Vụ Chủ tịch tỉnh Bình Dương bị “tố: Cuộc “họp báo bất thường” tại trụ sở UBND tỉnh kết thúc trong bế tắc!

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 25/10/2013

(TN&MT) – Trong một diễn biến “bất thường”, ngày 24/10, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức cuộc “họp báo bất thường” xung quanh vụ việc Chủ tịch tỉnh Lê Thanh Cung bị...
   
(TN&MT) – Trong một diễn biến “bất thường”, ngày 24/10, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức cuộc “họp báo bất thường” xung quanh vụ việc Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung bị “tố”.
   
  Cuộc họp “bất thường” này không có sự hiện diện của các “nhân vật chính” là ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam (Cty Đại Nam); Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung. Một số phóng viên tham gia đã viết bài, đưa tin vụ việc này không được mời tham dự, trong khi có nhiều phóng viên khác được mời chính thức(?!).
   
  Dù cuộc họp “bất thường” này như một động thái “làm rõ” những nội dung mà ông Huỳnh Uy Dũng “tố” Chủ tịch tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung, tuy nhiên diễn biến cuộc họp lại kết thúc không như mong đợi. Quá khó để các phóng viên có mặt tại cuộc họp “thấy” việc ông Huỳnh Uy Dũng “tố” sai!.
   
   
Dưới đây là một số diễn biến của cuộc “họp báo bất thường” này:  
   
  Cuộc “họp báo bất thường” diễn ra tại hội trường trong trụ sở UBND tỉnh Bình Dương với sự tham dự của khoảng 20 nhà báo. Chủ trì cuộc họp là ông Võ Văn Lượng – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương; ông Lê Phú Cường – Phó Giám đốc Sở Xây dựng; ông Bùi Văn Hai, Phó Giám đốc Sở TN&MT…
   
  Mở màn cuộc họp, thật bất ngờ nhà báo Cao Hùng (Báo Lao Động) đã xuất hiện và đặt câu hỏi: “Ngay từ đầu tuần, phóng viên Báo Lao Động đã gửi giấy giới thiệu đến tận tay ông Lượng đăng ký xin được làm việc với Chủ tịch tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung. Thế mà đến hôm nay, phóng viên Báo Lao Động không hề được làm việc với Chủ tịch tỉnh Bình Dương, không biết gì về cuộc họp giữa đại diện UBND tỉnh với các cơ quan báo chí. Chúng tôi không hề được mời, mà phải tự tìm đến dự. Vì sao UBND tỉnh Bình Dương không mời những tờ báo quan tâm, từng phản ánh vụ việc này; trong khi lại mời rất nhiều báo khác? Phải chăng cuộc họp báo có gì bất bình thường?. Vì sao có sự phân biệt, người được mời,  người không được mời?”…
   
Ông  Lê Phú Cường, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương
    
   
  Trả lời câu hỏi khá “hóc búa” của nhà báo Cao Hùng, ông Võ Văn Lượng đã thừa nhận việc phóng Báo Lao Động có đăng ký làm việc; tuy nhiên, cuộc gặp báo chí hôm nay “không phải là họp báo, mà chỉ là cuộc gặp gỡ những cơ quan báo chí muốn được cung cấp thông tin…Vì vậy, chúng tôi chỉ cung cấp thông tin bước đầu vụ việc. Sau này, khi đã rà soát, chuẩn bị tổng hợp hồ sơ, UBND tỉnh sẽ họp báo chính thức, có báo cáo gửi tới tận các cơ quan báo chí” – ông Lượng phân bua.
   
  Tuy nhiên, giải thích trên của ông Lượng đã không làm thỏa mãn những thắc mắc của các nhà báo dự cuộc họp; bởi “gặp gỡ báo chí thông tin bước đầu”, nhưng tại sao có mặt khá đông đủ lãnh đạo sở, ngành chức năng liên quan; trong khi những vị lãnh đạo này phát biểu hoàn toàn mang tính chất kết luận, khẳng định việc Cty Đại Nam làm sai, đồng thời nhằm biện hộ cho việc làm của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung – người hiện đang bị ông Huỳnh Uy Dũng tố cáo đến Thủ tướng Chính phủ?. Từ đó, có ý kiến cho rằng, phải chăng UBND tỉnh Bình Dương đang cố tình tổ chức cuộc gặp báo chí bất bình thường này để tạo ra một luồng thông tin phản hồi ngược chiều với thông tin trên các tờ báo trong suốt những ngày qua?.
   
