“Sốt” nấm “Ngọc cẩu”, người dùng cần cẩn trọng
Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 12/11/2014
(TN&MT) - Thời gian qua, nhiều báo mạng loan tải thông tin trên đỉnh Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) có loại nấm Tỏa dương hay còn gọi là “Ngọc cẩu”.
(TN&MT) - Thời gian qua, nhiều báo mạng loan tải thông tin trên đỉnh Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) có loại nấm Tỏa dương hay còn gọi là “Ngọc cẩu”, được mệnh danh biệt dược với nhiều công dụng, nhất là đối với phái mạnh.
Từ thông tin đồn thổi, khiến không ít người từ Hà Giang, Hà Nội và nhiều tỉnh săn tìm loại nấm này, tạo nên “cơn sốt” khai thác, mua, bán loài nấm này. Trước nhu cầu thị trường, tại các huyện Hoàng Su Phì, Vị Xuyên (Hà Giang), không ít người dân đã lên rừng tận thu loài nấm này.
Nấm “Ngọc cẩu” được khai thác và bán tràn lan tại Hà Giang
Không ít người đã “trúng quả” từ những cây nấm mà một vài năm trước còn vô danh. Ông Hoàng Văn Chiếm, một người bán nấm “Ngọc cẩu” ở huyện Hoàng Su Phì cho biết, khoảng đầu tháng 10 vừa qua, khi “cơn sốt” mới bắt đầu, giá của loài nấm này lên đến 2 triệu đồng/kg. Về sau, khi nấm được ồ ạt tung ra thị trường, giá hạ xuống mức 1,5 triệu đồng, 800 ngàn đồng, rồi xuống mức 200 ngàn đồng như hiện nay. Thực tế, có không ít người nghe lời đồn thổi đây là loại thuốc bổ dương “đặc biệt” dành cho cả phải mạnh và phái yếu, hay là thuốc “tan cửa nát nhà” đã không tiếc tiền mua nấm về sử dụng theo nhiều cách khác nhau mà chưa thực sự biết rõ “Ngọc cẩu” có lợi, hại như thế nào đối với người sử dụng.
Theo thông tin từ mạng internet: “Nấm ngọc cẩu là loại thảo dược nửa dạng cây nửa dạng nấm. Thân có màu đỏ nâu sẫm. Nấm “Ngọc cẩu” có mặt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, gồm: Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang… Nấm được sử dụng trong các bài thuốc bổ máu, bổ thận, kích thích đường tiêu hóa, thông tiểu, chữa nhức mỏi tay chân, đau lưng, di tinh, liệt dương, tốt cho phụ nữ phục hồi sức khỏe sau khi sinh... Không chỉ có tác dụng với phụ nữ, với đàn ông, loài nấm này chính là thần dược. Tuy nhiên, cũng có nguồn tin trái chiều cho rằng, nấm “Ngọc cẩu” không có nhiều tác dụng như nêu trên. So với các loại thảo dược có tác dụng bổ dương khác như ba kích, dâm dương hoắc… thì tác dụng này của nấm “Ngọc cẩu” cũng chỉ ở mức độ vừa phải, nếu như không muốn nói là khiêm tốn. Đồng thời, nếu không sử dụng đúng cách còn có thể bị độc hại.
Trước thông tin khác nhau về tác dụng của nấm “Ngọc cẩu”, người tiêu dùng cần có sự cẩn trọng để bảo vệ sức khỏe của mình. Về phía Ngành Y tế, cần có sự đánh giá và đưa ra khuyến cáo về tác dụng của loại nấm này. Đồng thời, chính quyền các địa phương cần có biện pháp quản lý trước tình trạng người dân lên rừng khai thác nấm một cách bừa bãi như hiện nay.
Huy Toán