Ngư dân Quảng Ngãi "chê" tàu cá vỏ thép

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 11/10/2016

(TN&MT) - Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Quảng Ngãi khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép, công suất lớn...
(TN&MT) - Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Quảng Ngãi khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép, công suất lớn dần chuyển sang khai thác xa bờ. Tuy vậy, lý do từ thiết kế, nhân lực vận hành đến cách tiếp cận nguồn vốn... đã khiến ngư dân Quảng Ngãi “quay lưng” không tham gia dự án đóng tàu vỏ thép.
 
Bỏ của chạy lấy người
 
Tàu cá vỏ thép Hoàng Anh 01 của chủ tàu Mai Thành Văn (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) và tàu Sang Fish 01 của ngư dân Phan Bé (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) từng được kỳ vọng sẽ vươn khơi làm chủ Biển Đông. Tuy vậy, sau một thời gian sử dụng, cả 2 ngư dân đã quyết định trả lại tàu cho Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang vì thất vọng trước những chuyến đi biển kém hiệu quả. Ông Mai Thành Văn chia sẻ: Trong 5 chuyến xuất bến ra khơi, có đến 3 lần tàu bị hỏng máy, buộc phải quay vào bờ. Thiết kế tàu không phù hợp khiến tàu bị rung lắc mạnh, khó đánh bắt. Khai thác trên biển ngày càng khó khăn mà tàu cứ hỏng triền miên, chúng tôi không có kinh phí sửa chữa để tiếp tục ra khơi nên quyết định trả tàu.
 
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, đến nay tổng số tàu đóng mới theo Nghị định 67 được UBND tỉnh này phê duyệt là 6 đợt với 78 chiếc (trong đó, có 29 tàu vỏ thép, 43 chiếc vỏ gỗ và 6 chiếc vỏ comphosite). Tuy vậy, trên thực tế, do nhiều yếu tố và điều kiện khách quan, chủ quan, hiện tại Quảng Ngãi mới chỉ có 54/78 tàu được phê duyệt triển khai đóng mới. Trong 54 chiếc tàu này, đến ngày 15/8/2016, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh ký hợp đồng tín dụng và giải ngân là 33 chiếc (gồm 9 tàu vỏ thép, 24 tàu vỏ gỗ) với số tiền 177,293 tỷ đồng/223,050 tỷ đồng cam kết cho vay. Đến cuối tháng 8/2016, số tàu đóng mới đã hoàn thành, đưa vào khai thác là 22 chiếc (8 vỏ thép, 14 vỏ gỗ).
 
Tàu cá Sang Fish 1 của ngư dân Phan Bé (Quảng Ngãi) đi biển 6 tháng, 10 lần hỏng máy đã trả lại cho công ty
Tàu cá Sang Fish 1 của ngư dân Phan Bé (Quảng Ngãi) đi biển 6 tháng, 10 lần hỏng máy đã trả lại cho công ty
 
Ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, qua theo dõi tình hình sản xuất của các tàu đã đóng xong cho thấy, đối với các tàu vỏ gỗ hầu hết đều tham gia khai thác có hiệu quả. Trong khi đó, với 8 tàu vỏ thép đã đưa vào sử dụng (gồm 3 tàu hành nghề cung cấp dịch vụ hầu cần nghề cá, 5 tàu đánh bắt xa bờ), các tàu hành nghề hậu cần nghề cá chủ yếu cung cấp dịch vụ cho tàu cá ở vùng lộng và ven bờ, chưa tham gia cung cấp dịch vụ tại vùng khơi; riêng tàu đánh bắt khi hạ thủy, khai thác các chuyến biển đầu tiên thường xuyên bị hư hỏng nhưng không tự khắc phục được, phải yêu cầu đơn vị đóng tàu sửa chữa, sản lượng khai thác từng chuyến biển thấp, hiệu quả thấp. Vì thế, gần đây, nhiều ngư dân tại Quảng Ngãi đã bắt đầu dừng không tham gia dự án đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67.
 
Đã có 25 chủ tàu xin thôi không tham gia dự án đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 tại Quảng Ngãi. Con số này trong thời gian tới rất có khả năng còn tăng thêm. “Nguyên nhân là qua hơn 2 năm thực hiện Nghị định 67, thực tiễn xây dựng hồ sơ xin vay ngân hàng, số tiền trả lãi cho ngân hàng theo kỳ hạn sau vay, hiệu quả sử dụng, đưa tàu vỏ thép vào khai thác… ngư dân nhận thấy, hiệu quả mang lại không cao nên xin rút khỏi danh sách” - ông Phan Huy Hoàng cho biết.
 
Gỡ nút thắt để ngư dân vươn khơi 
 
Bên cạnh lý do thiết kế chưa hiệu quả, thủ tục rườm rà, chính sách tín dụng chưa thực sự ưu đãi cũng là nguyên nhân dẫn đến việc ngư dân không mặn mà với tàu cá vỏ thép.
 
Ông Nguyễn Quốc Chinh- Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) cho biết, dù rất nhiều ngư dân đăng ký đóng mới tàu vỏ thép lẫn vỏ gỗ theo chương trình của Nghị định 67, nhưng đến nay, chỉ mới có một tàu vỏ gỗ được thông qua, chưa có tàu vỏ thép nào. “Ngư dân Lý Sơn hiện không còn mặn mà với Nghị định 67 bởi việc giải ngân rườm rà, chưa kể làm biển chuyến được chuyến mất, khó trả nợ ngân hàng trong vòng 10 năm” - ông Chinh nói.
 
Không chỉ ngư dân, mà các ngân hàng thương mại cũng dè dặt khi quyết định “rót vốn” cho tàu vỏ thép. Có trường hợp ngư dân được cán bộ ngân hàng vận động chuyển từ đóng tàu vỏ thép sang vỏ gỗ. Họ cho rằng, vốn đầu tư cho tàu vỏ thép quá lớn, việc khai thác lại phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố, trong khi ngư dân chưa nắm vững quy trình sử dụng nên rủi ro cao. Hơn nữa, nếu đóng tàu vỏ thép, ngân hàng sẽ đầu tư 95%, thay vì 70% như tàu vỏ gỗ. “Tỷ lệ đầu tư tàu vỏ gỗ thấp nên các ngân hàng không khuyến khích ngư dân đóng mới tàu vỏ thép để giảm rủi ro, nhanh thu hồi vốn” - ông Ngô Văn Hưng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho hay.
 
Ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Để tàu cá vỏ thép đạt hiệu quả sử dụng tốt nhất khi vươn khơi, phía thiết kế tàu và ngư dân phải có sự phối hợp, tìm tiếng nói chung trong quá trình đóng tàu. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ cụ thể và hướng dẫn chi tiết về kỹ năng vận hành tàu lớn, công nghệ cao để ngư dân khai thác sử dụng đạt hiệu quả cao, sớm trả nợ ngân hàng.
 
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân sớm tiếp cận với nguồn vốn vay trong thời gian sớm nhất, các ngân hàng thương mại tiếp tục theo dõi quá trình thực hiện đóng tàu và tiếp tục giải ngân cho các tàu đã cho vay, tạo điều kiện cho chủ tàu đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đồng thời, tiếp cận với các chủ tàu được vay vốn để tư vấn và tháo gỡ những vướng mắc, hướng dẫn ngư dân làm hồ sơ vay vốn. Đối với những hồ sơ đủ điều kiện thì phải khẩn trương cho vay.
 
Anh Dũng - Lan Anh