi theo đường Hồ Chí Minh) đang hoạt động tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm, chuyển về bến xe Yên Nghĩa.

Các tuyến của tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn đang hoạt động tại các bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây, chuyển về bến xe Gia Lâm.

Trước quyết định này, một số doanh nghiệp có những phản ứng trái chiều với quyết định của TP Hà Nội về việc điều chuyển lượt xe khách tại các bến xe.

Mới đây, Công ty TNHH TM&DV VT Hoàng Phương, công ty TNHH Vận tải Thọ Mười, Công ty TNHH VT&DV TMTH Khánh Duy, HTX VT Thăng Long và HTX VT Tấn Thành đã gửi đơn kiến nghị tới Sở GTVT Hà Nội và một số đơn vị liên quan về vấn đề trên.

Chia sẻ với PV, bà Hồ Thị Hoàng – GĐ Công ty TNHH TM&DV VT Hoàng Phương bày tỏ: “Trước hết chúng tôi ủng hộ chủ trương của TP Hà Nội cũng như Sở GTVT Hà Nội trong việc triển khai các biện pháp nhằm hạn chế giảm thiểu ùn tắc giao thông nội đô. Tuy nhiên, từ tình hình thực tế, phương án điều chuyển lượt sẽ khiến 5 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nếu triển khai”.

Ngoài ra, bà Hoàng còn cho biết, đa số doanh nghiệp vận tải chúng tôi vận chuyển là người dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu ra Hà Nội để khám chữa bệnh và học tập.

Việc điều chuyển xe khách khiến doanh nghiệp vận tải và hành khách gặp nhiều khó khăn. Ảnh VNN
Việc điều chuyển xe khách khiến doanh nghiệp vận tải và hành khách gặp nhiều khó khăn. Ảnh VNN

Cùng nỗi lo lắng, băn khoăn, một số doanh nghiệp vận tải chạy đường mòn Hồ Chí Minh cho rằng, các xe chạy tuyến cố định từ Thanh Hóa đi bến xe Mỹ Đình và ngược lại, theo đường mòn Hồ Chí Minh không xuyên tâm, mà đi đường trên cao vành đai 3, tuyến đường rộng và không tác động nhiều tới giao thông nội đô. Nên việc điều chuyển là không hợp lý.

Các doanh nghiệp vận tải miền Trung cho rằng, việc điều chuyển các xe ra bến xe Yên Nghĩa không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách mà còn ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại và khám chữa bệnh của người dân miền núi. Phương tiện công cộng từ bến xe Yên Nghĩa chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết của hành khách mà các nhà xe đang phục vụ. Cùng với đó gây tốn kém về mặt kinh tế cho người dân …

Các nhà xe kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét lại quyết định cho một số doanh nghiệp miền Trung được đón trả khách tại bến xe Mỹ Đình.

Chia sẻ với PV, một hành khách ở Hà Tĩnh cho biết: “Tôi ra Hà Nội đi khám bệnh ở bệnh viện E, trước đây xe khách xuống bến xe Mỹ Đình thì chỉ đi 50 nghìn đồng xe ôm là tới bệnh viện. nhưng nếu phải sang bến xe Yên Nghĩa để tới bệnh viện thì phải mất thêm chi phí cũng gần 200 nghìn đồng xe ôm, nếu xe taxi thì sẽ cao hơn”.

Bạn Phạm Bích Ngọc sinh viên của trường Học viện Nông Nghiệp Việt Nam cho biết, “Em ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, trước em đi bến xe Gia Lâm có xe về quê, tuy nhiên, bây giờ em phải đi hơn 30km để đến bến xe Yên Nghĩa mới bắt được xe về quê. Các nhà xe đã tăng thêm phí, em phải cõng thêm tiền đi đến bến xe cũng một khoản tiền lớn nữa. Rất khó khăn cho sinh viên nghèo ở vùng xa”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Hoàng Nam