Thái Nguyên: Chưa bồi thường GPMB xong đã khai thác mỏ

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 12/10/2016

8 hộ dân tại xóm Hòa Bình, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên chưa thống nhất nhận đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng doanh nghiệp đã tiến hành khai thác mỏ khiến nhà cửa nứt toác, mất nước sinh hoạt, còn người dân luôn “sống trong sợ hãi”.

Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở thị trấn Trại Cau, xã Cây Thị luôn phải nơm nớp nỗi lo. Năm 2004, người dân ở khu vực này, đã thấy hiện tượng giếng khơi cạn nước, ruộng đồng bỗng dưng khô, nứt nẻ… không rõ nguyên nhân. Ðến năm 2006, nhiều nơi tụt đất thành hố sâu hun hút. Hàng trăm nhà cửa của người dân cứ dần nứt ngang, nứt dọc từ chân móng đến mái nhà và đổ sập. Số hộ ảnh hưởng tăng lên vùn vụt khiến người dân hoang mang, lo lắng. Nhiều hộ dân phải bỏ nhà chuyển đi nơi khác sinh sống, nhiều căn nhà bỗng thành vô chủ.

Bà Nguyễn Thị Hoa (tổ dân phố 12, thị trấn Trại Cau) cho biết, núi đất thải, hồ chứa bùn thải cao sừng sững là cơn ác mộng với người dân nhiều năm nay. Chưa đêm nào chúng tôi yên giấc, đặc biệt là những hôm có mưa lớn. Nếu vỡ hồ, tất cả chúng tôi sẽ bị chôn sống.

Ông Nguyễn Văn Thủy - Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ xác nhận, hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp đã gây ô nhiễm, sụt giảm mực nước ngầm, sụt lún lòng đất, gây thiếu nước nghiêm trọng. Người dân thị trấn Trại Cau và các xã ảnh hưởng, đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp khai thác mỏ, nhưng đến nay, chưa được giải quyết thỏa đáng.

Phản ánh với PV, nhiều hộ dân xóm Hòa Bình, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ bức xúc: Dự án khai thác mỏ sắt Tây Chỏm Vung được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép cho Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên từ năm 2009, với diện tích trên 9,7ha, thời hạn khai thác 10 năm. Tuy vậy, đến năm 2013, Dự án mới GPMB được gần 0,9ha. Phần diện tích còn lại vẫn chưa GPMB do còn 8 hộ dân trong diện ảnh hưởng (thuộc xóm Hòa Bình, xã Cây Thị) chưa đồng ý với phương án bồi thường do chủ đầu tư đưa ra. Lý do giá trị bồi thường quá thấp chỉ đủ người dân mua đất xây dựng nhà, phần dư còn lại không đủ mua đất để sản xuất hoặc chuyển nghề nghiệp khác ổn định cuộc sống lâu dài.

Dù mới trong quá trình đàm phán GPMB, nhưng Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên đã đưa máy móc, thiết bị vào để khai thác tạo ra những hố sâu và rộng sát gần nhà dân. Do đó, dẫn đến nguy cơ sạt lở, mất an toàn đối với các hộ trong diện ảnh hưởng, khiến bà con bức xúc, phản ứng gay gắt.

Đáng nói, việc khai thác của doanh nghiệp đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Hầu hết các nhà đều không có nước sinh hoạt, nhà ở, nhà bếp và các công trình phụ đều nứt toác… cuộc sống vô cùng bất an nhưng vẫn phải “bám trụ” với nỗi lo thường trực.

Tương tự ở xóm Hòa Bình, nhiều hộ dân tại tổ 14, thị trấn Trại Cau cũng “sống dở chết dở” với tình trạng đất đai, nhà cửa bị sụt lún, mất nước sinh hoạt khiến cho cuộc sống bị đảo lộn...

Theo ghi nhận của PV tại khu vực tổ 14, thị trấn Trại Cau, hàng chục hộ gia đình ảnh hưởng nặng nề do tình trạng sụt lún đất, nhiều công trình nứt nẻ có nguy cơ đổ sập khiến người dân phải sống trong lo lắng, bất an. Hầu hết các hộ gia đình phải tạm dừng chăn nuôi gia súc, gia cầm do chuồng trại và hệ thống công trình phụ trợ bị ảnh hưởng, vỡ hầm biogas…

Theo UBND huyện Đồng Hỷ, tại tổ 14 của thị trấn Trại Cau (huyện Đồng Hỷ) có 32 hộ dân bị ảnh hưởng; tại xóm giáp ranh thuộc xã Cây Thị là xóm Kim Cương, Hòa Bình và xóm Trại Cau, có tới 41 hộ dân chung cảnh ngộ...

Ngoài nỗi lo nhà sập nhà cửa, người dân nơi đây, còn hứng chịu sự ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác mỏ gây ra. Tại vùng mỏ này, hàng ngày, có hàng nghìn xe trọng tải lớn vận chuyển đất đá, quặng sắt chạy ầm ầm, băm nát các ngả đường đường giao thông. Bụi bám vào nhà cửa, vườn tược và trong không trung. Do các mỏ khai thác quặng lộ thiên, ăn sâu vào lòng đất hút hết nguồn nước ngầm nên các giếng khơi, giếng khoan của người dân cạn kiệt nước.

Mặt khác, việc xây đắp hồ chứa bùn thải ngay sát khu dân cư và ở vị trí cao hơn khu dân cư lại được đào đắp sơ sài, nên trở thành hiểm họa lớn đe dọa tính mạng, tài sản của người dân đặc biệt là trong mùa mưa lũ.

Được biết, sau khi có kiến nghị từ phía người dân, các cấp chính quyền của huyện Đồng Hỷ và tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc chỉ đạo các ngành chức năng xem xét, xử lý. Tuy vậy, bà Quang Thị Hoa - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn Trại Cau cho biết: Người dân kêu nhiều, chính quyền đã đề nghị có biện pháp khắc phục, còn trách nhiệm sau đó, đùn đẩy khiến người dân vùng mỏ nhiều năm qua, phải sống trong nỗi lo thường trực đối mặt với nguy cơ sập nhà cửa và nguy hiểm về tính mạng.

Theo baoxaydung