   
  Tại cuộc họp báo, ông Lê Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Xây dựng đã quy kết “việc Cty Đại Nam huy động góp vốn, trong khi dự án chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 là sai”. Riêng việc UBND tỉnh chậm phê duyệt quy hoạch 1/500 kéo dài tới 7 năm – như công luận lên tiếng – ông Cường lý giải: “không phải vậy, mà chỉ kéo dài hơn 3 năm”. Các nhà báo chất vấn: “vậy kéo dài 3 năm có phải là sai đối với chủ đầu tư hay không?”. Ông Cường lúng túng nói: “Việc phê duyệt quy hoạch kéo dài 3 năm, tôi thừa nhận là…chậm; nhưng nguyên nhân chậm do nhiều yếu tố khác, chưa hẳn là sai; tuy nhiên, Sở Xây dựng để việc kéo dài chưa phê duyệt quy hoạch, mà không thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư là có…thiếu sót”.
   
Ông Võ Văn Lượng, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương
    
   
  Tuy nhiên, ông Lê Phú Cường đã quên mất một điều quan trọng rằng: Tại “Biên bản cuộc họp ngày 25.8.2009, Sở Xây dựng, Sở TN&MT và các cơ quan khác, sau khi kiểm tra tình hình thực hiện dự án đã khẳng định Cty Đại Nam thực hiện quyền góp vốn, chuyển nhượng QSDĐ là đúng quy định của Luật Đất đai”. Báo cáo số 2021/BC-SXD ngày 4.9.2009, do đích thân ông Trần Văn Dũng – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương lúc đó ký – cũng kết luận: “UBND tỉnh cho phép ứng vốn trước từ khách hàng, huy động vốn từ các nguồn vốn khác”, “Đoàn kiểm tra thống nhất việc thỏa thuận góp vốn của chủ đầu tư là phù hợp với quy định pháp luật”…
   
  Khi các nhà báo dẫn chứng diện tích 61,49 ha đất dành cho dự án “khu ở” đã được UBND tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho Cty Đại Nam, với mục đích sử dụng là “đất ở”, thời hạn sử dụng lâu dài…Điều này đồng nghĩa chủ đầu tư hoàn toàn có quyền chuyển nhượng QSDĐ, công trình kiến trúc, hạ tầng gắn liền với đất…như Luật Đất đai quy định, tại sao nói Cty Đại Nam làm sai? Giấy chứng nhận QSDĐ có phải là cơ sở pháp lý?”. Ông Cường đã “né” không trả lời trực tiếp các câu hỏi này, mà nói rằng ông chỉ “căn cứ vào Luật Nhà ở, Luật Xây dựng…, nên thấy Cty Đại Nam… sai”(?).
   
  Ông Võ Văn Lượng, Phó Chánh Văn phòng, đại diện UBND tỉnh Bình Dương vẫn khăng khăng cho rằng, Sở Xây dựng vẫn chưa hề nhận được hồ sơ xin được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Do đó, việc Cty Đại Nam xin điều chỉnh quy hoạch khu dân cư đô thị 136,6 ha thuộc về thẩm quyền phê duyệt của Bộ Xây dựng và Chính phủ(?)…
   
  Tuy nhiên, những diễn biến trên thực tế lại hoàn toàn trái ngược với thông tin nêu trên của ông Võ Văn Lượng. Hồ sơ vụ việc cho thấy, Cty Đại Nam đã từ bỏ việc mở rộng khu đô thị (theo chính chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương  là “tăng đất dịch vụ - đô thị, giảm đất KCN” cho phù hợp cảnh quan Thành phố mới Bình Dương); mà trái lại, Cty Đại Nam chỉ đề nghị UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 Khu chức năng hành chính – dịch vụ - kho bãi – khu ở thuộc KCN Sóng Thần 3 (trong đó có khu đất ở là 61,4 ha), như Giấy phép kinh doanh đầu tư và Quy hoạch ban đầu mà UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận, phê duyệt từ năm 2006. Mặt khác, Cty Đại Nam đã gửi văn bản 341/CV-ĐN ngày 22.10.2009, cùng toàn bộ hồ sơ xin phê duyệt quy hoạch 1/500 cho Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương. Hồ sơ đã trình Sở Xây dựng tại biên nhận số 1093/SXD-VP ngày 26.10.2009. Vì vậy, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương không thể lấy bất cứ lý do nào để chối bỏ trách nhiệm của mình…
   
  Dù là họp “bất thường”, nhưng các phóng viên vẫn nhiệt thành ngõ hầu tìm ra sự thật phục vụ bạn đọc. Tuy nhiên các phóng viên đành “ngậm ngùi” ra về khi mà những người tổ chức cuộc “họp báo bất thường” này đã “bất ngờ” ngưng cuộc họp trong sự bế tắc!.
   
   Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc này.
   
  Bài & ảnh: Việt Đức - Tân Châu