Đà Nẵng - thành phố đáng sống

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 28/04/2015

(TN&MT) - 40 năm sau ngày giải phóng, 18 năm trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã bứt phá mạnh mẽ, vươn lên trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, thân thiện, an bình, hấp dẫn và đáng sống. Đà Nẵng có được sự chuyển mình ngoạn mục ấy dựa vào khai thác 3 lợi thế: Đất đai, môi trường và lòng dân.
 

1. Đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng quê hương 30/4/2015 này, người Đà Nẵng ghi thêm một mốc son về sự đột phá trong xây dựng công trình kiến trúc thành phố. Công trình “Nút giao thông khác mức ngã ba Huế” 3 tầng đầu tiên ở Việt Nam khánh thành đưa vào sử dụng. Đây được xem là “công trình không ngủ”, khi hàng nghìn công nhân, kỹ sư phải làm việc suốt ngày đêm trong 18 tháng liền. Công trình không chỉ xóa bỏ “điểm đen” về ùn tắc, tai nạn giao thông mà tạo ra một cảnh quan, một điểm nhấn kiến trúc nghệ thuật độc đáo ở cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Công trình còn thể hiện khát vọng luôn đổi mới và vươn lên của một thành phố trẻ. Để có một công trình hoành tráng, hơn 450 hộ dân đã đồng thuận giải tỏa, nhường đất.

Câu chuyện giải phóng mặt bằng, giải tỏa, đền bù, tái định cư vốn làm đau đầu chính quyền nhiều nơi trên cả nước bởi khiếu kiện quá phức tạp. Nhưng ở Đà Nẵng, hàng chục cây câu, hàng trăm con đường mọc lên nhanh chóng, khang trang mà luôn được lòng dân. Bí quyết ở đâu?

Sau khi khảo sát, nghiên cứu, ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Liên minh đất đai (Landa) rút ra rằng, điểm nổi bật của Đà Nẵng có thể khái quát trong 3 cơ chế: “Thu hồi đất theo quy hoạch”; “Góp đất và điều chỉnh lại đất đai”, “Đối thoại - Đồng thuận”. Tất cả đều dựa trên sự minh bạch, công bằng và đảm bảo quyền lợi của người dân.

Cụ thể, đối với cơ chế “Nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch”, mức giá đền bù và tái định cư đối với tất cả các dự án được áp dụng theo biểu giá chung và thống nhất do TP duyệt. Điều này đã giúp tạo sự công bằng trong xã hội và hạn chế các biến động về giá đất một cách bất thường. Nhà đầu tư không tham gia vào quá trình này, tránh được những khó khăn nảy sinh từ giá đền bù khác nhau trên cùng một khu vực và cùng thời điểm. Nhà nước giao cho nhà đầu tư đất sạch sau khi đã giải phóng mặt bằng. Cơ chế “Góp đất và điều chỉnh lại đất đai” áp dụng hiệu quả trong việc chỉnh trang đô thị và cải tạo nâng cấp đường giao thông đô thị.

Khi giải phóng mặt bằng để làm đường, Đà Nẵng thường lấy vào 2 bên đường mới một khoảng không từ 30 đến 50 mét và sau đó quy hoạch bán đấu giá. Việc này không chỉ tạo ra những con đường khang trang, sạch đẹp do việc xây dựng đồng bộ, tránh được nhà siêu mỏng, siêu méo, mà nó còn tạo ra nguồn vốn lớn từ chính quỹ đất này do đường sá khang trang, rộng rãi nên giá đất tại những khu vực này cũng đã tăng lên rất nhanh. Không chỉ dừng lại tại đó mà việc đấu giá những lô đất hai bên đường mới cũng sẽ tránh được việc lợi dụng biết trước quy hoạch để mua đất bên trong chờ ra mặt đường.

Lãnh đạo TP. Đà Nẵng đánh giá cơ chế “Đối thoại” và đồng thuận” đóng vai trò quyết định sự thành bại của dự án. Thường các cuộc đối thoại với dân đều do lãnh đạo cao nhất thành phố chủ trì. Trong cuộc họp này, các thông tin về dự án, lợi ích của thành phố, của người dân đều được đem ra thảo luận. Người dân được giải quyết trực tiếp các băn khoăn bức xúc, từ đó giảm được các khiếu kiện không cần thiết. Tất Khi có trên 80% nhân dân đồng tình ủng hộ, thành phố mới triển khai thực hiện. 20% số hộ còn lại sẽ được tiếp tục vận động, tuyên truyền và đối thoại trực tiếp với lãnh đạo cao nhất...

2. Cơ chế “đối thoại và đồng thuận” được vị lãnh đạo nổi tiếng công tâm của Đà Nẵng – ông Nguyễn Bá Thanh – áp dụng triệt để trong tất cả các dự án.

