Quảng Nam: Nguồn giống cây dược liệu sẽ được gắn mã số riêng

Sức khỏe - Ngày đăng : 12:41, 24/09/2018

(TN&MT) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Quyết định số 2788 /QĐ-UBND quy định tạm thời Quy chế khai thác, sử dụng nguồn gen; đánh giá, công nhận; sản xuất, kinh doanh; quản lý chất lượng giống cây dược liệu đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giống cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Sâm Ngọc Linh giống 1 năm tuổi được ươm tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Sâm Ngọc Linh giống 1 năm tuổi được ươm tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam

Nội dung Quy chế nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nguồn giống; trình tự, thủ tục công nhận nguồn giống; phương án quản lý nguồn giống cây dược liệu đã được công nhận; huỷ bỏ chứng chỉ công nhận nguồn giống.

Đồng thời, Quy chế cũng nêu rõ, thời hạn của giấy chứng chỉ công nhận các loại nguồn giống do tỉnh Quảng Nam công nhận là: 5 năm đối với cây mọc nhanh, 7 năm đối với cây mọc chậm, kể từ ngày có quyết định công nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam.

Sau thời hạn quy định, các nguồn giống phải được đánh giá lại và cấp chứng chỉ mới, nếu đạt yêu cầu đảm bảo nguồn giống luôn đạt chất lượng di truyền sau quá trình sử dụng và tác động kỹ thuật. Mỗi nguồn giống được công nhận sẽ có mã số riêng. Các loại nguồn giống cây dược liệu phải đăng ký và được cấp chứng chỉ công nhận mới được phép đưa vào sản xuất, kinh doanh.

Về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây dược liệu quy định: tổ chức, cá nhân chỉ được phép sản xuất, kinh doanh các loại giống dược liệu được nhân giống từ những loài thực vật được cơ quan có thẩm quyền công nhận có giá trị dược liệu. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây dược liệu phải bảo đảm chất lượng giống theo đăng ký và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng giống do mình sản xuất, kinh doanh.

Chủ cung ứng giống cây dược liệu trong quá trình sản xuất giống phải có sổ nhật ký ghi chép các công đoạn sản xuất giống. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về lĩnh vực giống cây trồng, có địa điểm sản xuất giống cây dược liệu và có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với quy trình kỹ thuật sản xuất từng loại giống.

Có hoặc thuê nhân viên kỹ thuật đã được đào tạo về kỹ thuật Trồng trọt, bảo vệ thực vật (có trình độ từ trung cấp trở lên). Cây giống dược liệu đưa vào sản xuất, kinh doanh phải được nhân từ nguồn giống được cấp có thẩm quyền công nhận. Có hồ sơ hợp pháp trong việc mua bán vật liệu giống để sản xuất giống và phải được ghi nhãn theo quy định.

Đối với các loại cây dược liệu chưa có tiêu chuẩn quốc gia, cơ sở sản xuất giống phải căn cứ vào tiêu chuẩn cây giống do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành trong các Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cây dược liệu.

Đối với cây dược liệu mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa ban hành Hướng dẫn thì cơ sở sản xuất giống tự xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở (trình tự và thủ tục thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 21/2007/TT-BKHCN ngày 28/9/2007), đảm bảo đúng giống, sạch sâu bệnh hại; có hồ sơ chứng minh nguồn gốc rõ ràng và phải chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn đã công bố.

Hạt giống cây dược liệu để sản xuất, kinh doanh phải có nhãn trên bao bì, cây con để sản xuất, kinh doanh phải có lý lịch giống. Nội dung ghi trên bao bì và lý lịch giống gồm: Tên và địa chỉ của chủ cung ứng giống (cơ sở sản xuất kinh doanh); tên khoa học, tên Việt Nam và tên địa phương (nếu có) của giống; nguồn gốc của giống và chỉ tiêu chất lượng giống; ngày, tháng, năm sản xuất và thời hạn sử dụng giống; hướng dẫn bảo quản và sử dụng giống (đối với giống cây trồng có bao bì).