Yên Bái: Cấp gần 8.000 liều vắc xin khống chế dịch lở mồm long móng

Sức khỏe - Ngày đăng : 20:44, 10/01/2019

(TN&MT) - Từ ngày 25/12/2018 trên địa bàn thôn Sân Bay, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã xuất hiện ổ dịch lở mồm long móng (LMLM). Tính đến ngày 8/1/2019 dịch lở mồm long móng xảy ra tại 23 hộ ở 11 thôn thuộc 06 xã của huyện Văn Yên và Trấn Yên làm 257 con lợn mắc bệnh.  

Ngay sau khi nhận được thông tin về dịch lở mồm long móng trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại xã có dịch LMLM và các xã giáp danh trên địa bàn huyện Văn Yên. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cử cán bộ kiểm tra xác minh dịch bệnh, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên và Trấn Yên chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống dịch.

ảnh
Chính quyền địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời tiêm phòng và phun thuốc tiêu độc, khử trùng.

Hiện tại, các địa phương đã nhận đủ số lượng vắc xin, hóa chất và đang tiến hành tiêm phòng bao vây, khống chế không để dịch bệnh lan ra diện rộng. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thú tỉnh Yên Bái, từ ngày 25/12 đến nay các địa phương có dịch đã tổ chức tiêm được gần 4.000 liều vắc xin cho đàn lợn và trâu bò.
 

Trao đổi với PV, ông Đặng Bình Nguyên – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết: Hiện tình hình diễn biến dịch bệnh vẫn rất phức tạp. Tuy nhiên số lượng gia súc bị mắc bệnh đã giảm so với những ngày đầu có dịch. Chi cục đã phân công cán bộ kỹ thuật trực tiếp phối hợp với huyện Văn Yên và Trấn Yên trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh LMLM. Đồng thời tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh ở các huyện có nguy mắc bệnh. Tổ chức chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh để có cơ sở cảnh báo, ứng phó dịch bệnh, trong đó có cơ sở cho việc lựa chọn các loại vắc xin phòng bệnh phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
 

“Nguyên nhân xuất hiện ổ dịch LMLM là do: Dịch bệnh có mầm bệnh tại địa phương từ trước, do người dân vận chuyển mua bán từ nơi này tới nơi khác. Trong dịp trước tết nguyên đán việc lây lan dịch bệnh rất dễ xảy ra do việc buôn bán vận chuyển. Chúng tôi khuyến cáo người dân không được vận chuyển động vật không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát. Mặt khác người dân phải chủ động tiêm phòng cho đàn gia xúc, hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi và vệ sinh tiêu độc khử trùng bằng hóa chất để phòng và chống dịch bệnh bùng phát và lây lan”, ông Đặng Bình Nguyên nói.