Thừa Thiên Huế: Dịch tả lợn châu Phi đã “tấn công” 69 xã, hơn 1.000 hộ chăn nuôi

Sức khỏe - Ngày đăng : 13:31, 07/06/2019

(TN&MT) - Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp tại Thừa Thiên Huế và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là hơn 4.000 con...
Dịch tả lợn châu Phi đang lây lan rộng tại Thừa Thiên Huế khi 8/9 huyện đã mắc dịch
Dịch tả lợn châu Phi đang lây lan rộng tại Thừa Thiên Huế khi 8/9 huyện đã mắc dịch


8/9 huyện mắc dịch bệnh

Theo Sở NN&PTNT Thừa Thiên Huế, tính đến nay (gần 3 tháng khi có dịch), bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra trên đàn lợn của 1.076 hộ chăn nuôi ở 303 thôn, 69 xã thuộc 8/9 huyện (Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới), thị xã Hương Trà, Hương Thủy và TP. Huế. Chỉ có huyện Nam Đông là vẫn chưa có dịch.

Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là 4.054 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là 214.829 kg (804 lợn nái và đực giống 115.660 kg; 3.189 lợn thịt và lợn con 96.408 kg). Ước tính thiệt hại do hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy khoảng 10 tỷ đồng.

Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, TP. Huế triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch khẩn cấp tại vùng có dịch cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình đàn lợn ở các vùng chưa phát dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Cụ thể, Chi cục Thú y tỉnh nay đã cấp khoảng 30.029 lít hóa chất (nguồn Trung ương hỗ trợ 20.000 lít) để các địa phương triển khai thực hiện ngay công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Các địa phương có dịch cũng đã chủ động mua hơn 250 tấn vôi để rải tiêu độc tại các tuyến đường giao thông chính và các hố chôn hủy. Cùng với 2 chốt trên Quốc lộ 1A (ở 2 đầu tỉnh), đã lập 61 chốt kiểm dịch tại các địa phương có dịch để kiểm soát, tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật.

Rải vôi trắng ở các vùng dịch để hạn chế lây lan
Rải vôi trắng ở các vùng dịch để hạn chế lây lan

Ông Hồ Vang - Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ở các vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp (phạm vi 3km xung quanh ổ dịch) đã tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ trại 1 lần/ngày trong 7 ngày đầu tiên và thực hiện 03 lần/ tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; tại vùng đệm (phạm vi 10 km xung quanh ổ dịch) tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng với tần suất 1 lần/ tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch. Chi cục Thú y tỉnh cũng đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ thú y cơ sở tăng cường giám sát tình hình sức khỏe đàn lợn tại các hộ nuôi trong khu vực...

“Bên cạnh giải pháp về chuyên môn, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là tuyên truyền về bệnh không lây sang người để người dân yên tâm sử dụng thịt lợn và sản phẩm từ lợn có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức ký cam kết thực hiện 5 không đối với các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; ký cam kết các chủ giết mổ nhập lợn phải có nguồn gốc rõ ràng và khỏe mạnh; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết, không rõ nguồn gốc...”- ông Vang cho hay.

Tiếp tục phòng chống dịch

Được biết, tổng đàn lợn hiện nay tại Thừa Thiên Huế là khoảng 159.850 con, với 19.096 hộ chăn nuôi lợn, trong đó có khoảng 1.400 trang trại, gia trại chăn nuôi.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra các cơ sở chăn nuôi lợn
Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra các cơ sở chăn nuôi lợn

Ông Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, dịch tả lợn châu Phi hoàn toàn không lây sang người. Vì vậy, người dân không nên hoang mang, không quay lưng với thịt lợn. Tuy nhiên, người dân cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn, không tới tham quan khu chăn nuôi lợn, đặc biệt ở vùng dịch và bị ảnh hưởng, nếu phát hiện lợn chết thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng. Người dân nên sử dụng sản phẩm thịt lợn đã qua kiểm dịch thú y.

Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có quy định hỗ trợ chủ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy với giá 25.000 đồng/kg đối với lợn thịt, các loại lợn khác, 43.000 đồng/kg hơi đối với lợn nái và lợn đực giống đang khai thác theo Quyết định số 1253/QĐ-UBND ngày 24/5/2019. Ngoài ra, trường hợp giá thịt lợn hơi trên thị trường biến động cao hoặc thấp hơn 15% mức giá thịt lợn hơi hiện tại (31.000 đồng/kg thịt hơi), ủy quyền cho Sở Tài chính tính toán, thông báo mức hỗ trợ chủ vật nuôi có lợn bị tiêu hủy với mức giá hỗ trợ: lợn thịt, lợn con các loại sẽ hỗ trợ 80% giá thịt lợn hơi trên thị trường; lợn nái, lợn đực giống đang khai thác hỗ trợ 1,7 lần so với hỗ trợ các loại lợn khác.

Tại cuộc họp với Sở NN&PTNT, Sở Tài chính và Sở Công Thương trong ngày 6/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị Sở NN&PTNT tiếp tục hướng dẫn cho các địa phương về thủ tục và phương pháp tiêu hủy lợn bị dịch theo đúng quy định, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và việc hỗ trợ thiệt hại cho các hộ chăn nuôi; rà soát để bổ sung các trạm, chốt kiểm soát và kiểm dịch bệnh cơ động tại các vùng dịch. Đặc biệt là chú ý việc kiểm soát dịch bệnh tại các trang trại chăn nuôi lợn lớn, đồng thời làm việc với chủ các trang trại để có hướng hỗ trợ. Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương đề nghị các hộ chăn nuôi không được tái đàn lợn trong thời điểm đang diễn ra dịch bệnh.

Công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi đang được các cấp, ngành ở Thừa Thiên Huế cấp bách triển khai...
Công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi đang được các cấp, ngành ở Thừa Thiên Huế cấp bách triển khai...

Việc cấp đông thịt lợn, Phó chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công thương nghiên cứu, tham mưu cụ thể giải pháp cho phù hợp với điều kiện địa bàn của tỉnh và phải đảm bảo an toàn, tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt nhằm không để tiềm ẩn mầm bệnh lâu dài; Sở Tài chính theo dõi diễn biến thị trường để tham mưu UBND tỉnh giá hỗ trợ thiệt hại về lợn thịt và lợn giống bị dịch bệnh phải tiêu hủy nhằm hỗ trợ kịp thời cho các hộ chăn nuôi.

Ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thông tin đã đề nghị các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng chống dịch; thường xuyên tổ chức các đoàn liên ngành xuống trực tiếp cùng địa phương kiểm tra, chỉ đạo, kiểm soát dịch hiệu quả, đặc biệt là công tác dập dịch. Lãnh đạo các địa phương cần phải quyết liệt vào cuộc và phải chịu trách nhiệm về hoạt động phòng, chống dịch; duy trì, củng cố năng lực hệ thống thú y các cấp; hỗ trợ, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh và chăn nuôi an toàn sinh học...

“Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân về tính nguy hiểm, tác hại nghiệm trọng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chuẩn bị tốt các điều kiện khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế. Các cấp ủy mà trực tiếp là Bí thư cấp ủy phải trực tiếp về cơ sở kiểm tra, giám sát việc tổ chức phòng, chống, khống chế dịch. Đồng thời chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ do mình phụ trách...”- ông Lưu nhấn mạnh.