Cần Thơ: Bước vào lộ trình giải quyết nhà ở lấn sông, rạch

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 24/11/2014

(TN&MT) - TP.Cần Thơ dân cư sống tập trung dọc theo các con sông, kênh, rạch đang đối mặt với nguy cơ sạt lở và nạn ô nhiễm môi trường nước.
   
(TN&MT) - TP.Cần Thơ có 65km sông Hậu đi qua, 350km kênh rạch cấp 1 (sông Cái Sắn, Tắc Ông Thục, kênh Đứng…) và khoảng 800km kênh, rạch cấp 2. Dân cư sống tập trung dọc theo các con sông, kênh, rạch, đang đối mặt với nguy hiểm về sạt lở và vấn nạn ô nhiễm nguồn nước. Mặt khác, tình trạng lấn chiếm dòng chảy đã và đang diễn ra phổ biến, gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước tự nhiên, ngập nghẹt ngày càng nghiêm trọng – nhất là tại các quận trung tâm như Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy
   
Thu hẹp dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường…
   
  Cả thành phố có hàng ngàn căn nhà dọc sông Cần Thơ, Bình Thủy, Thốt Nốt... Thực tế cho thấy nhà ven sông, kênh, rạch ở TP.Cần Thơ có diện tích nhỏ, do người dân - phần lớn là nghèo, đông nhân khẩu, không nghề nghiệp ổn định, thu nhập thấp, tự xây cất để ở. Việc xây dựng này đã làm thu hẹp dòng chảy và khả năng tiêu thoát nước trong khu vực. Đặc biệt, trong sinh hoạt người dân sống ven sông, kênh, rạch đã xả rác thải, nước thải trực tiếp xuống sông, kênh, rạch làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
   
   
Rạch từ hổ đã và đang được các hộ dân lấn chiếm nghiêm trọng
   
  Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Cần Thơ, chất lượng nước có chiều hướng suy giảm, đặc biệt trên sông Hậu bị ô nhiễm chất hữu cơ và Coliform, có nơi ô nhiễm nghiêm trọng là do bùn thải, nước thải từ quá trình nuôi thủy sản tự phát, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đạt chuẩn đã thải trực tiếp ra môi trường, các kênh rạch bị lấn chiếm, ô nhiễm, lấp dần gây tắc nghẽn dòng chảy như rạch Ba Láng, Bò Ót, Kênh Đứng, rạch Từ Hổ…
   
  Thực tế, rạch Từ Hổ ở phường An Khánh (Ninh Kiều), rộng hơn chục mét, nối rạch Bà Bộ ra sông Cần Thơ. Từ khi xây dựng khu dân cư Thới Nhựt (An Khánh), con rạch bị lấp đi phần ngọn, nên nước không lưu thông, phù sa bồi lắng cạn kiệt dần. Khu dân cư lấp rạch nên nhiều người dân cũng lấn chiếm rạch. Họ lấp rạch để xây nhà. Chỉ tính đoạn chảy qua khu vực 4, phường An Khánh, đã có trên 20 căn nhà lớn, nhỏ. Kết quả, con rạch lớn hồi nào nay bị rác bịt kín, nước đen bốc mùi hôi thối. Người dân sống gần rất bức xúc, nhiều lần lên tiếng nhưng chính quyền sở tại chưa can thiệp.
   
   
Rạch Muống vốn là tuyến giao thông thủy trong lòng thành phố cũng đã bị các hộ dân ven bờ lấn chiếm gần hết
   
  Rạch Mương Lễ ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, trước đây có bề rộng khoảng 10m, nước ra vào thông thoáng, người dân dùng nước dưới rạch phục vụ cho sinh hoạt... Nhưng gần đây, người dân xây dựng nhà lấn chiếm và mọi chất thải sinh hoạt đều tuôn xuống rạch nên dòng nước tại đây trở nên ô nhiễm. Ông Nguyễn Văn Hoàng, nhà gần rạch Mương Lễ, nói: "Nếu tình trạng xây dựng nhà lấn chiếm lòng rạch không được ngăn chặn thì con rạch này không còn tác dụng dẫn nước và bà con sống cặp rạch tự nhận hậu quả về môi trường do mình gây ra".
   
  Nhiều người dân sống dọc theo các con sông rạch nhỏ (rạch Chùa, rạch Bà Nga...) trên địa bàn quận Ninh Kiều cũng cho biết chất lượng cuộc sống của mình bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường từ các con rạch. Vào ban đêm, mùi hôi của nước thải bốc lên nồng nặc rất khó chịu, ảnh hưởng sức khỏe, dẫn đến trẻ em thường xuyên bị viêm hô hấp…
   
  Còn ở vùng nông thôn, dọc theo kênh Cái Sắn (huyện Vĩnh Thạnh), sông Cần Thơ (huyện Phong Điền), sông Thốt Nốt (đi qua địa bàn huyện Cờ Đỏ)... đều có nhà dân san sát. Ngoài việc góp phần gây ô nhiễm môi trường nước, bà con sống dọc theo sông, kênh, rạch còn đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông, sập nhà do mưa lớn kèm theo lốc xoáy... Nguyên nhân, do các sông, kênh, rạch ở vùng nông thôn có dòng chảy rất mạnh dễ dẫn đến sạt lở.
   
