Thanh Hóa: Lợi dụng dự án để chặt phá rừng trái phép?

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 01/04/2014

(TN&MT) - Trên 200 ha rừng tái sinh thuộc địa bàn hai xã Phú Sơn và Phú Lâm (huyện Tĩnh Gia - Thanh Hóa) đang bị một số người lợi dụng việc triển khai dự án để...
(TN&MT) - Thời gian gần đây trên 200 héc-ta rừng tái sinh thuộc địa bàn hai xã Phú Sơn và Phú Lâm (huyện Tĩnh Gia - Thanh Hóa) đang bị một số người  lợi dụng việc triển khai dự án phát triển ngành Lâm nghiệp (WB3) để tàn phá một cách nghiêm trọng.
   
Những lán trại “lâm tặc” canh gác người lạ lên khu vực phá rừng.
   
  Điều đáng chú ý, đó là khu rừng tái sinh trên 15 năm tuổi đang cần được nuôi dưỡng, bảo vệ để tạo "lá phổi xanh" cho cả khu Kinh tế Nghi Sơn. Và là nơi điều hòa nước cho 44 hồ đập lớn nhỏ của huyện. Tuy nhiên, cả khu rừng tái sinh này đang bị lâm tặc "vặt trụi" một cách không thương tiếc, đã để lại một hệ lụy xấu cho môi trường sinh thái sống nơi đây.
   
Những quả đồi bị “lâm tặc” vặt trụi không một bóng cây.
    
   
  Trong cái nắng đầu mùa oi ả của những ngày cuối tháng 3, chúng tôi đóng vai người đi săn bắn chim với người dân bản địa dẫn đường vào núi Lâm Động nơi khu rừng bị chặt phá, thuộc địa phận hai xã Phú Lâm và Phú Sơn. Con đường dẫn chúng tôi vào khu vực rừng bị triệt hạ phải đi qua nhiều quả đồi cao chỉ còn trơ trọi lại đất vì bọn lâm tặc “vặt trụi” hết những tán cây rừng, chốc chốc lại thấy những nhóm người đang đi lấy những đoạn gỗ thừa và củi của bọn lâm tặc bỏ lại, trên con đường dẫn vào khu rừng đang bị đốn hạ có nhiều lán trại do bọn lâm tặc dựng lên để cản trở những người không có phận sự vào khu vực phá rừng quay phim chụp ảnh. Con đường đất gồ ghề với những ổ voi, ổ trâu ngập ngềnh cùng những con dốc cao dựng đứng sừng sững và những rìa rừng có vực sâu thăm thẳm, đôi lúc khiến chúng tôi như muốn bật ra khỏi đường văng xuống vực, đoạn đường từ UBND xã Phú Lâm đến khu rừng bị phá chỉ cách khoảng 3km, nhưng phải mất hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi mới nơi.
   
   Tại địa điểm chặt phá rừng của “lâm tặc”, chứng kiến cảnh hoang tàn, xơ xác của cả khu rừng tái sinh trên 15 năm tuổi đang bị chặt phá không thương tiếc, nhiều cây gỗ to đang nằm ngổn ngang. Tại các tiểu khu 664 và 666, nhiều loại cây trường, lim, gũ... Và một số cây gỗ quý khác trên hàng chục năm tuổi bị chặt hạ bằng máy cưa nằm chỏng trơ vắt vẻo lên nhau. Các khoảnh rừng bị triệt hạ có diện tích rộng bát ngát và dường như đang có người chỉ đạo phá rừng rất “chiến lược” đó là để lại hành lang giữa khoảnh nọ với khoảnh kia chừng 4-5m, sau khi đưa ôtô và công nông vào chở gỗ đi thì khoảnh rừng làm hành lang này sẽ được phá tiếp, khu đất này sẽ trở thành khoảng đất đồi rộng để thuận tiện cho việc đưa cơ giới hóa vào làm đất phục vụ canh tác cây trồng khác. Quả thật, chúng tôi nhìn cả cánh rừng đang bị đốn hạ mới thấy hết được, những thực trạng đau buồn của cả khu rừng tái sinh bị "xẻ thịt", có những quả đồi rộng lớn từng được phủ kín màu xanh đã bị san ủi và đốt sạch sành sanh, đến nỗi không còn một cọng cỏ, tại khu rừng còn có cả máy ủi máy xúc để "thịt" rừng một cách công khai, ấy thế mà không hề có một cơ quan chức năng nào giám sát và ngăn cấm?.
   
