Nhà thơ Gia Dũng và bài ca đi cùng năm tháng...

Văn hóa - Ngày đăng : 09:35, 28/04/2019

(TN&MT) - Với thế hệ 5x, 6x, 7x, ca khúc “Bài ca Trường Sơn” với âm hưởng đầy lãng mạn, hào hùng dường như đã ăn vào máu thịt: Trường Sơn ơi/ Trên đường ta qua không một dấu chân người/ Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác/ Dừng ở lưng đèo, mà nghe suối hát/ Ngắt một đóa hoa rừng cài trên mũ ta đi…
21
Nhà thơ Gia Dũng (thứ 3 từ trái sang) gặp mặt các thế hệ nhà thơtại Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Tuyên Quang

Những ca từ khó phai theo năm tháng

Trong những ngày cả nước sục sôi đánh Mỹ (thời kỳ 1968 - 1975), qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, với "giọng hát vàng" của nam ca sĩ Trung Kiên, Bài ca Trường Sơn đã mang tới cho người nghe cảm xúc thật đặc biệt. Với lớp lớp thanh niên "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", Bài ca Trường Sơn đã trở thành bài "tủ" và luôn được các chiến sĩ hát vang trên đường hành quân.

Cho đến hôm nay, đã hơn nửa thế kỷ, mỗi khi giai điệu của Bài ca Trường Sơn ngân vang, trong lòng mỗi người lại phơi phới niềm tin, kiêu hãnh, tự hào về các thế hệ cha anh; xúc động, tự hào về quê hương, đất nước. Với sức sống mãnh liệt qua thời gian, Bài ca Trường Sơn được nhiều người khẳng định là một trong những ca khúc Cách mạng hay nhất trong những năm đánh Mỹ. Tuy vậy, ít người biết rằng, những ca từ lấp lánh trong bài hát ấy chính là bài thơ “Trường Sơn” của Gia Dũng - một nhà thơ nổi tiếng của xứ Tuyên.

Theo tài liệu lưu trữ, nhà thơ Gia Dũng viết bài thơ “Trường Sơn” ở chiến trường miền Nam và gửi đăng trên Báo Mặt trận Trị Thiên số Xuân Mậu Thân 1968. Ông vốn là lính Sư đoàn 312 anh hùng, nhiều năm có mặt ở Trường Sơn. Không hiểu bằng cách nào mà sau đó, vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh năm ấy, bài thơ được đăng trang trọng trên trang nhất Báo Nhân Dân. Tin vui này đến với Gia Dũng qua thư bạn bè từ miền Bắc gửi vào. Càng vui hơn khi vào dịp cuối năm ấy, qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Gia Dũng được biết bài thơ của mình đã được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc với tựa đề là Bài ca Trường Sơn. Sự kết hợp tuyệt đẹp giữa thơ Gia Dũng và âm nhạc của Trần Chung đã mang đến cho chúng ta của một tác phẩm nghệ thuật vượt thời gian, sống mãi với lịch sử của non sông, đất nước...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ để giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, dải núi non trùng điệp Trường Sơn cùng với con đường Trường Sơn huyền thoại đã trở thành một nét son chói lọi trong ký ức của dân tộc ta. Những cung đường Trường Sơn, những lối mòn Trường Sơn, nơi đã thấm máu, mồ hôi của biết bao chiến sỹ đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca. Đã có rất nhiều bài hát tuyệt hay về Trường Sơn như: “Chiếc gậy Trường Sơn” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn” của nhạc sĩ Hoàng Hà, “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” của nhạc sĩ Huy Du, “Bước chân trên dải Trường Sơn” của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, “Tiếng đàn Ta Lư” của nhạc sĩ Huy Thục, “Tôi người lái xe” của nhạc sĩ An Chung, “Bài ca không quên” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, “Lá đỏ” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp - thơ Nguyễn Đình Thi, “Bài ca Trường Sơn” của nhạc sĩ Trần Chung - thơ Gia Dũng... Và đã có rất nhiều người lính Trường Sơn đã "vịn" vào những câu thơ, bài hát ấy để ra trận…

Nhà thơ Gia Dũng tên thật là Đỗ Gia Dũng. Ông sinh ngày 15/8/1940 tại Thái Bình, thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh. Ông từng làm biên tập viên ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, sau đó, về Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tuyên, đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật kiêm Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Hà Tuyên (nay là báo Văn nghệ Tân Trào). Có một "gia tài" thơ khá đồ sộ, nhà thơ Gia Dũng đã trở nên quen thuộc với bạn đọc cả nước. Ông đã xuất bản 13 tập thơ, trong đó, có nhiều tập thơ được bạn đọc yêu mến như Chiều trăng, Ngõ hoa vàng, Cánh cửa khép hờ...


