Để môi trường đô thị bền vững

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:32, 09/04/2019

(TN&MT) - Theo Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, trung bình mỗi năm, dân số Thủ đô dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương một huyện lớn. Dân số Hà Nội trong 5 năm qua tăng thêm 1,3 triệu người, riêng khu vực nội thành tăng 1,2 triệu, trong đó, phần lớn là gia tăng cơ học từ người nhập cư.
chuyen gia bat mach can benh do thi 45 1539
Đô thị Việt Nam. Ảnh minh họa

Nếu không tính người dân các địa phương lân cận về Hà Nội làm ăn theo mùa vụ và người vãng lai, thì mật độ dân số trung bình hiện nay của Hà Nội khoảng 2.100 người/km2, khu vực trung tâm có mật độ cao nhất.

So với Thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN, mật độ trung bình ở mức từ 100 - 200 người/km2, thì mật độ dân số của Hà Nội là quá cao.

Theo dự báo của Viện Dân số và các vấn đề xã hội, đến năm 2050, dân số Hà Nội có thể lên khoảng 14 triệu người. Với tốc độ tăng trưởng dân số như vậy, Thủ đô đang phải chịu áp lực rất lớn trên mọi lĩnh vực.

Mỗi năm, dân số TP.HCM cũng tăng thêm từ 200.000 đến 400.000 người, trong đó, có nhiều người nhập cư từ các địa phương khác, làm tăng sức ép lên hạ tầng đô thị và nảy sinh nhiều vấn đề xã hội như: kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… Thành phố đặt kế hoạch trong 2 năm xây 49 cầu, làm 190 km đường bộ, vận tải hành khách công cộng đáp ứng 15% nhu cầu… Chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2020, cũng ngốn tới hơn 96.000 tỷ đồng. Đó là những con số không nhỏ cho một thời gian ngắn hạn.

Thực ra, với hai đô thị lớn của việt Nam, việc gia tăng áp lực dân số vốn là chuyện bình thường. Song, làm sao để sức hút nhân lực ấy trở lên tích cực hơn, tạo động lực tốt hơn để phát triển đô thị, không phải nơi nào cũng làm được. Rất nhiều đô thị trong quá trình phát triển đã vấp phải “lực cản” này. Và Hà Nội, TP.HCM cũng đang trong tình trạng như thế.

Cho đến bây giờ, trong rất nhiều hội thảo, hội nghị, liên quan đến các vấn đề đô thị, người ta thường bàn nhiều đến việc xây dựng những đô thị hiện đại, làm sao để giải quyết nạn tắc đường... và xem đó như là những thách thức lớn của các đô thị Việt Nam hiện nay. Mong muốn, mục tiêu hướng tới ấy đều là tốt đẹp. Nhưng thực ra, những bức bối của đô thị hôm nay lại là hệ quả của một quá trình phát triển vô tội vạ, quản lý đô thị, quy hoạch và thực hiện quy hoạch yếu kém… Trong đó, một phần “đóng góp” không nhỏ cho những lộn xộn ngày hôm nay là chất lượng thị dân.

Bây giờ, nếu ùn tắc giao thông đang được coi là thảm họa - chúng ta hãy nhìn những chủ nhân của đô thị trong dòng chuyển động mỗi sớm mai hay lúc chiều buông. Không khó nhận ra, một phần thủ phạm gây tình trạng tắc đường chính là do ý thức không tuân thủ luật giao thông của người dân.

Ở một góc khác của đời sống đô thị, không khó nhận ra rằng, thị dân bây giờ có một đời sống tinh thần đa dạng hơn, đủ đầy hơn. Nhưng trong cái đa dạng ấy, chưa thấy nhiều cái sang của chất thị dân.

Đô thị ngày một mở rộng. Các dự án lớn cũng nhiều hơn. Một con đường mở ra, thế là làng thành phố, nhà giữa làng nay thành nhà mặt phố. Người thôn xóm nay cũng thành người phố. Có điều kiện phát triển, đời sống vật chất cũng tốt hơn. Nhưng dường như, các thói quen ứng xử vẫn chưa thể thay đổi.

Khi mà những công dân đô thị vẫn coi là “chuyện thường ngày” trước những cách hành xử kiểu như vô tư vượt đèn đỏ, xả rác trên đường, hun khói ngút trời; vô tư cười vã, nằm dãi giữa thanh thiên bạch nhật… khi đó, khó có thể có văn minh đô thị, có được một môi trường đô thị bền vững.

Xây dựng một đô thị bền vững có rất nhiều tiêu chí, song không thể thiếu tiêu chí về chất lượng thị dân - Đó là cần định hình những phẩm chất của một tầng lớp thị dân mới, sao cho xứng đáng là chủ nhân của những đô thị hiện đại. Nói cách khác, phẩm chất của những công dân đô thị cần được đặt ra, bức bách hơn là cả chuyện tắc đường hay ô nhiễm môi trường...

Phát triển đô thị chính là sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội với mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân đô thị phải khá giả hơn, sống tiện nghi và hạnh phúc hơn.

Chúng ta cần những bộ máy tính mới, cần những chiếc xe tiện nghi, cần đường sắt trên cao hay tàu điện ngầm tít sâu trong lòng đất,..., nhưng tất cả sẽ chẳng là gì nếu chủ nhân nó - những người vận hành - kém về phẩm chất, hành vi.