Những khúc gỗ quý được bọn “lâm tặc” xếp lại từng đống.
    
   
  Theo quan sát của PV Báo Tài nguyên & Môi trường thì đây là rừng tái sinh có mật độ cây to khá dày, nhiều cây đã bị “lâm tặc” khai thác, hiện gốc vẫn còn có bán kính gần 1m đang bị mối ăn rỗng, nhiều gốc cây to bị khai thác khoảng hai tháng nay hiện đã nảy chồi cây con, diện tích mới bị triệt hạ toàn phần nhiều cây lá vẫn còn xanh tươi, trong đó rất nhiều cây có bán kính chừng 60-70 cm, hiện đang nằm ngổn ngang trên mặt đất. Tại điểm khai thác, chúng tôi tiếp xúc với môt nhóm phá rừng có khoảng 20 người được bọn “lâm tặc” thuê, người đứng đầu có tên là Tùng cho biết: “Ngoài ăn cơm ra thì chúng tôi còn được trả tiền từ 250-300 nghìn/người ngày. Công việc của chúng tôi hàng ngày là dùng máy cưa đốn hạ và phân loại gỗ, sau đó một tuần xe ôtô và công nông lại lên vận chuyển gỗ về để bán, công việc nơi đây còn chừng ba bốn tháng nữa mới xong các anh ạ”.
   
Cây gỗ quý vừa mới bị “lâm tặc” đốn hạ bên bìa rừng.
    
   
  Theo lời người dẫn đường kể: “Trước đây, toàn bộ khu vực rừng tái sinh này được giao cho người dân chăm sóc, bảo vệ nên có nhiều loại cây gỗ quý như: trường, lim, gũ, de, dẻ phát triển tốt và có nhiều loại thú rừng quý hiếm. Ấy vậy, mà hai năm trở lại đây không biết dự án gì mà tình trạng phá rừng tái sinh để chuyển đổi sang rừng đặc dụng? Nhiều lúc chúng nhìn cả khu rừng bị tàn phá mà đau xót lắm các chú ạ, thấy người ta ào ào lên rừng đốt phá gỗ đem đi, rừng teo tóp hàng ngày mà không làm gì được, thậm chí chúng tôi phản ứng còn bị bọn “lâm tặc” doạ nạt, thách thức nên đành bất lực. Người dẫn đường còn ngậm ngùi lo lắng, không biết vào mùa mưa bão tới cả khu rừng trơ trọi, không còn một bóng cây chắn thì nước từ trên núi đổ thẳng xuống làng bản, các hồ chứa nước thủy lợi sẽ bị vỡ, không biết dân tình nơi đây sống sao đây?!”.
   
Cây gỗ có đường kính hơn 1m bị “lâm tặc” đốn hạ.
    
   
  Điều đặc biệt quan tâm khiến nhiều người đặt câu hỏi là vì sao các đoàn khảo sát chuyên ngành và nhà thiết kế lại đưa cả khu rừng tái sinh, là nơi điều hòa nước cho 44 hồ đập lớn nhỏ ở Tĩnh Gia và  là “ lá phổi xanh” của Khu kinh tế Nghi Sơn vào danh sách chuyển đổi sang rừng đặc dụng???. Để hàng ngày khu rừng tái sinh trên 15 năm tuổi đang phải “oằn mình rỉ máu” vì bọn “lâm tặc” ngang nhiên đốn hạ hàng trăm hec-ta rừng và gần hàng trăm mét khối gỗ/ngày được vận chuyển trái phép ra bên ngoài mà không hề bị xử lý.
   
  Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.
   
  Bài & ảnh: Tuyết Trang - Anh Sơn