Ông Dũng “Lò vôi” nói về quyết định đầu tư xử lý nước thải KCN: Không sớm hành động, sẽ có lỗi lớn với con cháu

Sức khỏe - Ngày đăng : 08:32, 30/10/2018

(TN&MT) - Sự kiện Sở KH&ĐT TP.HCM vừa cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp, cấp phép cho Công ty cổ phần xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh do ông Huỳnh Uy Dũng (còn...

 

(TN&MT) - Sự kiện Sở KH&ĐT TP.HCM vừa cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp, cấp phép cho Công ty cổ phần xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh do ông Huỳnh Uy Dũng (còn gọi là ông Dũng “Lò vôi”) làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường đã gây xôn xao dư luận. PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn ông Dũng “Lò vôi” xung quanh sự kiện này.
 

IMG 5897
Ông Dũng lò vôi đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải khu công nghiệp

 

PV: Sau thời gian khá dài, ông ít xuất hiện trên thương trường, thì mới đây, được biết ông trở lại, qua dự án bất động sản vừa được UBND tỉnh Bình Dương cấp phép. Xin ông cho biết vài thông tin về sự trở lại này?
 

Ông Huỳnh Uy Dũng: Dự án Khu dân cư Đại Nam (diện tích hơn 100 ha) nằm trong tổng thể 4.000 ha của Khu liên hợp dịch vụ - đô thị - công nghiệp tỉnh Bình Dương, do Becamex đầu tư, chúng tôi là dự án thành phần. Vừa qua, dự án Khu dân cư Đại Nam đã được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương. Trước đó, dự án đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500. Dự án đã được Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng tư vấn rất kỹ. Chúng tôi đang nỗ lực triển khai dự án, sớm biến nơi đây thành một điểm sáng, góp phần vào sự phát triển chung của Khu liên hợp. Khu dân cư Đại Nam có vị trí rất thuận lợi, tiếp giáp trung tâm thành phố mới Bình Dương; đồng thời, giáp ranh 4 khu công nghiệp, là cửa ngõ ra vào thành phố mới.
 

Tương tự, ở tỉnh Bình Phước, chúng tôi cũng vừa nhận được Giấy chứng nhận cho phép Công ty cổ phần Đại Nam triển khai dự án khu dân cư 97 ha, tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành. Khu dân cư này cũng được bao bọc bởi 4 khu công nghiệp. Huyện Chơn Thành trong tương lai sẽ là một vùng rất phát triển công nghiệp như 2 huyện Thuận An và Dĩ An của tỉnh Bình Dương. Thay mặt tập thể cán bộ - công nhân viên Công ty cổ phần  Đại Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Tỉnh uỷ, chính quyền, sở, ban, ngành của 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp chúng tôi đầu tư 2 khu dân cư. Chúng tôi nguyện sẽ nỗ lực triển khai 2 dự án, sớm hoàn thành, vừa là nơi ở phục vụ hàng ngàn công nhân lao động, vừa là khu đô thị, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. Chúng tôi cam kết sẽ xây dựng 2 khu đô thị trên thật đẹp, chất lượng, như chính quyền 2 địa phương kỳ vọng.
 

PV: Còn dự án xử lý nước thải, bảo vệ môi trường mà ông vừa được cấp phép?
 

Ông Huỳnh Uy Dũng: Tôi vừa nhận được niềm vui thứ 3, là doanh nghiệp chúng tôi đã được Sở KH&ĐT TP.HCM cấp giấy chứng nhận cho phép đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải. Tôi đã thử nghiệm và nhận được kết quả đạt chuẩn ở nhà máy đầu tiên đặt tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2, với công suất xử lý nước thải 7.000 m3/ngày. Dự kiến đầu tháng 12/2018, chúng tôi sẽ khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy xử lý nước thải thành nước sinh hoạt tại KCN Sóng Thần 2. Đây là nhà máy xử lý nước thải thành nước sinh hoạt đầu tiên của doanh nghiệp chúng tôi, tại tỉnh Bình Dương – chính là nơi tôi đã đầu tư xây dựng khu công nghiệp đầu tiên vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Trên thực tế, việc phát triển các khu công nghiệp thời gian qua, cũng làm cho môi trường bị ô nhiễm từng ngày. Dù vô tình hay hữu ý, thì việc phát triển công nghiệp hôm nay đang góp phần huỷ hoại môi trường sống của chính mình và tương lai của con cháu trong tương lai. Nếu chúng ta không sớm hành động, sẽ có lỗi rất lớn với con cháu mai sau. Vì vậy, tôi đã bỏ công ra tìm hiểu, nghiên cứu về lĩnh vực môi trường, dù tôi không phải là kỹ sư hoá. Có ngày, tôi làm việc đến 20 giờ đồng hồ; sau 3 tháng, tôi thấy việc đầu tư vào xử lý nước thải thành nước sinh hoạt, làm sạch môi trường hoàn toàn khả thi...
 

Tôi đã quyết định thành lập Công ty xử lý nước thải Hằng Hữu Huỳnh, với quy mô hoạt động trên cả nước. Trong giai đoạn 1 (2018-2021), chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng 100 nhà máy, công suất mỗi nhà máy xử lý 10.000 m3/ngày, vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng/nhà máy. Tổng vốn đầu tư 100 nhà máy là 10.000 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ ưu tiên đầu tư đặc biệt cho 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Vì đây là tỉnh Sông Bé cũ - nơi tôi làm khu công nghiệp đầu tiên. Nay, tôi muốn chính mình xây dựng nhà máy xử lý nước thải thành nước sinh hoạt đầu tiên. Xong, chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi hoạt động ra các tỉnh miền Đông và cả nước. Chúng tôi tập trung xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tại các “điểm nóng” – khu công nghiệp, vốn thường xả thải gây ô nhiễm, mà lâu nay, các địa phương vẫn chưa xử lý dứt điểm.
 

