Hà Tĩnh: Lời giải nào cho bài toán lao động "chui"?

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 25/02/2016

(TN&MT)-  Các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh tỉnh về mối tiềm ẩn nguy hại từ những hoạt động của lao động “chui”, thế nhưng tổng hợp mới nhất tại Hà Tĩnh thì con số tham gia lao động “chui” đang tồn tại không hề nhỏ và ngày càng phức tạp, khó kiểm soát.

Nhận diện lao động “chui”

Khảo sát số lao động bất hợp pháp, di cư tự do sang các nước tìm kiếm việc làm của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, địa phương này đang có trên 26.000 lao động di cư tự do, trong đó chủ yếu là lao động trái phép sang Thái Lan và Lào, Angola(Thái Lan gần 10.000 người, Angola hơn 7.200, Lào gần 1.800 người…

Chỉ trong những ngày làm việc đầu năm Bính Thân, mỗi ngày Phòng xuất nhập cảnh tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận hàng nghìn bộ hồ sơ làm hộ chiếu, giấy thông hành. Họ( những người lao động- PV) chủ yếu là những người dân di cư tự do tìm kiếm việc làm hoặc xuất khâu lao động theo hợp đồng nhưng trốn ra làm ngoài trở thành lao động “chui” tại nước bạn.

Người dân chen chúc nhau làm hộ chiếu để xuất cảnh
Người dân chen chúc nhau làm hộ chiếu để xuất cảnh

Ông Nguyễn Đức Thuận, Trưởng phòng Xuất nhập cảnh (Phòng PA72)-Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Dòng người nườm nượp đổ về làm được thủ tục để xuất khẩu lao động sau những ngày nghỉ Tết là thực trạng thường thấy ở Hà Tĩnh trong những năm gần đây. Trong đó phần lớn làm thủ tục để được sang Lào, Thái làm việc”.

Các cơ quan chức năng Hà Tĩnh cho rằng: Thị trường ở Lào, Thái Lan, Angola đang có nhu cầu lao động lớn, không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao vì thế rất phù hợp với lao động Việt Nam về cả môi trường, tác phong làm việc; Hà Tĩnh là địa phương có đường biên giới chung với nước bạn Lào nên có thể ngụy trang bằng nhiều cách từ đường bộ thông hành qua Lào, Thái Lan…một cách tiện lợi.

Lượt người xuất cảnh qua Cửa khẩu gia tăng sau dịp Tết
Lượt người xuất cảnh qua Cửa khẩu gia tăng sau dịp Tết

Mặt khác, do nhận thức của một số bộ phận người dân kém, ít va chạm, lại cả tin, trong khi các đối tượng “cò mồi” luôn tìm mọi cách đánh trúng vào tâm lý người dân, dùng bẫy “kinh tế” thổi phồng quá mức, hứa hẹn việc làm hấp dẫn, có mức lương ổn định, nhàn hạ, chi phí thấp... cho nên nhiều người dân nhẹ dạ cả tin, bất chấp luật pháp đi theo sự rủ rê mà không lường được hậu quả, tác hại.

Theo điều tra, ban đầu chỉ một số nhóm người tự phát làm hộ chiếu đi du lịch để xuất cảnh sang nước bạn đi làm ăn “chui”, người đi trước giới thiệu, bảo lãnh người đi sau, dần hình thành “cò” dụ dỗ, lôi kéo người nhà, người thân quen tổ chức thành đường dây đưa người vượt biên để kiếm tiền dịch vụ. Việc kiểm soát lực lượng lao động “chui” cũng vì thế đang gặp nhiều khó khăn đối với lực lượng chức năng.

Người dân cần nhận thức rõ tác hại

Nỗ lực của các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh đã và đang có nhiều giải pháp để hướng người dân làm giàu hợp pháp. Thời gian qua, ngành Lao động- Thương binh và Xã hội đã tuyên truyền đến tận tất cả các xã, phường về việc lao động di cư tự do là phạm pháp đồng thời thông tin cho người lao động những thị trường được phép xuất khẩu lao động, những doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu lao động.

Đẩy mạnh tuyên truyền được đánh giá là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay, giúp người dân tự nhận thức rõ tác hại của việc di cư tự do. Những rủi ro người lao động “chui” thường xuyên phải đối mặt như: Nợ lương, quỵt lương, bị quản lý chặt chẽ, đối xử ngược đãi, đánh đập, cưỡng bức lao động, có thể bị bắt giữ, đẩy đuổi về nước bất cứ lúc nào, thậm chí bị tai nạn lao động, tử vong. Chủ lao động không muốn liên đới về pháp luật, ràng buộc trách nhiệm, dễ dàng bóc lột sức lao động và chiếm đoạt tiền công nên không ký hợp đồng mà chỉ thỏa thuận miệng…

Kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu
Kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu

Tuy nhiên, bên cạnh đó quá trình thực hiện vẫn đang gặp nhiều thách thức, rào cản. Đó là truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật chưa sâu rộng nên người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng sâu nông thôn, vùng xa thiếu hụt thông tin phòng, chống mua bán người, xuất nhập cảnh, chính sách XKLĐ, những nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra khi lao động trái phép ở nước ngoài; quản lý NLĐ di cư, quản lý nhân hộ khẩu còn sơ hở, hiệu quả đấu tranh chưa cao…

Mặt khác, lao động bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng luôn chống chọi với hàng loạt rủi ro khi quyền lợi không được bảo hộ. Hệ lụy người xuất khẩu lao động (XKLĐ) bỏ trốn quá đông đã tạo hình ảnh xấu trong mắt bạn bè quốc tế, giá XKLĐ của người lao động Việt Nam bị hạ thấp, thậm chí một số thị trường còn từ chối tiếp nhận.

Kiểm soát lao động di cư bất hợp pháp đang là vấn đề bức thiết tại Hà Tĩnh. Trước đây, Hà Tĩnh hầu như không kiểm soát được lượng người di cư tự do, không có hồ sơ theo dõi. Vừa qua, địa phương này đã tiến hành tổng điều tra rà soát vấn đề lao động, việc làm trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Đặng Văn Dũng – Trưởng phòng lao động, việc làm thuộc Sở LĐ – TB &XH tỉnh Hà Tĩnh thẳng thắn nhìn nhận: Các cơ quan quản lý nhà nước rất khó thực hiện công tác quản lý lao động di cư bất hợp pháp. Ban đầu người lao động sang Thái, Lào, Angola không đi theo chương trình hợp tác lao động mà đi theo đường du lịch, thăm thân, khám sức khỏe, hôn nhân giả…khi hết thời hạn thị thực họ ở lại làm việc thì ngành lao động làm sao mà quản lý được? Chính phủ Việt Nam không thể quản lý lao động tại Thái Lan hoặc tại Lào khi mà họ đi không phải theo hình thức hợp tác lao động.

Muốn quản lý tốt lao động di cư bất hợp pháp cũng như bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động, theo ông Dũng, nên chăng lực lượng chức năng phải vào cuộc một cách quyết liệt trong việc quản lý hộ tịch, hộ khẩu và có chế tài đủ mạnh để xử phạt. Mặt khác, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động nhận thức về những tác hại của hoạt động lao động “chui”.

Bài & ảnh: Đức Cảnh