Trả lại màu xanh cho sông, kênh rạch...
   
  Điều kiện sống và sinh hoạt bà con sống dọc theo sông, kênh, rạch rất chật chội, thiếu thốn nhưng họ hoàn toàn không có sự lựa chọn nào khác, nếu như nhà nước không trợ giúp về nơi ở, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp… Nhiều người dựng nhà ở cặp sông từ hàng chục năm qua không được cấp GCNQSDĐ, họ biết rõ đất ở ven sông thuộc nhà nước quản lý. Họ mong muốn lên bờ xây dựng nhà ở ổn định nhưng không có tiền mua đất, dựng nhà.
   
   
Do hệ thống kênh rạch tự nhiên bị lấn chiếm, dòng chảy thoát nước bị tắc nghẽn nên vào mùa mưa nhiều tuyến đường nội ô thành phố Cần Thơ bị ngập, nghẹt, trở thành sông
   
  Mặc dù đến nay TP.Cần Thơ vẫn chưa xây dựng được Chương trình "xóa" nhà ở trên sông, kênh, rạch. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng TP.Cần Thơ việc giải tỏa nhà ven sông, kênh, rạch thời gian qua chủ yếu "ăn theo" các dự án khác và cũng đã cho thấy hiệu quả rất tích cực. Đơn cử, dự án xây dựng bờ kè Xóm Chài, bờ kè rạch Khai Luông, công viên Hồ Xáng Thổi, dự án xây dựng bờ kè sông Cần Thơ (đoạn từ phà Xóm Chài đến huyện Phong Điền), công trình giải tỏa xây dựng công viên Tham Tướng (tại rạch Tham Tướng) thuộc Dự án Nâng cấp Đô thị TP.Cần Thơ, bờ kè rạch Ngỗng (thuộc các phường An Nghiệp, An Hòa, An Khánh), bờ kè sông Ô Môn, sông Thốt Nốt... đã tích cực góp phần hạn chế tình trạng mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường…
   
  Đáng chú ý, việc tổ chức di dời nhà ở ven sông còn là một yêu cầu cấp bách trong giải pháp chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch. Giải pháp đó được thể hiện qua Đồ án "Quy hoạch phòng chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn TP.Cần Thơ" của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam. Cụ thể là: Củng cố hiện trạng, áp dụng các giải pháp phòng ngừa, phòng tránh, nhằm hạn chế tối thiểu mức độ thiệt hại do sạt lở gây ra giai đoạn từ nay đến năm 2015. Đồng thời, đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở, di dời dân cư ven sông vào vùng đất ổn định, thực hiện chỉnh trang đô thị liên tục từ nay đến 2025 và xa hơn nữa; phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 40% hộ dân sống ven sông có chỗ ở ổn định trong những khu đô thị mới, đến năm 2030 thì tỷ lệ này khoảng 80% và đến năm 2050 toàn thành phố không còn nhà cọc ven sông, trả lại hiện trạng xanh cho sông, kênh, rạch. Đồ án này thực hiện với kinh phí trên 2.030 tỉ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Cần Thơ làm chủ Đồ án.
   
   
Công trình cải tạo rạch Tham Tướng đã tích cực giải quyết được nhiều nhà ven bờ rạch và cải thiện môi trường
   
  Theo ông Nguyễn Minh Thế - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Cần Thơ, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, thúc đẩy thực hiện các biện pháp xử lý chất thải, giảm thiểu tối đa tình trạng xả thải gây ô nhiễm kênh rạch là việc bức thiết cần phải tập trung giải quyết. Việc xác định hiện trạng đất công kênh rạch trên địa bàn cũng cần phải làm, có xác định được diện tích, vị trí cụ thể thì mới có biện pháp đúng trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm kênh rạch tự thiên.
   
  "Những giải pháp nêu trên đều phù hợp với địa phương trong công tác phòng chống sạt lở, hạn chế tình trạng nhà ở ven sông gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Trên cơ sở này, địa phương đã và đang xây dựng, triển khai thực hiện từng dự án nằm trong khuôn khổ của đồ án đã đề ra. Kinh phí xây dựng các công trình nêu trên rất cao (trên 2.030 tỉ đồng), do đó, thành phố tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương và địa phương để thực hiện Đồ án theo thời gian biểu đề ra" - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - Đào Anh Dũng cho biết.
   
  Bài và ảnh: Phong Vân