Đốt rơm rạ sau thu hoạch: Lãng phí, hại môi trường

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 06/10/2016

(TN&MT) - Trong những ngày này, các cánh đồng ven TP. Hà Nội mù mịt khói do người dân đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa. Ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống, sức khoẻ của nhiều người, ít ai biết, thói quen này còn gây lãng phí tài nguyên.

Lợi bất cập hại

Những ngày này, không khí ngột ngạt, tầm nhìn giới hạn vào khoảng thời gian cuối ngày và đầu giờ sáng. Nguyên nhân là do những người dân khu vực ngoại thành giáp Hà Nội đốt rơm khắp các cánh đồng sau khi thu hoạch lúa. Hầu như các tuyến đường giao thông, khu dân cư ở Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Phúc Yên... giáp ranh Hà Nội đều trong tình trạng này. Nhiều người đi đường bức xúc vì khói làm khó thở tức ngực, cay mắt, bầu không khí trở nên ngột ngạt hơn khi tham gia giao thông.

 Cả đoạn đường dày đặc khói
Cả đoạn đường dày đặc khói

Người dân vùng ven đô đã quen với ý nghĩ: Đốt rơm rạ sẽ không tốn công xử lý sau khi thu hoạch mà còn tiêu diệt được mầm mống dịch hại. Sau khi rơm đốt sẽ thành tro, tro này được ủ khoảng 2 - 3 tháng rồi đem bón cho các ruộng trồng rau. Nhưng họ không ngờ rằng, đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, đốt đồng nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng, dẫn đến phát sinh nhiều bệnh dịch hại lúa. Ngoài ra, khói rơm gây nguy hại lớn đến môi trường và sức khỏe. Theo các chuyên gia, đốt rơm rạ gây nên ô nhiễm bụi mịn. Đây là loại ô nhiễm rất đáng lo ngại. Nếu như với ô nhiễm bụi đường bình thường, dùng khẩu trang có thể ngăn chặn được, còn với ô nhiễm bụi mịn, khẩu trang cũng vô ích. Bụi chui vào phổi sâu, gây các bệnh về hô hấp, thậm chí ung thư. Bên cạnh đó, khói đốt rơm rạ cản trở tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Chính vì thế, nhiều năm qua, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thường xuyên có văn bản gửi về chính quyền các xã, phường, thị trấn để tuyên truyền bà con nhân dân tuyệt đối không được đốt rơm rạ, cũng như việc không phơi nông sản trên đường giao thông… Tuy vậy, theo Đại tá Doãn Hữu Châu, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - CATP Hà Nội, tình trạng này vẫn không thuyên giảm bởi chúng ta chưa có chế tài xử lý đối với trường hợp đốt rơm, rạ, phơi nông sản không đúng quy định.

“Chữa bệnh” đốt rơm rạ bằng khoa học công nghệ

Để xử lý rơm rạ sau thu hoạch có nhiều cách hữu ích hơn rất nhiều so với việc đốt rơm tràn lan như hiện nay. Trong đó, phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học hữu cơ đã được một số địa phương áp dụng thí điểm như: Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hóa… đã bước đầu thu được những kết quả khá tích cực.

Theo nhận định của các nhà khoa học, sau mỗi vụ thu hoạch 1ha lúa sẽ thu được 6 tấn rơm rạ, nếu đem đốt sẽ mất khoảng 6 triệu đồng, trong khi cùng khối lượng rơm rạ ấy nếu đem xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ thu được khoảng 400kg phân hữu cơ. Chỉ cần làm phép tính nhỏ, chúng ta lấy toàn bộ số rơm rạ sau thu hoạch của cả nước (khoảng 45 triệu tấn) được xử lý sẽ đem lại 20 triệu tấn phân hữu cơ, người nông dân không phải bỏ tiền mua phân hóa học (NPK) là 200.000 tấn đạm, 190.000 tấn lân và 460.000 tấn kali, như vậy, sẽ tiết kiệm được gần 11.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Sau khi thu hoạch người dân nên sử dụng máy gặt đập liên hợp, rơm rạ sẽ được máy cắt nhỏ rải ngay trên ruộng, sau một thời gian ngắn sẽ mục nát trở thành nguồn phân hữu cơ. Trong trường hợp không có máy gặt đập liên hợp, các hộ nông dân nên để lại khoảng trống nhỏ trên ruộng gom rơm rạ vào đó để tự phân hủy… Hoặc có thể sử dụng chế phẩm sinh học giúp đẩy nhanh quá trình phân giải chất xơ xenlulo trong rơm rạ tươi, làm tăng đáng kể vi sinh vật hữu ích, cải thiện độ phì của đất. Điều này sẽ giúp lúa sinh trưởng, phát triển nhanh hơn từ 15 - 20%, năng suất vượt trội từ 10 - 15% so với bình thường, đồng thời, góp phần kháng, giảm đáng kể các bệnh thường gặp trên cây lúa... Đây là cách làm được nhiều nước trên thế giới áp dụng, cho hiệu quả bền vững, tác động tích cực với môi trường. Lợi ích từ rơm rạ đã được các khoa học chỉ ra nhưng để đi vào cuộc sống, cần có sự định hướng, tuyên truyền từ các cấp cơ sở. Thiết nghĩ, thời gian tới, các cấp, ngành cần đẩy mạng tuyên truyền, định hướng cho người dân cách thức xử lý rơm rạ để tránh lãng phí và mùa gặt sau không còn khói mù.

Lam Thanh