Chiều cuối năm trên bến cảng

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 27/01/2016

(TN&MT) - Những ngày cận Tết, cảng cá Thuận Phước và Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) lạnh se sắt nhưng vẫn nhộn nhịp tàu ra tàu vào. Nhiều ngư dân đã trúng đậm mùa cá, mực trong chuyến biển cuối năm. Trên bến cảng, đủ loại hải sản đang được những người “thợ” phân loại… Hàng tấn mực, cá sau những chuyến đi kéo dài cập cảng hứa hẹn một năm làm ăn phát đạt...
Trúng đậm chuyến biển cuối năm, cảng Thuận Phước (Đà Nẵng) nhộn nhịp, tưng bừng
Trúng đậm chuyến biển cuối năm, cảng Thuận Phước (Đà Nẵng) nhộn nhịp, tưng bừng

Niềm vui ngày cận Tết

Những ngày cuối năm hối hả, cái lạnh se sắt từ biển cả thổi về, cảng cá Thuận Phước và Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) vẫn nhộn nhịp tàu ra tàu vào. Trên bến cảng, đủ loại hải sản đang được những người “thợ” phân loại, chỗ này là cá cơm, chỗ kia là ghẹ, nơi khác là các loại mực… Những người “thợ” phân loại hải sản (chủ yếu là phụ nữ), làm việc hầu như không ngơi tay, bởi những bịch, cần xé đựng cá, mực, tôm, cua ghẹ lớn nhỏ liên tục được móc lên từ trong những hầm chứa trên các khoang tàu rồi nhanh chóng chuyển xuống sân bến cảng.

Chưa kịp xắn quần, còn ống cao ống thấp tôi vội bước lên tàu của “anh hùng bão Chan chu” năm nào Phạm Văn Xinh (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) ra khơi ngày mười tháng Chạp. Gặp lại “anh hùng bão Chan chu” sau gần chục ngày lênh đênh cùng biển cả. Tiếng cười vỡ òa cùng cái bắt tay khi khoang tàu chở đầy ắp cá, mực. “Vui mừng quá anh ơi! Tàu về, mang theo 2 tấn mực cùng 1 tấn cá ngừ, có tiền để trả nợ mua sắm ngư cụ mới rồi anh ơi…”. Anh Xinh hớn hở cười vạm vỡ.

Nụ cười rạng rỡ của những ngư phủ trong chuyến biển cuối năm để về quê đón Tết
Nụ cười rạng rỡ của những ngư phủ trong chuyến biển cuối năm để về quê đón Tết

Ngần ấy năm bám ngư trường Hoàng Sa, đây đã là cái Tết thứ 15 anh Xinh ra khơi. Anh kể: “Năm nào cũng vậy, cúng cảm tạ biển trời xong, tôi và anh em khăn gói ra khơi ngày mười tháng Chạp. Đúng dịp này, biển như cho lộc, cá mực nhiều lắm”. “Tàu tui đưa mực, cá về trước, nghỉ ngơi cúng tất niên rồi lấy thêm đá, nước ngọt đi luôn”. Anh Xinh nói. Cuối năm trước, anh Xinh chuyển đổi từ lưới vây sang câu mực, đầu tư giàn câu phải vay mượn gần 200 triệu đồng.

Đứng bên mạn tàu với dáng người vạm vỡ, phì phèo khói thuốc lá, anh Văn Đức Trai - một ngư dân mấy chục năm với nghề biển cả hồ hởi: “Tàu tui về cảng Thuận Phước ngày giáp Tết với 6 tấn cá ngừ, 20 năm lênh đênh nghề biển với hơn chục lần ăn Tết giữa ngàn đại dương nhưng chưa bao giờ chuyến cuối năm lại trúng lớn như vậy”. Với chuyến ra khơi này, cho phép 10 anh em trên tàu chia nhau số tiền lời gần 150 triệu đồng về quê ăn Tết cùng người thân, qua mùa trăng lại tiếp tục ra khơi.

Bên cạnh, nhiều tàu cá đã bắt đầu thu xếp ngư cụ để nghỉ ngơi, chờ qua Tết, lại buông khơi. Chủ tàu Ngô Đức Chín (Quảng Ngãi) nói với tôi: “Với 5 tấn cá ngừ và một vài tấn tôm, mực, 14 thành viên trên tàu, ai cũng mang tiền triệu về quê. Tết này vui lắm rồi các chú ạ”. Còn bác Ba Cảnh (55 tuổi), với gần 25 năm kinh nghiệm đi biển, nói với tôi rằng: “Tui đoán chắc, năm nay có thể là một năm bội thu mực và cá ngừ. Phải thừa thắng xông lên, lộc biển ban cho mình mà”.

