Lo lắng cá nục nhiễm phenol, Đà Nẵng đồng loạt kiểm tra mẫu cá
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 15/06/2016
Theo văn bản của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, yêu cầu Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Sở Công Thương và Công an TP tổng kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm tất cả lô hàng thủy sản ở các kho lạnh trên địa bàn. Ông Thơ yêu cầu giám đốc Sở NN&PTNT khẩn trương thực hiện chủ trương nêu trên và báo cáo kết quả về UBND TP trước ngày 20/6.
Đà Nẵng tổng kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm tất cả lô hàng thủy sản ở các kho lạnh trên địa bàn và báo cáo về UBND TP trước ngày 20/6 |
Được biết trên địa bàn TP. Đà Nẵng có khá nhiều kho lạnh để bảo quản cá cung ứng cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Vì là khu vực trung tâm của cảng cá miền Trung nên việc kiểm tra các kho lạnh của TP. Đà Nẵng lúc này là hết sức cần thiết khi những tranh cãi về phenol có độc hay không chưa có hồi kết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tứ - Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản TP. Đà Nẵng cho biết thêm, hiện Chi cục đang phối hợp với các ngành liên quan tiến hành thống kê tất cả các kho đông lạnh trên địa bàn TP và tổ chức kiểm tra, lấy mẫu thủy sản trong chiều nay (15/6) để xét nghiệm chất độc Phenol, các kim loại nặng như chì, thủy ngân,.. nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm cung cấp cho người dân TP. Đà Nẵng vẫn an toàn.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 30 kho đông lạnh đang hoạt động, trong đó có một nửa số kho đông lạnh xuất khẩu hàng ra nước ngoài. "Ở Đà Nẵng đang có 2 phòng xét nghiệm nhưng không được Bộ Y tế cấp phép đủ điều kiện xét nghiệm, chính vì vậy, Chi cục đang tìm kiếm các phòng thí nghiệm ở địa phương khác để gấp rút hoàn tất kế hoạch và có kết quả báo cáo cho TP" - ông Tứ cho biết.
Trước đó, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng đã chấp thuận với đề án đến năm 2020 sẽ xóa đội quân khoảng 800 chiếc thuyền thúng, tàu cá công suất dưới 20 CV. Theo đó, TP sẽ thu mua lại các tàu này và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho các ngư dân đánh bắt ven bờ.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng đã chấp thuận với đề án đến năm 2020 sẽ xóa đội quân khoảng 800 chiếc thuyền thúng, tàu cá công suất dưới 20 CV |
Ông Thơ cho hay sắp tới các dự án du lịch ven biển sẽ cần mặt nước nên sự tồn tại của thuyền thúng nhỏ này sẽ rất ảnh hưởng và nhếch nhác. Ngoài ra, tàu và thuyền thúng dưới 20 CV là phương tiện đe dọa nguồn thủy hải sản ven bờ của TP nên việc triển khai đề án xóa các loại phương tiện này là cần thiết.
“Tuy nhiên, nên xem xét khi hay tin TP thu mua lại tàu, thuyền thúng dưới 20 CV này thì xảy ra tình trạng kê thêm và huy động thuyền thúng các nơi khác đến để lấy tiền của TP, theo kiểu đếm thúng trả tiền. Đồng thời không cho phát sinh loại tàu, thúng dưới 20 CV trở lại. Bên cạnh đó, vùng biển gần bờ phải quản lý chặt chẽ để đẩy đuổi các tàu cá ngư dân nơi khác đến khai thác trộm, tàn phá hải sản vùng bờ” - ông Thơ lưu ý.
Theo ông Thơ, khi thực hiện đề án này thì TP đang tiên phong vì thấy thuyền thúng nhếch nhác quá, nên cần phải làm sớm. “Sở LĐ-TB&XH phải cử người xuống gặp từng trường hợp cụ thể tìm hiểu, động viên họ. Hỏi họ xem nhận tiền rồi sẽ làm gì, có cần TP giúp đỡ gì không?. Đừng để nảy sinh ra người bán kẹo kéo, kẹo cao su chèo kéo du khách ven biển làm ảnh hưởng đến du lịch TP” - ông Thơ yêu cầu.
Được biết, mới đây, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa có ý kiến thống nhất chủ trương hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng cho ngư dân bị ảnh hưởng vụ cá chết dọc biển miền Trung. Cùng với kinh phí hỗ trợ, Đà Nẵng sẽ miễn phí tiền thuê mặt bằng kinh doanh tại Chợ cá thuộc Âu thuyền Thọ Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho 330 tiểu thương với thời hạn 5 tháng. Tổng số tiền hỗ trợ cho ngư dân và tiểu thương gặp khó khăn sau vụ cá chết khoảng 2,2 tỷ đồng.
Đà Nẵng vừa hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng cho ngư dân bị ảnh hưởng vụ cá chết dọc biển miền Trung |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đỗ Tám - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, Đà Nẵng nên xóa thuyền thúng và tàu dưới 20CV bằng cách mua lại các phương tiện và hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề. Mức mua lại dự kiến là 10 triệu đồng/thuyền thúng và từ 25 – 30 triệu đồng/tàu gỗ. Ngoài ra, mỗi lao động trên tàu được mua lại sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng để chuyển nghề trong giai đoạn 2017 – 2020.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Đà Nẵng, toàn thành phố hiện có 777 tàu gỗ và thuyền thúng dưới 20 CV với 1.410 lao động. Theo ông Tám, những ngư dân khai thác hải sản bằng thuyền thúng và tàu dưới 20CV chủ yếu đánh bắt gần bờ, hiệu quả kinh tế không cao.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết, các sở ngành phải ưu tiên giải quyết việc làm cho ngư dân trước khi tính đến chuyện mua lại tàu thuyền của những người này. Tránh trường hợp ngư dân sử dụng hết tiền hỗ trợ trước khi kiếm được việc làm mới.
Bài & ảnh: Xuân Lam