Nậm Pồ sẽ không còn là “ốc đảo”

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 17/06/2014

(TN&MT) - “Con đường không chỉ là mạch máu giao thông mà còn đem lại sức sống cho vùng đất nơi nó đi qua.
(TN&MT) - “Con đường không chỉ là mạch máu giao thông mà còn đem lại sức sống cho vùng đất nơi nó đi qua. Đường mở đến đâu, chắc chắn cuộc sống của người dân đổi thay tới đó!” – lời nói như cởi tấm lòng của Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) Vàng A Hý với chúng tôi mở đầu câu chuyện về con đường đang mở từ km45 xã Phìn Hồ đến xã Nà Hỳ.
   
  1. Con đường đang mở từ km 45 xã Phìn Hồ đến xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là tại UBND xã Phìn Hồ, nơi bắt đầu tuyến đường huyết mạch. Con đường của niềm khao khát, ước mơ đang “thành vóc, thành hình” để huyện Nậm Pồ sẽ không còn bị cô lập như “ốc đảo” trong mùa mưa lũ. Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ, Vàng A Hý nhớ lại những ngày mùa mưa phải có việc vào bản: Mạy Hốc, Đề Pua, Mo Công đối với cán bộ xã như ông là cả thử thách. Bởi chỉ vài cây số đường nhưng có khi đi mất cả ngày, vật lộn trên con đường trơn trượt dốc ngược dựng đứng, nhiều đoạn đá hộc nên vất vả lắm mới đến được các bản, đi một lần rồi lần sau chẳng muốn vào vì thế công việc điều hành bị trậm trễ.
   
  Con đường mong mỏi này cũng gặp nhiều gian nan về công tác đền bù cho dân bị ảnh hưởng. Nhiều bản phải họp đi họp lại 3 – 4 lần thống nhất về ruộng, nương, nhà cửa, hoa màu… khi xong hồ sơ, người dân yêu cầu có ngay tiền điền bù mới di chuyển và cho thi công. Để tuyến đường thi công đúng tiến độ, xã kết hợp chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án giao thông trọng điểm, Sở Giao thông – Vận Tải và Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn phải đến làm công tác tư tưởng từng hộ được đền bù. Với sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương các đơn vị có liên quan, công tác đền bù cho dân theo quy định của Nhà nước thì nhà thầu còn trợ giúp người dân: San ủi mặt bằng, hỗ trợ xi măng giúp hộ di chuyển nhà, làm đường vào bản… người dân đã dần hiểu và đồng thuận bàn giao mặt bằng đơn vị thi công đúng tiến độ.
   
  Không phải những gì mang lại lợi ích cho dân mà tất cả đều được đồng tình ủng hộ, để có được tuyến đường là sự đóng góp nhiều công sức của cán bộ Ban Quản lý Dự án giao thông trọng điểm, Sở Giao thông – Vận Tải không ngại khó, ngại khổ thường xuyên đến bản tuyên truyền, vận động người dân. Chẳng khác gì bộ đội thực hiện “3 cùng” với dân.
   
Đường vào trung tâm huyện Nậm Pồ nay đang hoàn thiện phần nền.
   
  2. Rời UBND xã khi đã gần về trưa, đi trên con đường đang mở giữa tiết trời tháng 5 nắng như thiêu đốt, lại thêm gió Lào thổi ràn rạt như quạt ngọn lửa bỏng rát vào mặt, chúng tôi mới thấy gian khó, nhọc nhằn của những người đang ngày đêm bám trụ nơi đây, cho con đường mơ ước nhanh được trở thành hiện thực. Dừng chân tại Ban Chỉ huy Công trường gói thầu số 9, do Doanh nghiệp Tư nhân Xây dựng Tùng Lâm thi công, với 6,5 km đường từ km 45 đến bản Đề Pua. Đoạn đường với độ dốc lớn từ 15 – 20%, nhiều đá hộc và cắt cua nên trong quá trình thi công hết sức vất vả, nguy hiểm đến tính mạng nhưng không vì thế mà chậm tiến độ được giao. Ông Phạm Trọng Hậu, Đội Trưởng thi công vừa lau giọt mồ hôi vừa nói: Hiện đơn vị đã hoàn thiện phần nền, với trên 500.000m³ đất, đá đào đắp (vượt chỉ tiêu trên 30% khối lượng công việc). Dù trên địa bàn thời tiết rất khắc nghiệt nắng, nóng hầm hập như trong chảo rang nhưng nhận thức rõ trách nhiệm được giao và phải hoàn thành sớm đưa vào sử dụng đầu năm 2015 nên doanh nghiệp dồn sức, máy móc, thiết bị… làm ngày, làm đêm thường xuyên duy trì 2 máy ủi, 4 máy xúc và 30 cán bộ, công nhân. Ban Quản lý Dự án giao thông trọng điểm, Sở Giao thông – Vận Tải, cử trực tiếp bám sát công trường ngay từ ngày đầu thi công. Cán bộ kỹ thuật theo dõi kỹ thuật, đôn đốc các đơn vị thi công theo đúng tiến độ và làm công tác dân vận đền bù, giải phóng mặt bằng nên đến nay mọi việc đã suôn sẻ.
   
