Bình Định: Di dời hơn 1.200 hộ sống vùng nguy hiểm vào các khu tái định cư
Sức khỏe - Ngày đăng : 23:55, 26/07/2018
Xin ông cho biết kết quả thực hiện các dự án tái định cư di dân vùng sạt lở nguy hiểm ở tỉnh Bình Định đến thời điểm hiện nay?
Ông Phan Thành Giản: Đến nay, toàn tỉnh Bình Định có tất cả 19 dự án tái định cư (TĐC) di dân vùng sạt lở, triều cường được triển khai xây dựng, với tổng quỹ đất ở được quy hoạch hơn 85ha, đảm bảo bố trí cho hơn 2.500 hộ gia đình. Đến nay, đã có 18 khu TĐC tập trung đã hoàn thành công tác xây dựng hạ tầng. Vào thời điểm hiện tại, Chi cục đã phối hợp cùng với các địa phương tổ chức TĐC cho 1.223 hộ dân sống ở vùng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai.
Theo kế hoạch, trong năm nay, các địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục di dời 154 hộ dân tại các vùng sạt lở nguy hiểm trước khi mùa mưa lũ đến và hiện đã di dời được 17 hộ. Tổng kinh phí hỗ trợ di dời dân cư vùng sạt lở trong năm 2018 dự kiến gần 05 tỉ đồng.
Cuộc sống của người dân ở các điểm tái định cư, hiện ra sao?
Ông Phan Thành Giản: Qua theo dõi, tôi nhận thấy đời sống của người dân ở các khu TĐC những năm qua khá ổn định; vệ sinh môi trường nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ người dân không còn phải sống trong tình trạng lo lắng như trước; người dân đã có thể yên tâm lao động sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít hộ gia đình vì điều kiện kinh tế khó khăn nên nhà ở xây dựng chưa kiên cố, thu nhập còn bấp bênh cần phải có sự trợ giúp của chính quyền và cộng đồng.
Sau nhiều năm triển khai công tác tái định cư di dân vùng sạt lở, triều cường, ông thấy đâu là thuận lợi và khó khăn?
Ông Phan Thành Giản: Điều thuận lợi mà tôi thấy được đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh Bình Định và sự phối hợp của các sở, ngành liên quan của tỉnh cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh khi đã xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các khu TĐC dân vùng thiên tai, đáp ứng yêu cầu tối thiếu cho người dân TĐC sinh sống. Nhân dân sống ở vùng thiên tai đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện tốt nhất để chính quyền xây dựng hoàn thành các khu TĐC nhằm sớm di dời dân khỏi vùng nguy hiểm. Chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, công khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; cấp phát tiền hỗ trợ của Nhà nước, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời giúp người dân sớm ổn định cuộc sống nơi TĐC.
Tôi cũng rất mừng khi chính quyền địa phương thấy được những khó khăn của người dân về việc làm và thu nhập khi di chuyển chỗ ở, nên họ đã chủ động lựa chọn, bố trí các khu TĐC tại khu vực an toàn và gần khu vực lao động, sản xuất cũ; qua đó không làm xáo trộn quá nhiều đến đời sống của người dân. Bên cạnh mặt thuận lợi, tôi cũng nhận thấy công tác này gặp nhiều khó khăn. Trước tiên đó là nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ có hạn, vốn đối ứng của địa phương có lúc, có nơi khó khăn nên có một số dự án do thiếu vốn hoặc cấp vốn chậm dẫn đến thời gian thi công kéo dài, có dự án kéo dài 4 - 5 năm mới hoàn thành.
Một số dự án do người dân không chấp hành công tác giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho địa phương không thể xây dựng các kết cấu hạ tầng của dự án, làm chậm tiến độ, thậm chí dừng thi công. Mức hỗ trợ của Nhà nước trực tiếp cho các hộ TĐC còn thấp nên hộ có khả năng tài chính hạn hẹp, chưa đủ điều kiện để di dời đến các khu TĐC cùng một lúc. Mặt khác, một số hộ dân còn chủ quan, chỉ thấy được những thuận lợi trước mắt như nhà ở kiên cố, thuận tiện trong lao động sản xuất, mức độ bị ảnh hưởng do thiên tai không lớn nên chậm hoặc không muốn di, dời đến các khu TĐC.
Ở các vùng ven biển tỉnh Bình Định hiện còn nhiều khu dân cư bị sạt lở nguy hiểm, thường xuyên bị sóng biển đe dọa hoặc bị nước lũ chia cắt, ngập lụt sâu. Chi cục đã có phương án gì để giải quyết vấn đề này; đặc biệt là trước mùa mưa lũ năm nay?
Ông Phan Thành Giản: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Định còn một số nơi có nguy cơ bị thiên tai do bão, triều cường, lũ lụt ngập sâu chưa xây dựng được các khu TĐC. Ước tính toàn tỉnh hiện còn gần 1.300 hộ dân nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm cần lên phương án để tiếp tục di dời trong các năm đến.
Hiện nay, Chi cục đã phối hợp Chi cục Thủy lợi tham mưu cho Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để xây dựng các khu TĐC tập trung hoặc xây dựng phương án TĐC xen ghép cho người dân cho từng địa phương, theo số lượng hộ cần phải di dời khỏi nơi ở cũ. Đồng thời, Chi cục đang đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, kịp thời bố trí TĐC cho dân vùng thiên tai.
Trước mùa mưa bão năm nay, Chi cục đã yêu cầu, hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án sơ tán dân chưa TĐC còn ở tại các vùng có nguy cơ bị thiên tai khi có bão, lũ, triều cường xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân. Chi cục cũng tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương, các ban, ngành, hội-đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, tập huấn chính sách di dời dân; hỗ trợ kinh phí di dời, vận động nhân dân sớm di dời đến các địa điểm TĐC; chủ động lập phương án di dời dân đến nơi an toàn mỗi khi có thiên tai bão lụt xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ", gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư - phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Xin cảm ơn ông!