Khu lưu niệm nhạc sỹ Cao Văn Lầu thành di tích quốc gia

Văn hóa - Ngày đăng : 00:00, 04/04/2014

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, đơn vị này đã có quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với ba di tích tại tỉnh Bạc Liêu.
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, đơn vị này đã có quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với ba di tích tại tỉnh Bạc Liêu.
   
  Ba di tích này bao gồm: Khu lưu niệm nhạc sỹ Cao Văn Lầu (phường 2, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), di tích kiến trúc nghệ thuật đình Tân Hưng (phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), di tích kiến trúc nghệ thuật Thiên Hậu Cung (phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).
   
  Quyết định này được nêu rõ tại các văn bản số 962/QĐ-BVHTTDL, 963/QĐ-BVHTTDL và 964/QĐ-BVHTTDL.
   
  Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892-1976) là người sáng tác bản “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng -  tiền thân của bản vọng cổ ngày nay và “chiếc nôi” của đờn ca tài tử Nam Bộ. Tác phẩm “Dạ cổ hoài lang” do ông sáng tác là một đóng góp có nhiều ảnh hưởng đối với âm nhạc dân tộc, gắn liền với sự ra đời và phát triển của dòng nghệ thuật sân khấu cải lương.
   
  Trước đó, khu lưu niệm nhạc sỹ Cao Văn Lầu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu xếp hạng là di tích văn hóa-lịch sử cấp tỉnh năm 1997.
   
Khu lưu niệm nhạc sỹ Cao Văn Lầu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu xếp hạng là di tích văn hóa-lịch sử cấp tỉnh năm 1997.
    
  Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Tân Hưng là một trong các ngôi đình có lịch sử xây dựng sớm nhất (đầu thế kỷ XIX) ở tỉnh Bạc Liêu.
   
  Năm 1852, ngôi đình này đã được vua Tự Đức sắc phong. Hàng năm, đình Tân Hưng diễn ra 2 lễ lớn: lễ Trung nguyên (tổ chức vào ngày 12/7 âm lịch) và lễ Kỳ yên (được tổ chức trong ba ngày từ 20-22 tháng Giêng âm lịch).
   
  Tại Bạc Liêu, di tích kiến trúc nghệ thuật Thiên Hậu Cung được xây dựng vào năm 1901. Nơi đây thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu với nguyện ước của nhân dân rằng, vị thần biển này sẽ phù hộ cho dân chúng (đặc biệt là ngư dân) được thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều tôm cá.
   
  Từ khi khởi dựng đến nay, di tích này đã qua hai lần tu bổ (vào năm 1970 và năm 1993) nhưng dáng vẻ kiến trúc vẫn còn nguyên nét cổ kính nguyên sơ. Tháng 9/1997, công trình này đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu xếp hạng di tích kiến trúc cấp tỉnh.
   
An Ngọc (Vietnam+)