Cần phải loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 28/10/2015

  (TN&MT) - Thời gian gần đây đã có nhiều thông tin về chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là chất tạo nạc đang gây thiệt hại nặng nề đến người tiêu dùng,...

 

(TN&MT) - Thời gian gần đây đã có nhiều thông tin về chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là chất tạo nạc đang gây thiệt hại nặng nề đến người tiêu dùng, người chăn nuôi, các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi làm ăn nghiêm túc, ngày 28/10 tại TP.HCM, Báo Thanh Niên đã tổ chức hội thảo “Loại bỏ chất cấm trong chăn nuôi”.

Hội thảo nhằm mổ xẻ những nguyên nhân sâu xa và tìm ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi bùng phát gần đây đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, gây thiệt hại cho ngành sản xuất vì thị trường tiêu thụ sụt giảm. Tham dự hội thảo có lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), Sở NN&PTNT TP.HCM, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi… Hội thảo nhận được sự hỗ trợ của Công ty Proconco, Công ty Chăn nuôi C.P.Việt Nam, Công ty TNHH DV An Hạ và Công ty VISSAN.

Tại hội thảo, ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, trong 9 tháng đầu năm, Chi cục đã tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý đối với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ trên địa bàn Thành phố. Kết quả, đã xử phạt hành chính 22 trường hợp vi phạm tại cơ sở giết mổ với số tiền 285 triệu đồng; yêu cầu chủ gia súc, chủ cơ sở giết mổ có trách nhiệm lưu giữ các lô heo có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm tại cơ sở dưới sự giám sát, kiểm tra của Trạm thú y quận, huyện; tiếp tục lấy mẫu nước tiểu các lô heo có kết quả dương tính với chất cấm xét nghiệm cho đến khi có kết quả âm tính đối với tồn dư chất cấm mới được phép hạ mổ.

“Để khắc phục khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét điều chỉnh một số nội dung của Thông tư 57/2012/TT-BNNPTNT để việc kiểm tra xử lý thực thi có hiệu quả; đề xuất Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2013/TT-BYT cho phù hợp với thực tế; kiến nghị Ban Chỉ đạo 389, Đoàn kiểm tra liên ngành, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - PC49 tăng cường kiểm tra quản lý nguồn nhập, xuất chất cấm lưu thông trên thị trường để xử lý tận gốc…” - ông Phan Xuân Thảo cho biết thêm.

Đại diện Công ty Chăn nuôi C.P.Việt Nam - ông Kiều Minh Lực khẳng định, C.P.Việt Nam là doanh nghiệp dẫn đầu trong sản xuất và kiểm soát thị heo an toàn bằng mô hình chuỗi 3F (Feed-Farm-Food). Trong đó, Feed là thức ăn chăn nuôi, Farm là trang trại chăn nuôi và Food là heo thịt, thịt heo và các sản phẩm thực phẩm của C.P. chế biến từ thịt heo. C.P.Việt Nam ủng hộ chính sách cấm sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi của Bộ NN&PTNT. C.P.Việt Nam cam kết với cơ quan Nhà nước và người tiêu dùng là sản phẩm heo thịt, thị heo và các sản phẩm chế biến từ thịt heo của C.P. không chứa chất cấm theo quy định của Bộ NN&PTNT.

Bà Đặng Thị Phương Ninh - Phó Tổng giám đốc Công ty VISSAN cho biết, VISSAN đã và đang được đông đảo người tiêu dùng cả nước ủng hộ và tin cậy. Doanh số và sản lượng của VISSAN về tiêu thụ các sản phẩm thịt tươi sống và nhất là các sản phẩm chế biến sẵn rất phong phú với trên 300 chủng loại đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ khá tốt và ổn định. Những thành công của VISSAN thời gian qua trong điều kiện cạnh tranh khá gay gắt của thị trường chứng tỏ người tiêu dùng ngày nay đã rất hiểu biết và đòi hỏi rất cao về yêu cầu An toàn vệ sinh thực phẩm. Niềm tin cậy của người tiêu dùng cả nước đối với thương hiệu VISSAN là niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm để VISSAN tiếp tục sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng.

Theo bà Đặng Thị Phương Ninh, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi và thực phẩm bị ảnh hưởng không nhỏ do một số người chăn nuôi không chân chính sử dụng chất cấm. Không người mua, giá cả giảm, chăn nuôi thua lỗ dẫn đến các trang trại giảm đàn hoặc ngưng hoạt động và cuối cùng nền chăn nuôi bị giảm sút làm ảnh hưởng chung đến nền kinh tế của cả nước. Quan trọng hơn, chúng ta đang trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu, các Hiệp định thương mại sắp có hiệu lực như: Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp ước thương mại trong khối Asean, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Châu Âu mà nền chăn nuôi chúng ta không làm tốt sẽ bị thua trên sân nhà.

Tường Tú