Vầng trăng cổ tích

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 15/09/2016

(TN&MT) - Không gì xây niềm tin cho một thế hệ bằng những điều nhỏ nhất. Điều đó nhìn dễ thấy, nhưng không phải ai cũng làm.  

   

1-Thằng bé trân trân dán mắt vào muôn sắc màu các đồ chơi trên phố mà không dám lại gần. Giỏ nước chè như trĩu nặng hơn trên tay. Mỗi ngày rong ruổi khắp phố cổ Hà Nội, giỏ chè chén cũng đủ nuôi sống nó. Nhưng những ước mơ tuổi thơ thì đang nằm sâu trong đáy chén bởi những nhọc nhằn cơm áo đã sớm lấy đi bao điều mà lẽ ra đứa trẻ như em phải được hưởng!?

2-Ngày xưa, mỗi mùa trăng là một mùa cổ tích với lũ trẻ làng anh. Đúng rằm Trung Thu, các bậc cao niên thường dành những gì tốt nhất cho con trẻ. Mọi việc sắm sửa đèn, lân, mõ đất… đều được chuẩn bị từ trước. Đêm rằm thực sự là ngày tết của lũ trẻ. Thoả thích nô đùa, phá cỗ – trông trăng.

Nhưng bây giờ Tết Trung thu dường như đã vơi đi trong nhiều gia đình trẻ. Nhất là nơi phố xá phồn hoa, đất đâu để con trẻ chơi đùa, trông trăng ngày Tết?! Khu đất xưa mà anh có bao kỷ niệm đêm rằm nay cũng đã thành phố, với nhà tầng cao ngất lấp nửa vầng trăng.

3-Trung Thu này vầng trăng cổ tích vẫn vằng vặc soi. Khuôn mặt đen đen của thằng nhỏ nơi phố cổ như  ám ảnh anh giữa lung linh sắc màu của phố phường. Rồi nữa, còn cả vạn ánh mắt trẻ thơ không có Tết Thung thu, phải đón trăng trong những “ngôi nhà đầy sao” bởi thiên tai bão lũ. ánh trăng như nhoà đi trong mắt anh, mất hút trong muôn ánh đèn nhấp nháy.

Bất chợt anh lại thèm được nghe tiếng mõ đất rộn ràng, tiếng trống thì thùng đổ dồn đúng nhịp của bậc lão làng một thủa. Tuổi thơ anh lớn lên từ những câu chuyện cổ tích có thực ấy. Niềm tin nơi anh cũng được xây bằng sự giản dị ấm lòng của thế hệ trước truyền lại. Không gì xây niềm tin cho một thế hệ bằng những điều nhỏ nhất. Điều đó nhìn dễ thấy, nhưng không phải ai cũng làm.

Ngọc Lý