Kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019): Cổ tích chuyện tình chiến sĩ Điện Biên

Văn hóa - Ngày đăng : 09:39, 04/05/2019

(TN&MT) - Sau 9 năm “nếm mật nằm gai” và đem chiến thắng từ chiến trường Điện Biên Phủ trở về quê hương, bố mẹ ông giục “Mày lấy vợ đi để tao có cháu bế bồng. Mày cứ đi suốt như thế thì biết bao giờ trở lại. Chiến tranh biết bao giờ kết thúc”. Trước khi đi chiến trường B chiến đấu, ông cưới vợ để ở quê nhà. Chuyện tình của ông Đào Văn Hiếu - người đã cùng đội trưởng Hoàng Đăng Vinh bắt sống tướng Đờ cát trong chiến dịch Điện Biên và cô nữ dân quân ở xã Nga Hưng, huyện Nga Sơn Thanh Hóa là hình ảnh lãng mạn cho tình yêu thời chiến trận.
anh 1,
Ông Hiếu lúc còn sống và vợ trước nhà thờ họ trong làng, ảnh chụp lại từ ảnh tư liệu của gia đình

Chuyện tình trong hồi ức

Vượt qua cánh đồng trồng đay bát ngát xã Nga Hưng, hỏi thăm nhà ông “Hiếu Điện Biên”, chị nông dân bón phân cạnh bờ mương đưa tay chỉ “Chú đi thẳng đến ngã ba, có cây gạo là xóm 8, hỏi nhà ông Hiếu ai cũng biết”. Theo chỉ dẫn của chị nông dân ấy, tôi đến nhà ông Hiếu để xin được nghe ông kể về mối tình lãng mạn và chuyện ông bắt tướng Đờ cát trên chiến trường Điện Biên Phủ.

-  Xin lỗi, đây có phải là nhà bác Đào Văn Hiếu không ạ?

- Vâng. Tôi là vợ ông Hiếu đây. Ai đấy?

- Chào bác ạ. Cháu ở xã Nga Tân. Cháu là là bộ đội Hải quân Bộ Tư lệnh Vùng 2 về quê nghỉ phép ạ.

- Có việc gì không anh?

- Được biết bác trai là một trong 2 người bắt tướng Đờ cát. Bác cho cháu gặp bác trai được không ạ?

- Được, để tôi gọi nhá. Ông ơi, có anh nào ở xã Nga Tân gặp ông này. Ông Hiếu nói với vào “Ai đấy, mời anh ấy vào nhà, bảo chờ tôi tí nhá”.

Ông Hiếu từ vườn sau nhà đi vào. Tay cầm quả hai quả cam. “Trời nóng quá. Hái quả cam tí vắt nước cho thằng cháu nội”. Thấy tôi mặc quân phục hải quân, ông Hiếu thân mật “chào đồng chí hải quân. Có việt gì tìm tôi đây” và không quên bắt tay thân mật.

Trên chiếc phản kê giữa nhà, ông Hiếu mời tôi ly trà xanh đậm. Khi tôi trình bày là bộ đội, và nói là người cùng quê huyện Nga Sơn, ông Hiếu giọng phấn chấn: “Anh cũng người quê ta à. Chuyện đấy lâu rồi, già cả rồi. Anh đã hỏi vậy, tôi xin nói nhá”. Ông Hiếu bắt đầu kể chuyện ông được bố mẹ cưới vợ cho ông sau khi ông từ chiến trường Điện Biên Phủ trở về năm 1959.

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, theo mệnh lệnh của người chỉ huy, ông Hiếu tiếp tục ở lại đơn vị công tác. Bốn năm sau, tháng 4 - 1959, ông Hiếu xuất ngũ trở về quê nhà ở xóm 8 xã Nga Hưng, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). “Từ lúc tôi đi đến lúc tôi về quê lần đầu tiên đúng 9 năm. Thấy tôi trở về, mẹ tôi khóc như mưa vì mừng quá. 9 năm không thư từ, bố mẹ tôi cứ nghĩ tôi đã hi sinh, nhưng không ai dám nói”.

- Chuyện tình giữa bác và bác bà thế nào ạ?

- Chuyện là thế này. Sau một ngày trở về quê, mẹ tôi bảo: “Mày lấy vợ đi để tao có cháu bế bồng. Mày cứ đi suốt như thế thì biết bao giờ trở lại. Chiến tranh biết bao giờ kết thúc. Nhất định mày phải lấy vợ đẻ cho bố mẹ thằng cu rồi đi. Lúc đấy tôi xúc động lắm.

