Khởi kiện doanh nghiệp nợ tiền BHXH

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 30/11/2016

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính tại Hội nghị trực tuyến Triển khai các giải pháp khởi kiện, thanh tra, thu nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vừa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Việt Nam và BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức.

Báo cáo về tình hình nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến 31/10/2016, tổng số thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 197.596 tỷ đồng (đạt 77,9% kế hoạch giao). Tuy vậy, tổng số tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của BHXH các tỉnh, thành phố trên cả nước, đã lên tới 14.237 tỷ đồng chiếm 6,5% kế hoạch thu, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Trên thực tế, số nợ BHXH lớn kéo theo việc quyền lợi an sinh chính đáng của người lao động bị xâm phạm, trong khi, họ đã bị trích tiền lương đóng BHXH, nhưng doanh nghiệp lại cố tình chiếm dụng không đóng cho cơ quan BHXH.

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, nguyên nhân nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là do ý thức chấp hành pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa cao, do doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh… và còn do công tác phối hợp với Liên đoàn Lao động để khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ra tòa chưa hiệu quả.

Nợ đọng bảo hiểm xã hội đang tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp và người lao động
Nợ đọng BHXH tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp và người lao động.

Trước thực trạng quyền lợi an sinh xã hội về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động ngày một bị xâm hại nghiêm trọng, cụ thể là số nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng, nhằm tăng cường quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong giám sát thực thi pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Luật BHXH năm 2014 quy định: “Khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại Khoản 8, Điều 10 của Luật Công đoàn”. Đây được coi là một trong những công cụ đặc biệt hiệu quả, nhằm bảo vệ quyền lợi BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, nếu công tác này được thực hiện tốt.

Trong thời gian qua, để triển khai chức năng này, tổ chức công đoàn và cơ quan BHXH các cấp đã tích cực triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu. Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngay sau khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực (ngày 1/1/2016), đã tích cực chuẩn bị và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể. Đó là, tháng 6/2016, ban hành Hướng dẫn Công đoàn các cấp tiến hành khởi kiện theo Luật Công đoàn, Luật BHXH năm 2014, Luật An toàn vệ sinh lao động. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn về biện pháp tiến hành khởi kiện những đơn vị nợ đọng BHXH cho đội ngũ công đoàn các tỉnh.

Tháng 9/2016, ký kết Chương trình phối hợp về việc thụ lý khởi kiện các vụ án về lao động nói chung, về BHXH nói riêng, với Tòa án Nhân dân tối cao và ký kết Quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với BHXH Việt Nam. Phối hợp với BHXH Việt Nam chọn 15 tỉnh, thành phố có số lao động lớn, với các quan hệ lao động phức tạp để thí điểm triển khai công tác khởi kiện.

Phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Đoàn giám sát liên ngành, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội, TP. HCM và Bình Dương (qua giám sát yêu cầu Liên đoàn Lao động các địa phương trên phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan BHXH, tiến hành khởi kiện doanh nghiệp có số nợ BHXH lớn, dài ngày để tiến hành khởi kiện)...

Sau khi ký kết Quy chế phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 3798/BHXH-PC yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 3601/QCPH-TLĐ-BHXH theo đúng nội dung, thời hạn quy định và chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng Quy chế phối hợp công tác.

Bên cạnh đó là Công văn số 4381/BHXH-PC yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố định kỳ hàng tháng lập hồ sơ đơn vị khởi kiện gửi Công đoàn cùng cấp, tham gia đầy đủ từ phần gửi hồ sơ, tranh tụng, bổ sung hồ sơ, thông tin khi tòa án và tổ chức công đoàn yêu cầu và báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, số liệu các vụ khởi kiện định kỳ vào các ngày 10, 20, 30 hàng tháng. Đồng thời, vào cuối tháng 10/2016, Đoàn công tác của BHXH Việt Nam đã tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện cải cách thủ tục hành chính và công tác triển khai thực hiện Quy chế phối hợp với Liên đoàn Lao động tại một số địa phương.

Theo Báo Đầu tư