  Buổi trưa hôm đó, chúng tôi ở lại dùng bữa cơm với anh em trên công trường, với những thức ăn là gà, rau của bà con bản Đề Pua mang ra động viên cán bộ, công nhân làm đường cho dân bản và nhận được lời nói như cảm ơn của phó bản Sùng A Phảng:  “Đường mở ra chúng tôi vui lắm, giờ đây chúng tôi có thể mua xe máy đi vào huyện, ra thành phố mua bán được rồi! Con đường mở ra không những thuận tiện cho giao thương buôn bán mà người dân cũng thuận lợi hơn trong áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác. Muốn mua vật liệu về làm nhà không lo việc chuyên chở khó khăn, con đường hoàn thành chắc chắn sẽ có nhiều nhà mới mọc lên…”
   
  3. Sau bữa cơm trưa, chúng tôi lại cùng đoàn Ban Quản lý Ban Quản lý Dự án giao thông trọng điểm, Sở Giao thông – Vận Tải tiếp tục hành trình gần 30 km vào xã Nà Hỳ, trên đoạn đường ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Ban Quản lý Dự án giao thông trọng điểm giới thiệu rành rọt cho chúng tôi về từng chỗ trên đoạn đường. Đoạn thi công khó do dốc cao, nhiều đá và đặc biệt là đoạn đường giáp với biên giới nước bạn Lào đã phải điều chỉnh thi công, để đảm bảo theo đúng quy ước chung về đường biên 2 nước. Chính vì vậy, việc thi công phải kéo dài vì vừa làm, vừa phải tính toán kỹ và nắn tuyến theo đúng với yêu cầu đặt ra. Thời điểm làm thủ tục hồ sơ để giải quyết đền bù cho người dân phải ở lại hàng tuần, nửa tháng đã khiến anh Tuân thuộc lòng từng bản, từng đoạn đoạn đường và những nhà dân được đền bù. 
   
    
Con đường vào huyện Nậm Pồ là nỗi ám ảnh của người dân khi đến mùa mưa, lũ sắp đi vào dĩ vãng.
   
  Ngồi nghe, theo dõi cuộc trao đổi nhanh trên công trường, bởi ở đây mọi người đều đang rất bận, tranh thủ thời gian chạy đua với mùa mưa, chúng tôi thấy có nhiều việc mà nhà thầu đang băn khoăn đã được giải quyết như: Đá, cát làm đường thống nhất mua từ thị xã Mường Lay, các gói thầu cam kết thực hiện theo tiến độ và đẩy thời gian bàn giao đường lên trước dự kiến vào trước mùa mưa 2015 (Theo kế hoạch UBND tỉnh bàn giao  đưa vào sử dụng tháng 12/2015), tổ chức, cách thức nổ mìn phá đá… Đoàn còn thực tế kiểm tra số lượng công nhân, máy móc của từng gói thầu, để có thể đảm bảo thực hiện công việc giao theo đúng tiến độ.
   
  Dù tổng chiều dài của con đường chỉ trên 35 km, với tổng mức đầu tư 289 tỷ đồng nhưng là con đường chiến lược có vị trí quan trọng, đảm bảo an ninh – quốc phòng và mở ra cho người dân huyện Nậm Pồ một cuộc sống mới khi giao thương, buôn bán được thuận lợi dễ dàng. Các sản phẩm nông, lâm làm ra không lo bị ứ đọng vào mùa mưa, lũ. Nên cán bộ kỹ thật của chủ đầu tư và cán bộ, công nhân trên công trường đang phải vượt lên những thiếu thốn: Nước sạch, rau xanh, nhu yếu phẩm phục vụ cho đời sống… để nhanh chóng hoàn thành vào trước mùa mưa năm 2015.
  Bài và ảnh: Kiên Cường