46 năm giữ "hồn" cho đá ong

Văn hóa - Ngày đăng : 17:24, 26/10/2018

(TN&MT) - Ngày nay, khoa học công nghệ phát triển mạnh, các loại vật liệu xây dựng ngày càng đa dạng chủng loại, phong phú về hình thức, nghề khai thác đá ong đã dần dần đi vào quên lãng. Nay chỉ còn một người duy nhất cần mẫn với nghề, đó là chú Nguyễn Tâm, ở thôn Phước Sơn, xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Chú Nguyễn Tâm đang khai thác đá ong
Chú Nguyễn Tâm đang khai thác đá ong

Ngày xưa khi đời sống xã hội chưa phát triển, tại các vùng núi trung du nghề đào đá ong phát triển rất mạnh, nó là loại vật liệu được người dân đào để xây nhà. Ngày nay, khi xã hội đã phát triển, các loại vật liệu đa dạng nhiều chủng loại nên nghề khai thác đá ong đã dần đi vào lãng quên, chỉ còn một số ít người muốn quay về với lối kiến trúc cổ, người ta dùng nó để xây nhà, xây tường rào, cổng ngỏ, trang trí trong các nhà hàng hay quán café. Nó mang đến cho con người chúng ta một cảm giác cổ kính mộc mạc gần gủi với thiên nhiên, qua đó đòi hỏi người làm ra đá ong phải chế tác ra đá ong có tính thẩm mĩ rất cao.

Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, chú Nguyễn Tâm, ở thôn Phước Sơn, xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, vẫn cần mẫn, cặm cụi, miệt mài với nghề mà bà con vẫn thường gọi là nghề muôn năm cũ. Giữa khoảng đất rộng lớn dưới chân núi Vom, với một cái chòi nhỏ chú tất bật khai thác đá ong để kịp giao hàng cho khách. Dụng cụ luôn bên ông suốt 46 năm qua là chiếc rìu, dùng rìu tạo thành những khe nhỏ cứ thế qua bàn tay khéo léo, nghệ sĩ của chú Tâm, những khối đá vô tri vô giác đã tạo ra những viên đá ông lổm chổm với màu vàng nâu của đất, mang một vẻ đẹp mộc mạc quyến rủ riêng.

Để được một viên đá hoàn chỉnh phải qua nhiều công đoạn tỉ mĩ
Để được một viên đá hoàn chỉnh phải qua nhiều công đoạn tỉ mĩ

Để được một viên đá hoàn chỉnh, người thợ cần phải trải qua các công đoạn và kỹ thuật cầu kỳ. Đầu tiên sẽ bắt đầu bằng việc thăm dò mỏ đá nghề này phải có kỹ thuật khéo léo, có tay nghề và đặc biệt phải yêu thích nghề.

Nếu như thời trẻ, chú Tâm có thể chế tác được 40 - 50 viên đá, nhưng giờ tuổi đã cao, mỗi ngày chú chỉ khai thác được từ 10 đến 15 viên, với giá dao động từ 25.000 - 30.000 đồng mỗi viên, nghề khai thác đá ong mang về cho chú thu nhập từ 250.000 đến 300.000 đồng. Tuy mức thu nhập bây giờ khá ổn định, trước đây giá không cao cho nên người dân ở đây đã từ dã nghề khai thác đá ong này từ lâu, nhưng đá ong đã gắn bó với chú như một phần không thể thiếu của cuộc sống.

Được biết đá ong xây nhà rất mát so với gạch và những vật liệu khác, phong thủy rất là tốt, nguồn đá ong để khai thác có sẵn trong tự nhiên, đào lên lớp đất đỏ từ 1-1,5m ta sẽ thấy nguyên một khối rất to. Chú Tâm cho hay, cách đây chừng 20 năm trước thanh niên trai tráng trong làng rất hăng say cần cù với nghề truyền thống này nhưng những năm trở lại đây, dường như không còn một người để bảo vệ kế thừa nghề truyền thống của cha ông ta để lại, dường như cái nghề này đã bị lãng quên.

Một ngôi nhà ở thôn Phước Sơn, xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi được xây bằng đá ong
Một ngôi nhà ở thôn Phước Sơn, xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi được xây bằng đá ong

Với vẻ mặt buồn bã, chú Tâm tâm sự, trước đây người dân ở đây đi làm nghề khai thác đá ong hết, có một số người ở đây người ta làm rồi đến ngày người ta nghỉ, nhưng mà còn riêng chú thì làm miết cứ nghĩ 1-2 bữa rồi cũng phải lên vì “nhớ”, công việc này đối với chú ăn vào trong máu nên cũng ghiền rồi, ưng làm một cái nghề mà mình chọn thôi, rồi mình giữ cái nghề, anh em bây giờ nó cũng nghỉ hết, một mình vẫn làm vẫn giữ cái nghề để làm để giữ nghề cuối cùng là giải nghệ là hết người làm luôn rồi.

Không biết loại đá này sinh ra từ đâu, có tự bao giờ, song với chú Tâm đó là một thứ rất riêng biệt mà thiên nhiên ưu ái đã ban tặng cho vùng đất này. Gần 60 năm cuộc đời, 46 năm gắn bó với nghề, với bàn tay tài hoa của chú ngày càng điêu luyện đã chế tác và giữ hồn cho đá ong.