Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019): Tình yêu thương binh một thời chiến trận

Văn hóa - Ngày đăng : 16:56, 14/05/2019

(TN&MT) - Trường Sơn huyền thoại không chỉ là nơi chôn vùi bao máu xương của những người đồng đội trong cuộc chiến đấu trường chinh của dân tộc, mà còn là nơi “nở hoa” bao mối tình đẹp. “Tôi và anh ấy đều là lính Trường Sơn, yêu nhau ở Trường Sơn, nên vợ thành chồng từ Trường Sơn. Đi gần suốt cuộc đời, bây giờ mới hiểu ai đã từng chiến đấu ở Trường Sơn, ngoài tình yêu cao hơn thảy dành cho Tổ Quốc, còn có một tình bạn tình đồng đội thiêng liêng trong sáng vô ngần”.
anh 1
Vợ chồng anh Minh, chị Sen trong lần họp cựu chiến binh Trường Sơn tại Tp. Vũng Tàu

Mối tình “tay ba”  

Ngồi trước mặt tôi là chị Trịnh Thị Sen - cô gái quàng khăn đỏ ở xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cách đây 46 năm về trước, đã liều mình đổi tên để được đi bộ đội và xung phong ra chiến trường chiến đấu. Đi gần suốt cuộc đời, mái tóc chị Sen bây giờ không dài như ngày xưa nữa, khuôn mặt chị thêm nhiều nếp nhăn theo dòng chảy của thời gian, nhưng chí khí của người nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa thì vẫn hừng hực tuôn chảy mỗi lần ai đó gợi nhớ về Trường Sơn huyền thoại.

Mời tôi múi cam ngọt lịm tại nhà riêng ở đường Đội Cấn phường 8 Tp Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), chị Sen kể cho tôi nghe những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Năm 1973, cô học sinh quàng khăn đỏ trường cấp 3 huyện Hải Hậu, Nam Định chưa đầy 16 tuổi trốn bố mẹ đi khám nghĩa vụ quân sự. Vì không đủ cân nặng nên qua vòng một, cô bị loại ngay. Với một cái tên khác Trịnh Thị Lan, cô lại viết đơn xung phong lên đường giết giặc lần thứ hai. Tiểu đoàn 86, Trung đoàn 592 là đơn vị đầu tiên cô rèn luyện học tập ở đó. Năm 1973, cuộc chiến đấu trên các chiến trường miền Nam vô cùng ác liệt. Những chiến sĩ nữ như cô vừa chiến đấu, vừa học tập y tá để cứu chữa thương binh. Sau thời gian huấn luyện tân binh, Sen được điều về trung đoàn 559 học y tá rồi chuyển về trung đoàn 668 anh hùng, với nhiệm vụ là cứu chữa thương binh cho bộ đội Trường Sơn và bộ đội quân tình nguyện Việt Nam trở về từ nước bạn Lào. Trong hàng ngàn thương binh Sen chăm sóc cứu chữa, có chiến sĩ Lê Hữu Tuýnh quê ở Thạch Thành, Thanh Hóa là bị thương nặng nhất. Sen không chỉ chăm sóc tận tình như bao đồng đội khác mà còn chữa “vết thương” trong lòng Tuýnh. Thời gian đối với những người lính Trường Sơn nơi tuyến lửa cực kỳ khắc nghiệt, song chỉ hơn 3 tuần cũng đủ để họ hiểu về nhau. Trong một đêm lặng yên tiếng súng, Tuýnh đã thổ lộ lời yêu với Sen. Sen không ngỡ ngàng về lời cầu hôn của Tuýnh, nhưng tình yêu của cô lúc ấy là dành cho Tổ Quốc, là trên trận tuyến đánh quân thù, chuyện riêng tư gác lại một bên.

Một lần khác, Sen được cấp trên giao chăm sóc một thương binh nặng tên là Nguyễn Văn Minh quê ở Hậu Lộc, Thanh Hóa - người bạn rất thân thiết của Tuýnh khi còn là tân binh huấn luyện cùng đại đội. Cũng như bao người khác, Sen chăm sóc cho Minh bằng cả tấm lòng của người thầy thuốc. Đúng lúc ấy, Tuýnh có lệnh chuyển đơn vị sang Lào chiến đấu. Trước khi đi Tuýnh nhờ Sen: “Minh là người bạn thân thiết nhất của anh, nhờ em chăm sóc anh ấy như em đã từng chăm sóc cho anh”.

Trong gian khó nhất của cuộc chiến tranh, những y tá chăm sóc cho thương binh không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình yêu thương bắt nguồn từ trái tim người lính. Chính nó đã nhen nhóm ngọn lửa tình yêu giữa Sen và Minh. Trên bầu trời là mưa bom bão đạn, dưới lòng đất là hầm hào che chở thương binh, Sen và Minh như hai cuộc đời hoà lẫn vào nhau, tìm thấy trong nhau hơi thở tình yêu, tình đồng chí.

