Quảng Ngãi: Làng câu mực Trường Sa vào mùa biển mới

Sức khỏe - Ngày đăng : 15:40, 22/02/2019

(TN&MT) - Xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là một trong những địa phương có đội tàu câu mực hùng hậu ở miền Trung. Mùa biển mới, ngư dân nơi đây đang tất bật vươn khơi bám biển để phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngư dân Bùi Đức Thanh cho biết chuyến này tàu tàu sẽ ra vùng biển gần đảo Đá Lát và Song Tử để thả câu
Ngư dân Bùi Đức Thanh cho biết chuyến này tàu tàu sẽ ra vùng biển gần đảo Đá Lát và Song Tử để thả câu

Những ngày này, tại cửa biển Sa Cần, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nhộn nhịp tàu thuyền hành nghề câu mực chuẩn bị bước vào mùa biển mới. Trên bến, dưới thuyền các ngư dân tất bật, khẩn trương sắm sửa đủ mọi nhu yếu phẩm cần thiết, nhập đủ dầu, gas, ngư lưới cụ… để bắt đầu thẳng tiến đến ngư trường truyền thống Trường Sa, Hoàng Sa suốt 3 tháng.

Tất bật với công việc “bỏ tổn” cho con tàu mang số hiệu QNg 90594TS có công suất 748 CV của mình, ngư dân Bùi Đức Thanh, trú thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn tươi cười cho biết, sau Tết là thời điểm biển êm và ít sóng nhất nên rất thuận lợi cho nghề câu mực đại dương. Mỗi chuyến câu mực ngoài khơi thường kéo dài từ 2 đến 3 tháng nên việc chuẩn bị nhiên liệu, tiền ứng trước cho hơn 40 bạn đã lên đến gần 1 tỷ đồng. Chuyến này tàu tàu sẽ ra vùng biển gần đảo Đá Lát và Song Tử (Quần đảo Trường Sa của Việt Nam) để thả câu.

“Năm vừa rồi đi biển không gặp may do mắc phải nhiều sự cố kỹ thuật bị gãy trục ngoài biển nên trừ mọi phí tổn xong cũng dư được ít đồng. Nhưng nghề câu mực là truyền thống của ngư dân chúng tôi nên cứ sau khi kết thúc phiên biển, nghỉ ngơi vài ngày tôi lại cho thuyền vươn khơi bám biển. Mong năm nay biển êm, lên bờ thì mong mực có giá để ngư dân yên tâm bám biển” - ngư dân Thanh cho biết.

Các ngư dân tất bật chuẩn bị ra ngư trường truyền thống Trường Sa
Các ngư dân tất bật chuẩn bị ra ngư trường truyền thống Trường Sa

Còn với ngư dân Ngô Văn Thân, chủ tàu QNg 90526TS dù đã có gần 25 năm hành nghề câu mực ở Trường Sa nhưng chuyến biển đầu năm lúc nào cũng làm anh lo lắng, phần vì phải sắm sửa nhiều dụng cụ mới như thúng mủng, đèn nháy, phần vì phải tính toán sao để chuyến này câu được nhiều mực để bù chi phí. Theo ngư dân Ngô Văn Thân, muốn câu được nhiều mực, các tàu thuyền ở đây phải đi đến tận vùng biển quần đảo Trường Sa. Nếu tính thời gian tàu chạy phải mất 2 đến 3 ngày đêm mới tới nơi, tuỳ theo điều kiện thời tiết.

Anh Thân cho biết, nhiều người vẫn gọi nghề câu mực là nghề hái ra tiền nhưng đây cũng là nghề vất vả và cực nhọc nhất. Cả ngày lẫn đêm ngư dân chỉ nghỉ ngơi được vài giờ đồng hồ. Bắt đầu 5 giờ chiều, ngư dân thả thúng câu mực đến 4 giờ sáng tàu chạy đến vớt thúng. Vừa lên tàu phải tranh thủ xẻ mực phơi cho kịp nắng, có hôm câu được nhiều khoảng vài tạ mực tươi thì xẻ phơi đến hơn 12 giờ, đôi khi chưa kịp ăn trưa và nghỉ ngơi lại khẩn trương đi trở mực, chuẩn bị cho lần xuống thúng tiếp theo.

“Bình quân mỗi năm nếu thời tiết thuận lợi, không xảy ra trục trặc thì ngư dân hành nghề câu mực cũng dư được từ 150 -160 triệu đồng. Do đó, dù chuyến biển đầu tiên tổn phí hơi cao một tí, chúng tối vẫn hy vọng mực sẽ nhiều và giá thu mua tăng cao như đầu vụ năm ngoái. Thời tiết hiện đang ấm áp, chúng tôi ra quân đánh bắt với quyết tâm giành thắng lợi, cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài”- ngư dân Thân chia sẻ.

Xã Bình Chánh là một trong những địa phương có đội tàu câu mực hùng hậu ở miền Trung
Xã Bình Chánh là một trong những địa phương có đội tàu câu mực hùng hậu ở miền Trung

Ông Nguyễn Thành Tín - Phó Chủ tịch xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, thôn Tân Mỹ được nhiều người biết đến là nơi có đội tàu hành nghề câu mực hùng hậu nhất tỉnh Quảng Ngãi. Toàn xã hiện có hơn 100 chiếc tàu, trong có có 86 tàu câu mực với hơn 2.500 lao động hành nghề. Mùa biển năm 2018, ngư dân trong xã đã khai thác được hơn 5.300 tấn hải sản các loại, với giá trị đạt trên 650 tỷ đồng. Nghề câu mực khơi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều thuyền viên có thu nhập trên 200 triệu đồng/người/năm, làm cho được cuộc sống nhiều gia đình khấm khá hơn, đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Từ ngày 16 đến khoảng 20 tháng Giêng âm lịch, tất cả tàu câu mực của địa phương sẽ đồng loạt nhổ neo tiến thẳng ra vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa để khai thác, mở đầu một mùa biển mới.

“Năm 2019, địa phương đặt kế hoạch khai thác hơn gần 5.000 tấn hải sản các loại. Chúng tôi tiếp tục củng cố tổ đoàn kết trên biển để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, vận động bà con chấp hành nghiêm chính sách pháp luật, không xâm phạm vùng biển nước ngoài, khai thác gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”- ông Nguyễn Thành Tín cho biết.

Ngư dân xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang bước vào mùa biển 2019 với quyết tâm bám biển và hy vọng một năm đầy thắng lợi được mùa, được giá. Niềm hy vọng đó đong đầy trên những con tàu đang lần lượt rẽ sóng ra khơi.