Người Thái trên miền đất võ

Văn hóa - Ngày đăng : 02:11, 16/02/2018

(TN&MT) - Lặn lội từ mảnh đất Thanh Hóa xa xôi, đồng bào  người Thái khăn gói di cư lập làng, dựng nhà tại huyện miền núi Vân Canh (Bình Định). Sống ở miền đất...
(TN&MT) - Lặn lội từ mảnh đất Thanh Hóa xa xôi, đồng bào  người Thái khăn gói di cư lập làng, dựng nhà tại huyện miền núi Vân Canh (Bình Định). Sống ở miền đất mới nhưng họ luôn cảm giác thân quen bởi sự đoàn kết của nhiều gia đình cùng quê và nhận được sẻ chia, giúp đỡ của người dân bản địa.
TNMT Người Thái trên miền đất võ
Trang phục truyền thống là tinh hoa văn hóa, hành trang không thể thiếu đối với người Thái khi di cư đi làm ăn nơi khác
“Đất lành, chim đậu”  

Cơn mưa rừng bất chợt bao phủ trước hiên nhà, bà Hà Thị Mười (sinh năm 1962, trú làng Hà Lũy, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) đưa đôi mắt đăm chiêu nhìn xa xăm, đau đáu nỗi nhớ quê. Hơn 17 năm dựng nhà, lập nghiệp ở vùng đất mới, không lúc nào bà quên đi lối cũ xóm nghèo, mái nhà xập xệ và người thân nơi “chôn rau cắt rốn”. 

Bà Mười, tỷ mẫn: “Tôi vốn là người đồng bào Thái có gốc gác ở tỉnh Thanh Hóa, năm 2000, cả nhà tôi (2 vợ chồng cùng đứa con trai) dắt díu vào đây lập nghiệp. Sống tha phương ở đây, nhiều lúc nhớ quê da diết, chỉ cần nhìn trời mưa, nghe vài lời hát hoặc chứng kiến thấp thoáng bóng dáng quê trên truyền hình, radio… là nỗi nhớ cứ cồn cào”.

Chạm chân đến Vân Canh, bà Mười cùng nhiều người Thái lặn lội từ Thanh Hóa vào đây gặp không ít khó khăn, vùng đất mới, địa hình, tập quán và mọi mối quan hệ đều xa lạ, khác hẳn. May mắn, tấm lòng của người dân bản địa như đồng bào Bana, Chăm và Kinh luôn cởi mở, dang rộng đối với những vị khách mới đến lập nghiệp, tìm chốn nương thân. Ở vùng đất này, bà con người Thái luôn có tính đoàn kết cộng đồng rất cao, họ cộng sức cùng nhau xây dựng nhà cửa, vườn tược, lo lắng ổn định cuộc sống cho từng gia đình và sống hòa hợp với các dân tộc anh em cận kề.

Chồng bà Mười, ông Lương Văn Úi năm nay tròn 62 tuổi, dáng người khỏe khoắn, mỗi ngày 2 buổi, ông đều đặn điều khiển xe máy từ làng đến thị trấn Vân Canh để làm nghề thợ mộc. Nhờ vậy, cũng đỡ đần được chút ít chuyện chi tiêu trong gia đình.

“Riêng thôn chúng tôi có hơn 10 hộ dân đều là người Thái từ Thanh Hóa vào. Sống gắn kết và quây quần bên nhau. Cũng có những đứa con thuộc người Thái vào đây sinh sống, bén duyên và lập gia đình với người dân tộc Chăm, Ba Na… Dù cuộc sống hơi vất vả, phải lo làm lụng nhưng mọi thứ đều tốt đẹp, không còn khó khăn nhiều như thuở ban đầu nữa” - ông Úi nở nụ cười đầy hy vọng.

Giữ hồn văn hóa

Đâu đó, tại góc nhỏ của các ngôi nhà người Thái đều cất giữ cẩn thận một vài bộ trang phục truyền thống mang từ quê nhà vào. Với họ, việc này giống như mang theo nét văn hóa, gốc gác của xứ sở bên mình. Trang phục Thái, đặc biệt là trang phục nữ có kiểu dáng, họa tiết cầu kỳ, sử dụng nhiều gam màu sáng, khá nổi bật so với trang phục cổ truyền của người Bana, Chăm.

Gia đình ông Lương Trọng Lượng - Phó làng Hà Lũy, vốn người Thái ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Hơn 26 năm trước, ông cùng vợ là bà Hà Thị Dung (cùng sinh năm 1956) và 3 con: Lương Thanh Hưng, Lương Thanh Hiền và Lương Thị Nga dắt nhau về vùng đất Vân Canh để lập nghiệp.

“Vào năm 1990, gia đình tôi đi xây dựng kinh tế nên trôi dạt về đây sinh sống. Hiện tại, thằng Hưng (con trai đầu) lấy vợ người Chăm ở làng Canh Tân, con trai thứ tên Hiền lấy vợ người Kinh ở huyện An Lão. Tổng cộng, có 3 dân tộc trong 1 gia đình. Chúng tôi đang sống ở miền đất lạ nhưng thực chất đều là người quen (có gốc gác từ người Thái ở Thanh Hóa), luôn thân thuộc với nhau trong mối quan hệ hằng ngày. Những hộ dân người Thái ở đây mang ơn bà con bản địa. Bà con ở làng thật quá tốt bụng, hào hiệp, rộng mở ngay cả với người dưng xa lạ từ xứ khác đến. Thời gian đầu, họ chia sẻ cái ăn cái mặc, sau họ giúp dựng nhà, chỉ đất đai, nương rẫy cho trồng trọt...” - ông Lượng cho hay.

Cứ độ dịp Tết, cưới hỏi hoặc trong Ngày hội các dân tộc thiểu số hằng năm, người đồng bào Thái ở Vân Canh cùng nhau phô diễn vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình qua phong tục, qua nếp sống, sinh hoạt, trang phục và múa hát vui chơi như: Múa xòe, nhảy sạp, thổi khèn… Vào những ngày như thế, người Thái mang 1 vẻ đẹp rất riêng biệt, không xen lẫn vào đâu được. Với họ, sống nơi xa xứ nhưng để lu mờ đi nét văn hóa của quê hương là điều không thể.