Hơn 5 tháng sau, từ chiến trường Lào, Tuýnh trở lại tìm Sen. Khi biết bạn mình yêu Sen, Tuýnh không thất vọng mà tự hào, bởi bởi một bên là bạn thân, một bên là người mình yêu dấu. Sự đột ngột trở về của Tuýnh làm Sen bối rối. Sen chẳng biết nói gì ngoài “xin hãy tha thứ cho em”. Tuýnh động viên Sen: “Hãy cho đó là kỷ niệm, chúng ta mãi mãi là bạn của nhau”. Một bên là đồng đội, một bên là người mình yêu dấu, biết làm thế nào khi không muốn mất Sen. Minh bảo “anh mà biết Tuýnh yêu em thì anh chẳng xen vào”. Tuýnh phân trần: “Chúng ta vẫn là bạn tốt của nhau, chiến tranh liên miên, ai biết được người còn người mất”. Họ chia tay nhau ở Trường Sơn, Tuýnh tiếp tục sang Lào chiến đấu. Kể từ đó ba người bặt tin nhau.

Chiến tranh kết thúc, Minh và Sen trở về cuộc sống đời thường, đến năm 1978 họ làm lễ cưới. Trong ngày vui, Tuýnh không có mặt. Trong niềm hạnh phúc làm chồng làm vợ, hai người nghĩ về Tuýnh, biết giờ này Tuýnh sống chết ra sao?

Hơn cả tình yêu

Sau 16 năm kể từ ngày Sen và Minh chia tay Tuýnh, họ luôn đau đáu nhớ về người bạn cũ. Năm 1994, trên một chuyến xe đi Bắc, qua câu chuyện kể của người khách bộ hành, Minh biết Tuýnh hiện đang sống ở Thạch Thành - Thanh Hóa. Vì nhớ thương người đồng đội cũ, Minh cấp tốc về Thanh Hóa tìm Tuýnh. Hai người lính già gặp nhau, họ nghẹn ngào xúc động. Giọt nước mắt hai người cựu chiến binh phía sau cuộc chiến đọng lại bao nghĩa tình đồng đội, tình bạn thiêng liêng.

Lúc ấy, Tuýnh đã có vợ và ba con nhỏ, gia đình gặp rất nhiều khó khăn, vợ con đói rách, tài sản gia đình chẳng có gì ngoài căn nhà luồng giữa sườn đồi miền bán sơn cước Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa. Tình đồng đội tràn đầy trong ký ức, Minh quyết định đưa Tuýnh vào Vũng Tàu tạo công ăn việc làm kiếm tiền giúp đỡ vợ con. Minh đã bàn với vợ, sắm một xe ô tô chở khách Bắc Nam để Tuýnh lái. Lúc đó, có người bảo “Thằng Minh ngu lắm, ai lại giao trứng cho ác, có ngày mất vợ như chơi”, nhưng tình yêu và lòng tự trọng của người lính đã vượt qua lòng vị kỷ tầm thường. Minh tin tưởng vào tình yêu mà Sen giành cho anh, tin người đồng đội chân thành. Trên dặm dài giữa đêm trường vượt qua bao cung đường, Sen và Tuýnh đã lao vào công việc làm giàu chính đáng, tình yêu ngày xưa chỉ là hoài niệm, có chăng chỉ là đồng chí chân thành của hai người lính Trường Sơn. Năm xưa đôi tay Tuýnh săn chắc kiên cường cầm vô lăng chở vũ khí đạn dược vượt dưới mưa bom bão đạn, hôm nay đôi tay ấy cầm vô lăng đưa hành khách xuôi Nam ngược Bắc.  

Thời gian như mũi tên bắn đi, ba người lính Trường Sơn nay đã lên chức ông, bà, cuộc sống cũng bao bề thay đổi, nhưng có một điều mãi mãi chẳng đổi thay, đó là tình yêu đồng đội đồng chí, tình bầu bạn thuỷ chung trong sáng. Mối tình ấy cao hơn, thiêng liêng hơn cả tình yêu để mỗi lần nhắc đến Tuýnh, chị Sen lại hãnh diện: “Anh em đồng đội cũ của tôi vẫn gọi là mối tình tay ba. Tôi đã may mắn có hai người bạn, hai người đồng chí thân thiết, một trong hai người ấy là chồng tôi. Bây giờ hai gia đình cách xa nhau hơn ngàn cây số, nhưng tình bạn tình đồng chí vẫn thắm thiết như xưa”.