Trong tương lai, bước sang giai đoạn 2, doanh nghiệp sẽ triển khai xử lý nước thải sinh hoạt thành nước sinh hoạt tại các đô thị lớn. Đây là vấn đề nóng bỏng, vì đi tới đâu, đến địa phương nào cũng thấy lo lắng... Chúng tôi sẽ thực hiện sứ mệnh này vì môi trường, vì sức khoẻ con người và đời sống cộng đồng. Các doanh nghiệp sản xuất tại các địa phương – kể cả các dự án dệt nhuộm, luyện thép.v.v... vẫn có thể giao việc xử lý nước thải cho chúng tôi xử lý.

IMG 5901
Ông Dũng Lò vôi và cộng sự 

 

PV: Tính ưu việt, sự khác biệt của phương pháp xử lý nước thải của Công ty Hằng Hữu Huỳnh là ở chỗ nào, thưa ông?
 

Ông Huỳnh Uy Dũng: Trước đây, tại một khu công nghiệp, có tới hàng trăm nhà máy xử lý nước thải cục bộ. Nghĩa là mỗi công ty trong khu công nghiệp là phải có một nhà máy xử lý nước thải... Sau khi nhà máy của từng doanh nghiệp xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn B, mới đổ hết ra nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp. Nơi đây xử lý đạt tiêu chuẩn A theo quy định, mới xả ra ngoài... Phương pháp xử lý của chúng tôi, các công ty trong khu công nghiệp không phải xử lý nước thải, mà là xả hết nước thải về nhà máy tập trung của chúng tôi. Chúng tôi sẽ xử lý thay cho doanh nghiệp, đôi bên cùng có lợi. Các công ty có thể xoá bỏ nhà máy xử lý cục bộ, để dành đất dùng vào việc khác... Tính ưu việt trong phương pháp xử lý nước thải của chúng tôi là các công ty không phải bận tâm xử lý nước thải nữa. Họ không phải chịu trách nhiệm này, mà đây là trách nhiệm, sứ mệnh của chúng tôi. Đặc biệt, phương pháp xử lý nước thải của chúng tôi là sử dụng vi sinh, hoàn toàn không sử dụng hoá chất trong xử lý nước thải. Do đó, cách xử lý của chúng tôi không gây hại cho môi trường hiện tại cũng như về lâu dài...
 

Ngoài ra, chúng ta phải thấy rằng, nước không phải là vô tận, mà là hữu hạn. Chúng tôi sẽ xử lý nước thải, hướng đến việc tái sử dụng nước thải đã qua xử lý để tiếp tục phục vụ sản xuất, phục vụ con người, chứ không bỏ đi hoặc xả ra môi trường. Kết quả thử nghiệm của chúng tôi hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn nước xả ra môi trường, do các cơ quan chức năng quy định như: Bộ TN&MT, Bộ Y tế... Thậm chí, nước thải sau khi chúng tôi xử lý đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, là nước sinh hoạt có thể sử dụng được trong sản xuất và đời sống...

 

PV: Dự án xây dựng 100 nhà máy trên cả nước, với tổng số vốn 10.000 tỷ đồng, ông có thể cho biết cơ sở tài chính, nguồn nhân lực để bảo đảm khả thi cho việc thực hiện đầu tư trên thành hiện thực?
 

Ông Huỳnh Uy Dũng:Về nhân lực cũng như về năng lực tài chính, chúng tôi đã chuẩn bị và có sự tính toán rất chặt chẽ. Nhân lực cho mỗi nhà máy sẽ sử dụng người tại các địa phương – nơi đặt nhà máy, là chủ yếu. Mỗi nhà máy sẽ trở thành trường học, trung tâm đào tạo, thực hành... Phần lớn, chúng tôi sử dụng vốn tự có, vốn từ cổ đông và vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, vốn vay ngân hàng sẽ không quá 500 tỷ đồng.

 

PV: Vì sao ông lại chuyển sang đầu tư xử lý nước thải, bảo vệ môi trường – lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với ông, vốn chỉ quen với đầu tư khu công nghiệp, bất động sản, du lịch... từ hơn 30 năm nay?
 

Ông Huỳnh Uy Dũng: Tôi đã làm doanh nghiệp hơn 30 năm; nay đã gần 60 tuổi. Giống như định mệnh, tôi muốn từ lúc này, giao dần các mảng kinh doanh khu công nghiệp, bất động sản, du lịch, trường đua... sang cho anh em khác quản lý, để kể từ nay, dồn toàn bộ trí lực cho việc lĩnh vực mới này là xử lý nước thải, bảo vệ môi trường...
 

Tôi có nguyên tắc, không tiết lộ những bí kíp của mình, mà giữ kín cho đến ngày khánh thành nhà máy đầu tiên. Dĩ nhiên, trước khi khánh thành nhà máy, chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ, kiểm tra kỹ lưỡng các kết quả từ Viện Pasteur, cũng như các cơ quan chức năng khác và đạt tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế. Tôi muốn ngày khánh thành, mọi người đến để tận mắt chứng kiến cái tôi đã làm đúng như những gì tôi nói hay không. Bởi bao năm nay, tôi là con người hành động, tôi đã nói thì tôi phải làm và làm cho bằng được. Cái gì không ai làm, thì mình làm. Càng khó bao nhiêu, càng kích thích bộ não tôi lao vào làm. Thời điểm này, việc xử lý nước thải, bảo vệ môi trường, tôi coi như một bổn phận, trách nhiệm; để tới khi nhắm mắt lìa đời, tôi có thể nở nụ cười mãn nguyện và sống có ý nghĩa với đời.


PV: Trân trọng cảm ơn ông!