Cựu chiến binh Điện Biên lập bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng

Xã hội - Ngày đăng : 00:00, 11/10/2013

(TN&MT) - Cựu chiến binh Phạm Bá Miều, 83 tuổi (tổ 17, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ) mãi mãi ghi tạc 2 lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
   
(TN&MT) - Cùng đồng đội trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt “vào sinh ra tử” trên chiến trường Điện Biên Phủ, Cựu chiến binh (CCB) Phạm Bá Miều, 83 tuổi (tổ 17, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ) mãi mãi ghi tạc 2 lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vị tướng trong tim ông luôn dành phần trang trọng nhất về sự yêu kính, tôn sùng và khâm phục.
   
  Mở đầu câu chuyện với chúng tôi dưới ban thờ nghi ngút khói hương nơi trang trọng nhất trước đây thờ tổ tiên, nay được thay thế đặt ban thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt nhăn nheo, CCB Phạm Bá Miều, thốt lên: “Tôi không còn được gặp Đại tướng nữa”!.
   
CCB Phạm Bá Miều ngậm ngùi ngắm kỷ vật tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ nhớ về Đại tướng
    
   
  Sau một hồi kìm nén nỗi đau, không để cho những giọt nước mắt chảy ra, CCB Phạm Bá Miều kể: Năm 1950 ông nhập ngũ vào bộ đội trải qua các đơn vị: Trung đoàn 174, 98 chiến đấu trên chiến trường Cao – Bắc – Lạng. Tháng 2/1954, ông chuyển về đại đội 76, tiểu đoàn 938, sư đoàn 316 và chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ. Đơn vị ông được giao nhiệm vụ đào hầm từ xã Tà Lèng vào chân đồi A1. Những ngày tháng chiến tranh ác liệt, giành giật từng tấc đất với quân Pháp, ông đã được nghe kể nhiều về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước và sau mỗi trận đánh, đơn vị của ông đều nhận được thư động viên, khích lệ và chia sẻ của Đại tướng. Trong những ngày tháng hừng hực cho trận quyết chiến với quân thù trên từng vách hào, bờ đất, mô đá… ông và những người đồng đội của mình luôn tin tưởng, niềm tin son sắt giành được thắng lợi. Bởi nhiều chiến lược chiến thuật không những giảm được thương vong cho quân đội ta mà lại làm cho bộ đội tiến gần hơn đến được sào huyệt của kẻ thù. Những sách lược quân sự ấy đều do Đại tướng dồn tâm lực, trí lực nghĩ ra đối phó với kẻ thù. Một vị tướng luôn đặt sinh mạng của mỗi người lính như ông lên trên hết, đã làm ông luôn cảm động và sau mỗi trận quyết chiến, những thời khắc mong manh giữa sự sống, cái chết đã qua.
   
  Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đã được tặng thưởng nhiều Giấy khen, Huân, Huy chương…Nhưng tất cả danh hiệu ấy, tôi không vui bằng chiều ngày 10/5/1954 – ông Miều ánh lên niềm vui trong mắt nói: Khi ông và đồng đội đang mò thi thể của bộ đội dưới chiến hào thì Đại tướng đến và câu nói của 59 năm về trước Đại tướng nói nay vẫn còn nguyên vẹn trong ông: “Chiến thắng rồi, các đồng chí hãy cố gắng đưa đồng đồng đội của mình về nơi yên nghỉ, đừng để sót một ai…”. Trong khoảng thời gian rất ngắn được gặp vị tướng cao nhất của chiến trường Điện Biên Phủ, với bộ quần áo ka ki giản dị và hành động lời nói càng để ông kính trọng hơn con người văn, võ song toàn. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông chuyển nhiều đơn vị công tác khác nhau nhưng trên bất kỳ cương vị và đơn vị nào ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là chiến sỹ Điện Biên cho đến khi về nghỉ hưu.
   
CCB Phạm Bá Miều hàng ngày thắp hương tưởng nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
    
   
  Lần thứ 2 ông được gặp Đại tướng sau 49 năm, trong Ngày kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Niềm vui, xúc động nghẹn ngào… Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói với ông và các CCB Điện Biên - ông Miều dừng lời lau những giọt nước mắt, xúc động nói:  Đại tướng ra đi rồi tôi không còn được cơ hội gặp nữa, không được nghe thêm như lần thứ 2 như Đại tướng đã nói: “Ta gặp nhau đây là quý lắm rồi!”. Câu nói đó ý nghĩa lắm!...
   
  Trong hành trang suốt chặng đường sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên, ông Miều có một thứ mà ông coi như “báu vật” luôn bên mình là tấm ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chính tấm ảnh ấy cho ông vượt qua những chặng đường gian khó. Hàng ngày ông nghe đài, đọc báo để theo dõi về Đại tướng, khi biết Đại tướng ốm nặng khó có thể qua khỏi, ông đã lặng lẽ mang tấm ảnh chân dung ra hiệu ảnh phóng to. Ông biết con người khó có thể chống lại được “mệnh trời” nhưng khi nghe tin từ các cháu, con nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời, ông vẫn không tin và khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa ông cũng chẳng tin. Ông tự an ủi mình là có lẽ do tuổi già tai ngễnh ngãng lên nghe nhầm… chỉ khi lên với những người bạn của mình ở Hội CCB tỉnh, ông mới rụng rời ôm những người đồng đội khóc và tin Đại tướng đã qua đời. Về nhà ông mang tấm ảnh của Đại tướng đã theo bên mình hàng chục năm qua và dọn dẹp nơi trước thờ cúng tổ tiên, lập ban thờ Đại tướng. Trước bữa ăn, ngủ ông và các con cháu trong nhà lần lượt thắp hương trên ban thờ, thể nguyện lòng tôn kính và trân trọng nhất. Ngày mai bắt đầu tiễn biệt Đại tướng rồi, nỗi đau này không của riêng ai - Ông Miều nắm chặt tay chúng tôi nói khi chia tay.
   
  Bài & ảnh: Kiên Cường