Quảng Nam: Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái
Du lịch - Ngày đăng : 15:55, 24/05/2018
(TN&MT) - Quảng Nam là vùng đất có thế mạnh về điều kiện tự nhiên và nền văn hóa bản địa đa dạng. Bám sát định hướng phát triển du lịch bền vững kết hợp giữ gìn...
(TN&MT) - Quảng Nam là vùng đất có thế mạnh về điều kiện tự nhiên và nền văn hóa bản địa đa dạng. Bám sát định hướng phát triển du lịch bền vững kết hợp giữ gìn và bảo vệ môi trường tự nhiên, tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch sinh thái.
Từ hình mẫu Hội An
Nằm cách trung tâm phố cổ Hội An chừng 3km về phía Đông, rừng dừa Bảy Mẫu được ví như một vùng sông nước miền Tây giữa miền Trung. Đây là điểm tham quan độc đáo, thú vị đối với du khách trong nước và quốc tế khi đến thăm đô thị cổ Hội An.
Rừng dừa Bảy Mẫu là một vùng sinh thái độc đáo với hệ rừng ngập mặn, trải rộng hơn một trăm héc ta, là “lá phổi xanh” cho không chỉ Cẩm Thanh mà cả đô thị cổ Hội An. Cây dừa trồng đầu tiên tại đây khoảng trên 200 năm. Người dân trồng dừa với mục đích tạo vành đai xanh chắn gió, chắn sóng, đối phó với mực nước biển dâng cao. Qua nhiều năm, cây dừa đã trở thành nguồn kinh tế cho người dân Cẩm Thanh. Ban đầu, người dân ở đây lấy tàu dừa khô để lợp nhà và cũng từ đó nghề làm nhà bằng cây dừa nước ra đời. Sau này, người dân địa phương đã phát triển du lịch theo loại hình du lịch làng quê sinh thái.
Đến với rừng dừa Cẩm Thanh, du khách được trải nghiệm tham quan rừng dừa nước bằng thuyền thúng, nghe người chèo thúng ca những câu dân ca xứ Quảng ngọt ngào, xem cảnh người dân tung chài bắt cá, hoặc tự tay đi câu cá, câu cua dưới các khóm dừa, đặc biệt là xem biểu diễn chèo thuyền thúng. Nhiều khách quốc tế lại thích tham gia vào tour du lịch trồng dừa nước để bảo vệ môi trường. Trên diện tích bãi bồi của xã Cẩm Thanh, ngay gần biển Cửa Đại, du khách xuống thuyền, lội nước và tự tay trồng cây dừa non xuống nước theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên. Kết thúc tuyến du lịch, khách tham quan có thể ghé vào các chòi lá của người dân nghỉ ngơi và thưởng thức những những món ăn đậm đà của vùng làng quê, sông nước như rau càng cua, búp chuối, nghêu hấp, bánh đập, hến xào…
Hiện nay, số lượng khách đến tham quan trải nghiệm tại khu rừng dừa Cẩm Thanh ngày càng tăng. Vào ngày lễ, tết số lượng khách có thể tăng lên khoảng 1000 lượt. Lãnh đạo thành phố Hội An đã và đang thực hiện một số dự án nhằm giữ cảnh quan và không gian xanh của rừng dừa và phát triển du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường ở Cẩm Thanh.
Phát triển sản phẩm du lịch xanh
Phát triển du lịch sinh thái đang trở thành xu hướng của nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Nam, nhằm tận dụng cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, hướng đến cải thiện đời sống vật chất và tinh thần người dân. Đặc biệt, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường và các tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, việc phát triển du lịch ở những vùng đất này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế, thay đổi sinh kế người dân mà còn góp phần tạo điều kiện để chính quyền địa phương bảo tồn và khôi phục làng nghề, bảo vệ cảnh quan sinh thái theo theo hướng thân thiện với môi trường.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý cho huyện Tiên Phước thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025” tại Làng cổ Lộc Yên. Đồng thời, triển khai đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Trà Nhiêu Xanh trên diện tích 25 ha, tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam với tổng mức đầu tư là 90 tỷ đồng. Đây là những khu du lịch sinh thái với mô hình kinh doanh sản phẩm du lịch bền vững kết hợp với các yếu tố về giữ gìn và bảo vệ môi trường tự nhiên với các tour du lịch trải nghiệm và dịch vụ nhà hàng ẩm thực, khu resort thiên nhiên, các cụm nhà lưu trú dân dã, góp phần làm phong phú thêm loại hình du lịch sinh thái cho địa phương.
Ông Nguyễn Sáu- Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho rằng: Hiện Đà Nẵng và Hội An thường quá tải khách, nếu du khách muốn tìm đến những vùng đất mới của du lịch thì vùng Trà Nhiêu (Duy Vinh), Triêm Tây (Điện Bàn) sẽ là những địa điểm lý tưởng. Vùng quê này vẫn còn giữ nhiều nét hoang sơ với điều kiện thiên nhiên phong phú rất có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên cái vướng của địa phương là thiếu kinh phí để thực hiện quy hoạch tổng thể để vừa phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch vừa bảo tồn di tích và bảo vệ thiên nhiên.
“Kinh phí để thực hiện quy hoạch 1 hecta là 500 triệu, trong khi đó diện tích của toàn Duy Vinh là 1000 hecta, do vậy, địa phương không có kinh phí để quy hoạch chung. Hiện nay, các doanh nghiệp vào đầu tư tự ý quy hoạch, dẫn đến hệ lụy phân tán, không tập trung, xâm hại đến môi trường tự nhiên. Trước mắt, với những doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch phải trình bày phương án và yêu cầu gần gũi với thiên nhiên, hạn chế tình trạng bê tông, phá vỡ cảnh quan”- ông Nguyễn Sáu cho biết.
Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam, năm 2017, địa phương đã đón gần 6 triệu lượt khách, tăng 85,1% so với cùng kỳ năm 2007, thu nhập du lịch đạt 9.200 tỷ đồng. Trong đó, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp là lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến với Quảng Nam. Tuy nhiên, do chưa có sự đầu tư bài bản và sự buông lỏng quản lý nên nhiều khu du lịch sinh thái vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, nguy cơ phá vỡ cảnh quan.
Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: Hiện Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam đang tham mưu UBND tỉnh và HĐND tỉnh phê duyệt Đề án “Quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Nam đến năm 2025” nhằm hỗ trợ đầu tư các điểm du lịch cộng đồng để phát triển du lịch, trong đó chú trọng bảo vệ, tôn tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu du khách, hướng đến phát triển du lịch bền vững trong thời gian đến.