Ngư dân sắp xếp lại lưới cụ chuẩn bị đón Tết
Ngư dân sắp xếp lại lưới cụ chuẩn bị đón Tết

Tại Âu thuyền Thọ Quang, hàng chục tàu công suất lớn của ngư dân Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng tấp nập vào bờ giao cá cho chủ hàng. Đây là những tàu đi chuyến biển cuối cùng của năm Ất Mùi, và đang chuẩn bị cho một mùa biển mới. Ngư dân Nguyễn Bình (quê Quảng Nam), vừa được chủ tàu chia 7 triệu đồng, chuẩn bị ra bến xe về quê, mừng rỡ kể: “Vui, năm nào tôi cũng đón giao thừa ngoài biển nhưng năm nay vừa có tiền, vừa được ăn Tết cùng gia đình, khoái lắm, khoái lắm…”.

Ngoài bến cảng, nhiều tàu đánh bắt “no” cá, mực vào giao hàng nhưng cũng nhiều tàu công suất lớn đang làm lễ cúng bái để ra khơi. Với ngư dân, những ngày tháng Chạp này tất bật lắm…

Khát vọng chinh phục biển khơi

Anh Nguyễn Bá Tường, chủ một chiếc tàu công suất 80 CV ở Thuận Phước, bộc bạch với tôi rằng: “Năm ngoái đi rồi, Tết này tôi cũng muốn ở nhà vui vầy với vợ con lắm chứ! Thế nhưng, mười mấy bạn biển của mình còn khó khăn nên tụi tui quyết định chuẩn bị ra khơi ngày Tết cho mẻ cá đầu năm lấy hên”. Anh Hà Văn Tèo, bạn chài của Tường, hào hứng: “Hơn 10 năm đi biển, quen sóng, quen gió quá rồi, vậy mà ra khơi ngày Tết vẫn cứ thấy lòng mình nao nao”.

Nhiều ngư dân bảo ra khơi ngày Tết thường chỉ đánh bắt bằng ba phần ngày thường nhưng rất vui. Cũng bánh chưng, bánh tét, cũng rượu thịt, dưa hành... nhưng họ đón giao thừa nơi boong tàu giữa trùng khơi và không quên chúc nhau vẹn một năm mới no đủ. “Sáng mùng một mà gặp nhau trên biển thì còn gì bằng. Cập tàu vào, mời nhau ly rượu rồi tỏa đi đánh bắt”. - Ông Trần Tài, lão ngư kỳ cựu ở phường Thọ Quang (Đà Nẵng) háo hức.

Họ là những ngư dân vẫn bám thuyền - giữ biển, mong “trời thương” cho khoang cá đầy, một năm mới thuận lợi
Họ là những ngư dân vẫn bám thuyền - giữ biển, mong “trời thương” cho khoang cá đầy, một năm mới thuận lợi

Với “anh hùng bão Chan chu” Phạm Văn Xinh mấy chục năm liền đón Tết trên biển. Anh nửa đùa nửa thật rằng chi phí một chuyến “du xuân giữa đại dương” bao giờ cũng cao hơn ngày thường. “Bình thường, chi phí mỗi chuyến biển khoảng 110 - 120 triệu đồng. Tháng Chạp, thứ gì cũng tăng giá nên chuyến biển cũng phải tốn không dưới 150 triệu đồng. Bù lại, đi biển Tết về, cá mực gì cũng được giá nên lãi chắc”. Anh Xinh cho hay.

Nghề ngư phủ, có người đến vì gánh nặng mưu sinh, người thì bằng duyên nghiệp cha truyền con nối, cũng có người vận vào do sự tình cờ... nhưng tất thảy đều đậm chất lãng mạn, nồng ấm tình người. Dẫu phải luôn đối mặt với hiểm nguy bởi bão tố trùng khơi hay chật vật trước từng cơn “bão giá” thị trường, không mấy ngư phủ nghĩ đến chuyện bỏ biển bao giờ, dẫu là ngày Tết. Sinh nghề tử nghiệp, đã là ngư phủ thì nề hà chi Tết hay ngày thường. Họ vẫn bám thuyền - giữ biển, mong “trời thương” cho khoang cá đầy, mở hàng một năm mới thuận lợi.

Bài và ảnh: Xuân Lam