Những tác động hiện hữu của biến đối khí hậu đối với ngành du lịch
Du lịch - Ngày đăng : 09:59, 30/11/2018
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu. Tình trạng sạt lở, mặn xâm nhập ngày càng phức tạp và ảnh hưởng trên diện rộng. Trong vài năm trở lại đây, mùa nước nổi đặc trưng của du lịch miền Tây cũng không còn theo chu kỳ.
Tác động của biến đổi khí hậu đã khiến phố cổ Hội An đứng trước nguy cơ bị sạt lở và lũ lụt ngày càng nghiêm trọng. Khu du lịch Khai Long (Cà Mau) phải đóng cửa sau 5 năm hoạt động bởi xói lở do nước biển dâng. Khu du lịch Ana Mandara (Huế) cũng đang chịu tác động mạnh từ nước biển dâng.
Không chỉ ảnh hưởng đến du lịch biển, biến đổi khí hậu còn tác động trực tiếp đến du lịch miền núi. Nhiều thác nước nổi tiếng của khu vực Tây Nguyên liên tục bị khô hạn, cạn nước do thay đổi của thời tiết.
Các di sản văn hoá vật chất và phi vật thể cũng bị ảnh hưởng như: Quần thể di tích kiến trúc Huế, phố cổ Hội An, nhà vườn Huế, hệ thống đền - tháp Chăm ở miền Trung. Những di sản này hàng năm phải đón nhận các trận mưa, bão gây ngập lụt.
Trước những tác động hiện hữu đó, dự án xây kè bảo vệ phố cổ Hội An (Quảng Nam) đã được đưa vào danh mục dự án ưu tiên thuộc chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài việc bảo vệ phố cổ trước nguy cơ sạt lở, công trình còn kết hợp nạo vét lòng sông, tạo cảnh quan môi trường sinh thái thân thiện cho phố cổ Hội An.
Để bảo vệ di tích, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng lắp đặt hệ thống chống sét tại lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Thiệu Trị, Cung Diên Thọ (Đại Nội Huế) và Cơ Mật Viện (Tam Tòa, Kinh thành Huế).
Ở các tỉnh miền Tây đang phát triển các tour du lịch biến đổi khí hậu. Du khách sẽ được đưa đến những nơi đã và đang phải chịu sự tác động mạnh của biến đổi khí hậu như: tình trạng sạt lở, mất rừng phòng hộ ở huyện Thạnh Phú; xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt ở chợ Lách, các huyện Ba Tri, Bình Đại...