50 năm sau vụ thảm sát xóm Tây: “Chúng tôi thành thật xin lỗi Việt Nam”

Văn hóa - Ngày đăng : 00:12, 12/03/2018

(TN&MT) - Cách đây 50 năm, ngày 24 tháng Giêng Tết Mậu Thân 1968 tại xóm Tây Hà My thuộc phường Điện Dương, TX. Điện Bàn (Quảng Nam) đã xảy ra vụ sát hại 135...
(TN&MT) - Cách đây 50 năm, ngày 24 tháng Giêng Tết Mậu Thân 1968 tại xóm Tây Hà My thuộc phường Điện Dương, TX. Điện Bàn (Quảng Nam) đã xảy ra vụ sát hại 135 người dân vô tội, trong đó chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em đã làm chấn động dư luận trong nước và thế giới. 50 năm đã trôi qua kể từ sau vụ thảm sát kinh hoàng của lính Đại Hàn, người dân Điện Dương đã dần khép lại quá khứ để hướng tới tương lai.  
 
Nỗi đau của quá khứ
 
Sáng nay (11/3), UBND phường Điện Dương (Điện Bàn, Quảng Nam) đã tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát xóm Tây, làng Hà My, với sự có mặt của đại diện các Sở, ban, ngành tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo UBND TX. Điện Bàn, cùng đông đảo nhân dân xã Điện Dương. Đặc biệt là 30 thành viên thuộc các tổ chức của Hàn Quốc nhằm xoa dịu những nỗi đau, mất mát của những người dân vô tội.
Ngôi mộ tập thể 135 bị lính Đại Hàn thảm sát tại xóm Tây, làng Hà My.
Ngôi mộ tập thể 135 bị lính Đại Hàn thảm sát tại xóm Tây, làng Hà My
Trong kí ức của ông Nguyễn Cọi, Làng Hà My, nhân chứng sống trực tiếp chứng kiến vụ thảm sát tại xóm Tây vào sáng ngày 24 tháng Giêng Tết Mậu Thân 1968 do Lữ đoàn Rồng xanh của Nam Triều Tiên gây ra, khiến 135 người dân vô tội vĩnh viễn ra đi, cùng hàng chục nạn nhân may mắn sống sót phải mang di tật suốt đời vẫn đang là nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời của ông…
 
Mới tờ mờ sáng, ngày 24 tháng Giêng năm Mậu Thân 1968, nhằm bứng người dân vùng bám trụ vào ấp chiến lược, hai đại đội lính của Lữ đoàn Rồng Xanh (Đại Hàn) kéo đến bao vây làng Hà My. Chúng gom người già, phụ nữ, trẻ em về xóm Tây ở 3 điểm: Trước nhà ông Nguyễn Điểu 42 người; hầm nhà bà Lê Thị Thoại 16 người và nhà ông Nguyễn Bính 74 người. Sau đó, chúng dùng súng tiểu liên, cối, lựu đạn, bắn và ném xối xả về phía người dân. Man rợ hơn, sau khi tàn sát, chúng phóng hỏa đốt thiêu, thịt cháy khét, chỉ còn xương chất thành đống.
Nữ Tiến sỹ - Nhà báo Ku Su Jeong với loạt phóng sự về vụ thảm sát tại xóm Tây tạo dư chấn lớn tại Hàn Quốc và một nạn nhân may mắn sống sót trong vụ thảm sát năm 1968.
Nữ Tiến sỹ - Nhà báo Ku Su Jeong với loạt phóng sự về vụ thảm sát tại xóm Tây tạo dư chấn lớn tại Hàn Quốc và một nạn nhân may mắn sống sót trong vụ thảm sát năm 1968. 
Ông Nguyễn Cọi, giọng như lạc đi khi nhớ lại cảnh tượng hãi hùng: "Khoảng 18 giờ ngày hôm đó, khi ngớt tiếng súng từ dưới hầm bí mật, 8 cán bộ du kích chúng tôi đi lên men theo các bụi rậm, tìm đến các hầm. Tất cả như chết lặng khi đập vào mắt là xác người chết đa số là người già, phụ nữ và trẻ em. Mẹ tôi, bà Lê Thị Thoại đã chết. Các em của tôi gồm Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Định, Nguyễn Tâm bị thương nặng. Tâm sau đó không qua khỏi. Bà Nguyễn Thị Giỏi bị cắt đứt nửa dưới thân. Bà Phạm Thị Sự chết trong tư thế chống nạnh, mắt mở to trừng trừng. Hai anh em Nguyễn Mãn, Nguyễn Lương tối đó về ôm mẹ là bà Kiều, chị gái Nguyễn Thị Điểu và hai cháu mà khóc ngất. Chúng tôi khiêng chừng 15 người bị thương nặng ra ngoài rồi chuyển cho dân đưa đi lên Điện Ngọc. Không có gì làm cáng, mọi người tháo các giường tre hay cột các vỏ bao xi măng lại để khiêng. Những người thân được chôn cất thì ngày hôm sau địch tàn ác cho xe cày ủi nát, trong đó có mộ của mẹ tôi.  
Lãnh đạo địa phương thắp hương cho những nạn nhân trong vụ thảm sát trong lễ tưởng niệm 50 sau vụ thảm sát ngày 11/3
Lãnh đạo địa phương thắp hương cho những nạn nhân trong vụ thảm sát trong lễ tưởng niệm 50 sau vụ thảm sát ngày 11/3
Không chỉ riêng ông Cọi, nỗi kinh hoàng cùng những đau thương mất mát vẫn còn  đọng lại trong kí ức hãi hùng của người dân Điện Dương mỗi khi nhắc tới sự kiện này. Vụ thảm sát kinh hoàng tại xóm Tây, làng Hà My sau đó đã được công bố trên báo chí Hàn Quốc, tạo nên dư chấn lớn trong đời sống chính trị của đất nước này.
 