Một Nhà thơ với ký ức người cầm súng

"Cuộc đời ông thăng trầm như những nốt nhạc" - đó là một nhận xét sâu sắc, thú vị và rất thực về cuộc đời nhà thơ Gia Dũng của một đồng nghiệp. Sau những tháng năm miệt mài làm việc và sáng tác tại Tuyên Quang, cuối những năm 80, nhà thơ Gia Dũng chuyển về sinh sống tại Thủ đô.

Trong quãng thời gian hơn 20 năm ở Hà Nội, ông đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều tác giả ở mọi miền của đất nước để sưu tập thơ hay. Ông đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để thực hiện hơn 30 tập tuyển chọn và sưu tập thơ. Đây đều là những công trình đồ sộ với hàng ngàn trang in như: Ngàn năm thơ Việt, Chúng tôi đánh giặc và làm thơ, Trông về Việt Bắc, Bài ca thống nhất, Thơ Việt Nam 1945 - 2000, Thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam thế kỷ XX, Ngàn năm thương nhớ (Thơ Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XX), Hồ Chí Minh - Hợp tuyển thơ, Nguyễn Trãi hợp tuyển thơ, Trời Nam thương nhớ (Tuyển thơ Nam Bộ xưa & nay), Đánh giặc làm thơ mười thế kỷ, Nước non một dải, Trời Điện Biên mây trắng, Gần lắm Trường Sa, Biển gọi (10 thế kỷ thơ về biển đảo Việt Nam)... Hai năm liền (2005 và 2006), ông đã được trao Giải thưởng Sách đẹp Việt Nam...

Trong số các tuyển tập thơ công phu ấy, dường Gia Dũng rất tâm đắc với tác phẩm “Đánh giặc, làm thơ mười thế kỷ” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014). Đây là một bộ tuyển tập thơ đồ sộ, tuyển chọn những bài thơ hay nhất về đề tài đánh giặc bảo vệ Tổ quốc của nhiều tác giả. Để hoàn thành “Đánh giặc, làm thơ 10 thế kỷ” ông đã có một quá trình sưu tầm và chuẩn bị công phu tới hơn mười năm. Trước khi ra tuyển tập này, ông đã hoàn thành 2 tập “Chúng tôi đánh giặc và làm thơ” (NXB Thanh Niên 1998) - tập thơ đã được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lời giới thiệu...

Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, khi cả nước đang rộn ràng kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông, âm hưởng hào hùng của ca khúc Bài ca Trường Sơn lại ngân vang trên làn sóng phát thanh, truyền hình cả nước. Trong tâm tưởng của nhiều thế hệ người dân Việt Nam, Bài ca Trường Sơn chắc chắn sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng…

Vĩ thanh: Vào trưa 12/4/2019, tại thành phố Tuyên Quang, tác giả Bài ca Trường Sơn với những vần thơ hào sảng, đầy trữ tình và lãng mạn đã về trời ở tuổi 80…

Bài Ca Trường Sơn

Nhạc: Trần Chung

Thơ: Gia Dũng

Trường Sơn ơi!

Đường ta qua

không một dấu chân người

Chú nai vàng

nghiêng đôi tai ngơ ngác

Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát

Ngắt một đóa hoa rừng

gài lên mũ ta đi.

 

Trường Sơn ơi! Trường Sơn ơi!

Đèo vút cao vượt qua mây gió

Đạp đá tai bèo

bằng sức pháo ngàn cân

Đi ta đi những trai làng phù đổng

Còn gì vui hơn

đường ra trận mùa xuân.

 

Ôi có những vì sao thức

cùng ta đêm nay

Như mắt em sáng lên muôn niềm tin

Ta nhớ má Năm Căn

Ta thương em Cửa Việt

Mười bốn năm rồi giấc ngủ chưa tròn

Cả miền Nam đang gọi chúng ta đi.

 

Trường Sơn ơi! (ơi) Trường Sơn ơi

Đêm nay, ta đi Trường Sơn lộng gió

Trời vắng trăng sao

nhưng tim ta rực lửa

Đi ta đi tung cánh đại bàng

Vang khúc nhạc hùng

giải phóng miền Nam

Giải phóng miền Nam...