Bình Định: Mặn mòi nghề muối Cát Minh

Sức khỏe - Ngày đăng : 17:33, 08/04/2019

(TN&MT) - Một năm diêm dân chỉ làm muối 6 tháng đầu năm, bắt đầu sang tháng 7 diêm dân phải tìm công việc khác để làm. Mỗi năm, giá muối bấp bênh không ổn định, lúc lên cao, lúc xuống thấp khiến đời sống diêm dân gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, diêm dân xã Cát Minh, huyện Phù Cát vẫn bám trụ với nghề, những hạt muối mặn chát như cuộc đời của họ.
Ruộng muối tại xã Cát Minh, huyện Phù Cát
Ruộng muối tại xã Cát Minh, huyện Phù Cát

Những thửa ruộng muối nằm bên cạnh Chợ Muối ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, trong những ngày này, diêm dân đang tất bật vào mùa làm muối. Hàng ngày, diêm dân vẫn miệt mài “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” làm ra hạt muối phục vụ cuộc sống.

Diêm dân đắp bờ, nạo vét bùn để bơm nước vào ruộng muối
Diêm dân đắp bờ, nạo vét bùn để bơm nước vào ruộng muối

Cánh đồng muối bạt ngàn xõa trắng bầu trời, trong cái nắng chói chang của tháng tư, diêm dân tập trung ra đồng cào muối, nạo vét đồng, xả nước tạo thành khuôn muối vuông tròn đẹp mắt. Có được hạt muối, diêm dân phải đánh đổi những giọt mồ hôi mặn chát và nước mắt tạo thành.

Ruộng muối được kết tinh
Ruộng muối được kết tinh

Mỗi ô vuông muối là 100m2, 05 ô vuông nước biển mới tạo thành 01 ô vuông muối được kết tinh. Nhưng giá muối bán ra chỉ tính vài nghìn đồng/kg, thậm chí có năm chỉ vài trăm đồng/kg. Tuy vậy, diêm dân chưa bao giờ từ bỏ nghề làm muối. Cả đời họ gắn bó với nghề muối, vì đó là nghề truyền thống của gia đình, trải qua nhiều thế hệ tiếp nối.

Muối cào thành đống chuẩn bị gánh lên bờ
Muối cào thành đống chuẩn bị gánh lên bờ

Một người dân chia sẻ với chúng tôi: Năm nay giá muối được mùa hơn năm trước, nên bà con diêm dân phấn khởi hơn. Một gánh muối từ 25-30kg khoảng 34.000 đồng. Ngoài làm muối thì người dân nơi đây cũng chỉ biết đến muối. Thanh niên đi làm ăn xa, chủ yếu là trung niên, phụ nữ, người già ở lại quê để giữ nghề truyền thống. Nhà tôi bốn đời làm muối, sống mấy chục năm với nghề này nên không thể bỏ. Buồn nhất là điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” nên thu nhập người dân bất bênh, cuộc sống vất vả khó khăn hơn những nghề khác ở đây. May sao năm nay nắng nóng nhiều hơn mưa nên muối được mùa khiến bà con vui lắm.

Mỗi hộ làm muối đều dựng chòi canh tại ruộng
Mỗi hộ làm muối đều dựng chòi canh tại ruộng

Nói đến làm muối, cái nghề tưởng chừng đơn giản chỉ cần bơm nước biển vào ruộng, chờ nắng làm nước bốc hơi là có thể thu hoạch đem bán lấy tiền, nhưng thực tế lại không phải vậy. Nghề muối đòi hỏi nhiều mồ hôi, công sức lẫn sự chịu khó, kiên trì, bền bỉ. Trong suốt thời gian mùa vụ, mỗi ngày diêm dân chỉ có thể nghỉ ngơi được chừng hai đến ba tiếng đồng hồ, còn lại phải ở ngoài ruộng. Cái nghề chủ yếu lấy công làm lãi, bởi vậy dù cực khổ là vậy nhưng diêm dân vẫn không từ bỏ nghề truyền thống quê hương và coi đó là niềm tự hào của vùng Chợ Muối Cát Minh nổi tiếng.

Nghề muối đòi hỏi nhiều mồ hôi, công sức lẫn sự chịu khó, kiên trì, bền bỉ
Nghề muối đòi hỏi nhiều mồ hôi, công sức lẫn sự chịu khó, kiên trì, bền bỉ

Xã Cát Minh có khoảng hơn 530 hộ làm muối, tập trung ở hai thôn Đức Phổ I và Đức Phổ II với diện tích đưa vào sản xuất khoảng 58ha. Hy vọng với nghề truyền thống này, Cát Minh sẽ lưu giữ và phát triển nghề làm muối, Chợ Muối trở thành nét đẹp văn hóa người dân miền biển mỗi khi nhắc đến quê hương Bình Định.