Ông KANG U IL, Chủ tịch quỹ Hòa bình Việt - Hàn đã không kìm được nước mắt khi phát biểu trong lễ tưởng niệm: “Tôi đang đứng trên mảnh đất, nơi từng là hiện trường của một vụ thảm sát tang thương tột cùng, không thể tin và cũng không muốn tin. Chúng tôi không cất nổi thành lời, chỉ còn biết gồng mình, cố nén tiếng khóc cứ chực vỡ òa”.
 
Xoa dịu những đau thương mất mát 
 
Cách đây 18 năm, phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” được hình thành tại Hàn Quốc sau loạt phóng sự của nữ Tiến sỹ - Nhà báo Ku Su Jeong đăng trên tạp chí Hankyoreh 21 về vụ thảm sát của lính Đại Hàn tại Việt Nam. Theo đó, đã có rất nhiều những hoạt động thiết thực của các tổ chức Hàn Quốc. Từ thường xuyên về Việt Nam tặng quà, động viên thăm hỏi những nạn nhân còn sống sót, tài trợ kinh phí để nâng cấp khu nhà bia tưởng niệm với tổng kinh phí 500 triệu đồng…
Đại biểu Hàn Quốc thắp hương tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát.
Đại biểu Hàn Quốc thắp hương tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát.
Phát biểu trong lễ tưởng niệm, ông Đinh Hùng Liên, Chủ tịch UBND phường Điện Dương nhấn mạnh: việc ghi nhớ lịch sử đau buồn đã xảy ra tại xóm Tây, làng Hà My nhằm an ủi vong linh những người vô tội trong vụ thảm sát và đây cũng chính là nguyện vọng của các tổ chức từ phía Hàn Quốc trong việc sám hối trước quá khứ đầy bạo lực nhằm xây dựng một trang sử hòa bình mới.
 
Ông Nguyễn Thu, một trong 8 nạn nhân may mắn còn sống sót trong vụ thảm sát xóm Tây năm 1968 đã nhấn mạnh: Người Việt Nam luôn “lấy ân báo oán”, “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn”. Do vậy, chúng tôi luôn ủng hộ chủ trương của 2 Nhà nước, 2 Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc khép lại quá khứ, hướng tới tương lai vì hòa bình tiến bộ, phồn vinh của cộng đồng quốc tế.
Hình ảnh xúc động khi 30 đại biểu Hàn Quốc đã quỳ gối trước bia tưởng niệm “ Chúng tôi thành thật xin lỗi Việt Nam”.
Hình ảnh xúc động khi 30 đại biểu Hàn Quốc đã quỳ gối trước bia tưởng niệm “ Chúng tôi thành thật xin lỗi Việt Nam”.
Ông KANG U IL, Chủ tịch quỹ Hòa bình Việt- Hàn cho rằng: “Sự thật  về một ngày đã phủ bóng đêm đen tối lên làng Hà My năm 1968, mà mãi đến hôm nay ngày tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát vẫn còn bị chôn ngầm dưới tấm hoa cương chạm vẽ hoa sen. Dù quá khứ có hổ thẹn đến đâu thì sự thật vẫn cần được đưa ra ánh sáng một cách toàn vẹn nhất, để rút ra từ đây bài học cho những sai lầm này không còn lặp lại về sau. Bởi vì khi chúng ta thắt một nút kết đúng đắn cho quá khứ, thì nút thắt ấy mới trở thành bàn đạp của tương lai, hướng chúng ta về một sự hòa giải và một nền hòa bình chân chính”.
 
“Chúng tôi thành thật xin lỗi Việt Nam, chúng tôi sẽ không quên, chúng tôi sẽ luôn khắc nhớ, xin các vị hãy nguôi đi sự oán trách, buồn đau những nỗi oan khiên phẫn nộ ngày nào mà ra đi thanh thản. Chúng tôi xin hứa, từ giây phút cử hành lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Hà My sẽ là sự khởi đầu cho nửa thế kỷ tới của một nền hòa bình mới,”- ông KANG U IL nói.