Xây dựng chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 05/10/2016

(TN&MT) - Sáng 4/10, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) và Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư Châu Âu (EU – MUTRAP) tổ chức Lễ ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về Chương trình xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, ngành thực phẩm là một trong những ngành hàng có tiềm năng rất lớn của Việt Nam. Các sản phẩm thực phẩm không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, công tác xây dựng thương hiệu ngành này còn nhiều khó khăn. Biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam nhằm xây dựng, quảng bá hiệu quả một hình ảnh chung của ngành thực phẩm Việt Nam, tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế về giá trị của thực phẩm Việt Nam.

Đại diện Bộ Công thương ký kết Bên bản ghi nhớ
Đại diện Bộ Công thương ký kết Bên bản ghi nhớ

Chương trình xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam được chia làm 04 giai đoạn. Đến nay, với sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức và Hiệp hội liên quan, Bộ Công thương đã hoàn thành Giai đoạn 1 (Xác định mục tiêu và phương pháp), Giai đoạn 2 (Nghiên cứu và phân tích) và giai đoạn 3 (Xây dựng chiến lược) đang trong quá trình triển khai, bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2016, dự kiến kết thúc vào tháng 3/2017. Giai đoạn 4 (Thực hiện chiến lược 2017 – 2020) sẽ được triển khai dưới hình thức một chiến dịch tư vấn, truyền thông, quảng bá hiệu quả hình ảnh ngành hàng thực phẩm quốc gia.

Lễ ký Biên bản hợp tác này là bước khởi đầu quan trọng, tiếp đà cho các hoạt động của Chương trình trong việc xây dựng và triển khai Chiến lược trong các giai đoạn tiếp theo.

Vũ Vân