Bình Định: Người dân lo chỗ ở sau lũ

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 07/11/2016

(TN&MT) - Mưa lũ tàn phá nặng nề, đã làm hàng trăm ngôi nhà của người dân các tỉnh Nam Trung Bộ bị đổ sập, tan hoang sau lũ. Nhiều gia đình rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”.
Sau lũ, hàng trăm hộ dân ở Bình Định lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”
Sau lũ, hàng trăm hộ dân ở Bình Định lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”

Tan hoang sau lũ

Tranh thủ trời ngớt mưa, vợ chồng anh Phạm Văn Lài và chị Nguyễn Thị Oanh thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cố gắng tìm kiếm, nhặt nhạnh những viên gạch còn sót lại trong ngôi nhà đổ nát. Gia đình anh chị thuộc diện hộ nghèo, sống dựa vào nghề biển nên thiếu trước hụt sau, bao năm chắt chiu, dành dụm mới xây được ngôi nhà khang trang, vậy mà lũ đi qua ngôi nhà đã thành đống đổ nát. Anh Lài buồn bã chia sẻ: “Lũ về nhanh quá, không kịp trở tay. Tiền bạc, công sức bao năm làm lụng chừ trôi theo dòng nước lũ hết. Mấy đứa con chừ vẫn đang ở nhờ nhà người quen…”

Cùng cảnh ngộ với vợ chồng anh Lài, căn nhà ngói của chị Nguyễn Thị Bé là nơi che nắng che mưa duy nhất của ba mẹ con bị sập hoàn toàn sau lũ, giờ trống hơ trống hoác. Chứng kiến ngôi nhà của mình chỉ còn một đống ngổn ngang, những vật dụng hàng ngày của con trẻ như sách vở, quần áo cũng trôi theo dòng nước lũ, chị Bé bàng hoàng, xót xa. Từ ngày chồng mất, không ruộng, không nghề, chị làm thuê đủ thứ nghề để nuôi hai con ăn học. Nhà bây giờ không còn, cuộc sống của gia đình chị Bé đang chồng chất khó khăn sau lũ. “Nước lớn nó trôi mất nhà. Bây giờ không có nhà ở, cũng không có tiền để xây nhà mới”- chị Bé buồn bã.

Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Bình Định, đến nay, toàn tỉnh Bình Định đã có gần 200 hộ bị mất nhà do lũ và hơn 100 căn nhà khác bị hư hỏng. Đặc biệt, ở các xã ven biển của huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, xã nào ít cũng bị sập 10 nhà, xã nhiều cũng lên đến gần 50 nhà. Tất cả đều là những gia đình khó khăn.

Chung tay hỗ trợ người dân

Trước những khó khăn của người dân nơi đây, những ngày qua, chính quyền các địa phương cùng nhiều tổ chức từ thiện đã đến với người dân vùng lũ thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người nghèo bị mất nhà sớm vượt qua khó khăn.

Trước mắt, Tỉnh đoàn Bình Định huy động hàng trăm đoàn viên thanh niên về các địa phương Tuy Phước, Hoài Nhơn, Hoài Ân hỗ trợ người dân dọn dẹp, dựng lại nhà cửa cho các hộ dân. Đại diện các doanh nghiệp, tổ chức như báo Người Lao động, nhóm Từ thiện bồ đề Tâm… cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ vật chất để người dân sớm được “an cư”.

Hỗ trợ người dân dọn dẹp, dựng lại nhà cửa sau lũ
Hỗ trợ người dân dọn dẹp, dựng lại nhà cửa sau lũ

Ông Nguyễn Văn Nhâm-  Chủ tịch UBND xã Phước Hòa cho biết: “Chúng tôi đang huy động lực lượng chức năng đến các điểm xung yếu để kịp thời hỗ trợ và lập danh sách kiến nghị ngành chức năng có liên quan sớm quan tâm hỗ trợ kinh phí để bà con khắc phục nhà ở, sớm ổn định cuộc sống”.

Bên cạnh đó, công tác xử lý môi trường nguồn nước sinh hoạt sau lũ cũng được các cấp, các ngành liên quan tích cực triển khai. Ngành Y tế tỉnh Bình Định đã tổ chức các đoàn công tác đến những vùng ngập lụt thuộc các huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn trực tiếp chỉ đạo công tác tiêu độc khử trùng nguồn nước, vệ sinh môi trường.

Với phương châm không để xảy ra tình trạng đói, khát, động viên tinh thần bà con vượt qua khó khăn trước mắt, Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều hoạt động cứu trợ khẩn cấp. Theo Hội CTĐ tỉnh, hoạt động tập trung vào hai hướng: hỗ trợ lương thực cho vùng bị chia cắt và hỗ trợ khắc phục khó khăn cho các trường hợp thiệt hại nặng về tài sản, con người. Đồng thời, Hội CTĐ tỉnh cũng kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, hội đoàn thể… trong và ngoài tỉnh ủng hộ đồng bào vùng lũ cả về vật chất lẫn tinh thần, để sớm ổn định cuộc sống.

Ông Lê Phong- Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Bình Định cho biết: “Trên cơ sở rà soát, đề xuất của các địa phương, Hội CTĐ cơ sở, chúng tôi đã có văn bản báo cáo và đề nghị Trung ương Hội CTĐ Việt Nam hỗ trợ khẩn cấp cho người dân các vùng bị thiệt hại nặng nề. Theo đó, đề nghị hỗ trợ kinh phí để mua mì tôm, gạo, nước uống cứu trợ khẩn cấp cho người dân ở vùng sơ tán, bị cô lập; hỗ trợ thuốc Clomin B để lọc nước sinh hoạt hàng ngày; hỗ trợ thùng hàng gia đình và các nhu yếu phẩm khác cho các hộ bị thiệt hại nặng, nhất là hộ gia đình có nhà bị sập hoàn toàn, nhà bị tốc mái”.

Bài  & ảnh:Lan Anh