Chiều hôm ấy, mẹ ông Hiếu dẫn về một cô gái 20 tuổi. Bà bảo với con trai “Em nó tên là Cống cùng làng với mình cũng giỏi giang lắm con ạ”. Người chiến sĩ Điện Biên 9 năm trên chiến trường quen với súng đạn và hầm hào công sự đỏ bừng mặt khi nhìn thấy cô gái mà trước đây anh và cô cùng lũ trẻ hàng xóm chơi kéo co, nhảy dây trên cánh đồng đay. Họ nhìn nhau phút đầu e lẹ. Cô dân quân phải lòng chiến sĩ Điện Biên ngay lần gặp gỡ ấy, còn người lính áo vảo mũ lưới yêu cô dân quân cùng làng vì nết na giản dị. Những ngày sau đó, ông Hiếu được xã đội Nga Hưng thường xuyên mời đến giúp dân quân trong xã tập ngắm súng, tự vệ địa phương. Nửa năm sau họ làm đám cưới.

anh 2 (1)
Ông Đào văn Hiếu với thiếu nhi Điện Biên trong ngày kỷ niệm 10 năm giải phóng Điện Biên (1954-1964). Ảnh tư liệu gia đình

Sau ngày cưới, ông Hiếu và vợ được bố mẹ cho ăn riêng. Gọi là ăn riêng nhưng hai đứa con đầu vẫn ngày ngày ở bên ông bà nội. Xã Nga Hưng là một trong 9 xã của huyện Nga Sơn thuần nông đồng bái. Cuộc sống của người dân chủ yếu trồng đay, trồng khoai, ngô. Ông Hiếu gia nhập đội dân quân của xã, bà Cống làm vườn và nội trợ. Bảy năm sau ngày cưới, ông bà sinh được 5 người con.

Giữa năm 1966, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc trong giai đoạn quyết liệt, ông Hiếu tình nguyện lên đường ra chiến trường chiến đấu tại chiến trường B thuộc sư đoàn 338 đóng tại tỉnh Thanh Hoá. Khác với cuộc chia tay tòng quân nhập ngũ lần đầu, lần thứ hai ông ra chiến trận có vợ và 5 đứa con tiễn chân. Đứng giữa đình làng, ông ôm vợ và ôm lần lượt 5 đứa con. Ông dặn vợ và các con: “Bố đi sẽ đem chiến thắng trở về. Ngày chiến thắng sẽ là ngày đoàn viên của gia đình”. Gạt nước mắt tiễn chồng ra trận, bà Cống mắt đỏ hoe nói với chồng: “Chiến trường vẫy gọi, anh cứ đi, em đợi em chờ”. Họ chia tay trong niềm thương nhớ ấy.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, ông Hiếu được trở về quê hương. Đôi tay của người lính Điện Biên năm xưa cầm súng chiến đấu trên chiến trường, nay cầm cuốc cấy cầy trên đồng ruộng. Mặc dù mất 61% sức khỏe, nhưng ông Hiếu tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương như làm Bí thư chi bộ, trưởng thôn kiêm Hội trưởng Hội cựu chiến binh xã. 5 con ông đều đã có gia đình riêng học hành, thành đạt. Đó là câu chuyện tình ông Hiếu kể hồi tháng 6 năm 2013.  

anh 3,
Đẹp mãi chuyện tình thời chiến trận. Ảnh tư liệu

Như mẫu tình yêu cho lớp trẻ thời nay

Lần về quê nghỉ phép tháng 3 vừa qua, tôi đến thăm ông, nhưng vừa bước vào cửa, tôi đã thấy di ảnh đặt trên bàn thờ. Tôi hiểu ông Hiếu không còn nữa. Thắp cho ông nén hương mà nước mắt rưng rưng. Thế là thêm một người làm nên chiến thắng Điện Biên đã vào cõi vĩnh hằng.

Bà Cống buồn buồn kể, ông Hiếu mất do tuổi cao sức yếu. Ông chẳng đau ốm gì. Ngày ông mất, rất nhiều đồng đội, cơ quan đến viếng. Có người đã cầm tấm ảnh họ chụp chung với ông Hiếu trên chiến trường Điện Biên khóc ròng. Mới tuần trước, cũng có nhà báo về quay phim viết về ông ấy.

Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, những chiến sĩ cầm súng trên chiến trường Điện Biên ngày ấy giờ chỉ còn vài ba người. Người vĩnh viễn nằm lại trên đồi A1, người vào cõi vĩnh hằng theo qui luật của “sinh lão bệnh tử”, song những câu chuyện tình thời chiến trận mà họ để lại, mãi đẹp đẽ thiêng liêng để lớp trẻ ngày nay cảm phục. Sự hi sinh xả thân vì Tổ quốc của họ mãi là niềm tự hào để thế hệ ngày nay tiếp bước trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Và có lẽ, thời gian có dài bao nhiêu, Chiến thắng Điện Biên Phủ lùi vào dĩ vãng, chuyện tình của ông Hiếu đã trở thành cổ tích, song nó mãi là hình ảnh đẹp cho lớp trẻ ngày nay.