Công trình đột phá đầu tiên của Đà Nẵng là dự án Vệt đường Bạch Đằng Đông với tổng số vốn gần 1.000 tỷ đồng được khởi công vào năm 1997. Để triển khai dự án này, ông Nguyễn Bá Thanh đã trực tiếp thuyết phục để hàng nghìn hộ dân giải toả, di dời.

Từ thành công trên, Đà Nẵng tiếp tục phát lệnh khởi công xây dựng cầu quay sông Hàn vào 2/9/1998. Không sử dụng ngân sách Nhà nước, Đà Nẵng xây cầu sông Hàn gần 100 tỷ đồng phần lớn do nhân dân đóng góp. Người dân tự nguyện đóng góp bởi khi cây cầu hoàn thành, cuộc sống của họ sẽ bước sang trang mới.

Với cách làm minh bạch và hợp lòng dân, cứ thế, gần 20 năm qua, Đà Nẵng đã bắc được 10 cây cầu qua các sông như: Thuận Phước, cầu Rồng, Trần Thị Lý, Tiên Sơn… Toàn thành phố từ chỗ chỉ có hơn 360 con đường giờ đã tăng lên hơn 1.300 con đường cùng hàng trăm khu đô thị, hàng nghìn khu, cụm dân cư mới. Chỉ tính trong 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã thực hiện thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để triển khai gần 1.400 dự án với tổng diện tích hơn 18.000 ha. Với sự đồng thuận của chính quyền và người dân, hơn 95.000 hộ dân đã giải tỏa, di dời đất đai, nhà ở để xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại.

Có thể khẳng định, Đà Nẵng vươn lên là nhờ đất. Đất đã làm nên vàng ở thành phố biển này. Từ năm 2003 đến nay, tính riêng nguồn thu từ đất vào ngân sách nhà nước, Đà Nẵng đã huy động được trên 20.000 tỷ đồng, để tái đầu tư cho phát triển hạ tầng đô thị và xã hội.

Những bước đi mạnh mẽ cũng sự tận dụng tối đa tiềm năng đất đai đã giúp mảnh đất “quận Ba” quê mùa xưa kia đã trở thành thiên đường du lịch, có những bãi biển đẹp nhất hành tinh, biến đất hoang vu thành đắt đỏ giữa những đô thị vàng.

  Nút giao thông khác mức ngã ba Huế
Nút giao thông khác mức ngã ba Huế

3. “Phải biến Đà Nẵng thành đô thị đáng sống chứ không phải là thành phố chán sống trong tương lai”. Đó là câu nói nổi tiếng của cố Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Ông Thanh làm nhiều việc táo bạo, nhiều khi “không giống ai” để thực hiện mục tiêu này. Trong đó có việc cải thiện môi trường, gìn giữ môi trường xanh sạch đẹp.

Có lần, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang từng nói: Đã đến lúc phải chọn nhà đầu tư chứ không phải cứ để nhà đầu tư chọn chúng ta.

Với Đà Nẵng, không phải bây giờ, mà từ cách đây nhiều năm, ông Nguyễn Bá Thanh cũng thực hiện trải thảm đỏ nhưng chỉ với những “bàn chân sạch”, nhà đầu tư bền vững. Ông đã từ chối cả tỷ USD vì môi trường sống của người dân thành phố. Năm 2011, thành phố này không chấp thuận để hai tập đoàn nước ngoài đầu tư dự án thép và sản xuất bột giấy có tổng vốn lên đến 4 tỉ USD vì sợ ô nhiễm môi trường. Cùng vì mối lo này, đầu năm 2015, Đà Nẵng cũng từ chối một Tập đoàn dệt may của Hồng Kông xây dựng các nhà máy dệt nhuộm và may mặc với tổng số vốn đầu tư dự kiến 200 triệu USD.

Năm 2008, Đà Nẵng – thành phố đầu tiên của Việt Nam đến nay công bố đề án Xây dựng Thành phố môi trường. Từ năm 2011 - 2014, Đà Nẵng liên tục nhận được các giải thưởng quốc tế về môi trường như Thành phố bền vững về môi trường ASEAN (2011), Thành phố phát thải carbon thấp (2012), là một trong 20 thành phố xanh-sạch-đẹp (2013), và là thành viên của “Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu” (2014)… Những giải thưởng cùng sự thay đổi về diện mạo, cảnh quan đang mang lại sự khác biệt, nét độc đáo riêng cho Đà Nẵng. Và cũng chính vì thế, Đà Nẵng đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa, là địa phương giữ vị trí đầu bảng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (2014).

Thương hiệu Đà Nẵng – thành phố đáng sống đã không còn xa lạ. Không xa lạ bởi điều đó đã bước đầu thành hiện thực. Và hơn nữa, những nỗ lực từ chính quyền và người dân nơi đây khiến ta tin rằng, Đà Nẵng sẽ thực sự trở thành một thành phố đáng sống đúng nghĩa trong tương lai.

Bảo Châu