TP.HCM: Cần nguồn vốn “khủng” để giải quyết ngập nước

Sức khỏe - Ngày đăng : 20:37, 05/06/2018

(TN&MT) - Nhiều năm qua, tình trạng ngập nước luôn là vấn đề “đau đầu” của chính quyền và nhân dân TP.HCM. Thực trạng này không những gây thiệt hại cho nền kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và làm giảm sự hấp dẫn của môi trường đầu tư. Ngoài yếu tố khách quan là do biến đổi khí hậu, thì việc quy hoạch, xây dựng và quản lý hệ thống thoát nước còn hạn chế, đã dẫn đến tình trạng ngập úng nặng.  
 
ngap 1


Tắc nghẽn do kênh, rạch bị lấp

TP.HCM có hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, mật độ dày đặc, với tổng số kênh rạch là 2.953 tuyến có tổng chiều dài là 4.369km, có vai trò quan trọng trong hoạt động giao thông thủy, tiêu thoát nước nhằm hạn chế ngập úng. Phía thượng lưu TP.HCM có rất nhiều hồ chứa đã được xây dựng với các mục đích khác nhau. Hai hồ chứa lớn được xây dựng cho phục vụ thủy lợi và phòng lũ là Dầu Tiếng (dung tích 1.580 triệu m3) và Phước Hòa (dung tích 33,75 triệu m3).

Sông Sài Gòn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của TP.HCM, đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước mưa và nước thải cho vùng phía Bắc và trung tâm TP. Sông Đồng Nai (đoạn hạ lưu gọi là sông Nhà Bè) giữ vị trí chính trong việc tiêu thoát nước vùng phía Nam. Bên cạnh các tuyến sông chính, hệ thống kênh rạch chằng chịt đóng vai trò rất lớn trong việc tiêu thoát nước cho TP với 4 trục tiêu thoát nước chính: Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên; Tàu Hủ - Bến Nghé – Kênh Đôi – Kênh Tẻ; Nhiêu Lộc – Thị Nghè; Tân Hóa – Lò Gốm, có tổng chiều dài khoảng 60,3km. Trong tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và mực nước biển dâng như hiện nay, với hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt như trên, TP.HCM cũng phải đối mặt với nguy cơ ngập do triều cường.

Quy hoạch cũ của đô thị Sài Gòn trước đây (trước năm 1975) với quy mô dân số khoảng 2 triệu người, do đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng được quy hoạch và thiết kế tương ứng với quy mô dân số nêu trên, trong đó có hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, sau hơn 40 năm giải phóng, hiện nay dân số của TP.HCM đã gần 14 triệu người, dẫn đến lượng nước thải cũng tăng lên nhiều lần. Tuy nhiên, hệ thống cống thoát nước chưa được đầu tư, cải tạo kịp thời, nên không đáp ứng được nhu cầu thoát nước.

Hệ thống thoát nước của TP chủ yếu thông qua hệ thống sông, kênh, rạch, tuy nhiên trong thời gian qua, do điều kiện ngân sách còn khó khăn, nên hầu hết hệ thống sông, kênh, rạch chưa được đầu tư nạo vét, gây bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy, cửa xả làm hạn chế khả năng thoát nước. Trong những năm gần đây, TP.HCM đã cố gắng tập trung, thực hiện bằng nhiều giải pháp và huy động nhiều nguồn lực nhưng chỉ mới nạo vét được 60,3km/4.369km (chiếm 1,38%) trên 4 trục tiêu thoát nước chính. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, cùng với công tác quản lý đô thị còn lỏng lẻo nên một số dự án có xảy ra tình trạng san lấp rạch để xây dựng các công trình nhưng không xây dựng hồ điều tiết bù lại diện tích đã san lấp theo quy định, làm các khu vực trữ nước tự nhiên bị thu hẹp. Mặc khác, tình trạng bê tông hóa hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ ngày càng cao, dẫn đến khả năng điều tiết nước giảm, diện tích thẩm thấu thoát nước tự nhiên bị hạn chế.
 

ngap 2


Cái khó bó cái khôn

Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9 (TP.HCM) cho hay, một số tuyến đường chưa có hệ thống thoát nước chiếm 40% tổng số tuyến đường trên địa bàn quận, dẫn đến tình trạng ngập cục bộ. Tình trạng ngập ở quận 9 chủ yếu là ngập do mưa, thoát nước không kịp. Trước đây, khi có đất nông nghiệp thì thoát nước mặt nhưng do tốc độ đô thị hóa nên thoát không kịp. Hiện nay quận 9 còn 4 điểm ngập cục bộ. Ở quận 9, do các tuyến đường chính như Lê Văn Việt, Nguyễn Xiển, Hoàng Hữu Nam… chưa có cống thoát nước nên nếu các tuyến nhánh có làm hệ thống thoát nước thì cũng không biết thoát đi đâu. Đối với điểm ngập đường Đỗ Xuân Hợp có dự án do Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP.HCM (Trung tâm chống ngập) làm chủ đầu tư, do chưa kết nối hợp lý với các tuyến đường xung quanh nên vẫn ngập.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập cho biết, thời gian qua, Trung tâm tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm TP và một phần của 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam) trong phạm vi 550 km2 với khoảng 6,5 triệu dân. Đồng thời cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường TP. Đến nay đã giải quyết 13/17 tuyến đường ngập nước do mưa, 23/23 tuyến đường ngập nước do triều cường, 179/179 tuyến hẻm và 9 tuyến đường ngập nước do triều cường; xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải. Cụ thể, trong năm 2016 và 2017 đã giải quyết được 15 tuyến đường trục chính ngập do mưa gồm: Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, Quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh), An Dương Vương (từ cầu Mỹ Thuận đến bến Phú Định), Gò Dầu, Lê Thành Phương, Mai Hắc Đế, Lương Văn Can, Hậu Giang, Lê Quang Sung, Cao Văn Lầu, Mai Xuân Thưởng, Hồng Bàng, Tân Hương, Gò Dưa.

Năm 2018 đang triển khai các dự án để giải quyết 7 tuyến đường trục chính ngập do mưa gồm: Mễ Cốc 2, Lưu Hữu Phước 2, Lương Định Của, Tôn Thất Hiệp, Hồ Văn Tư, Trương Vĩnh Ký, An Dương Vương (từ Tân Hòa Đông đến Bà Hom). Như vậy, đến giữa nhiệm kỳ đã giải quyết được 22/37 tuyến đường ngập, đạt 59,46% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, chủ đầu tư các dự án giải quyết 15 điểm ngập còn lại đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của TP.HCM, do vậy nguồn vốn chi cho lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn hạn hẹp dần trong khi nhu cầu thực tế rất lớn. Hiện Trung tâm chống ngập đang triển khai bước chuẩn bị đầu tư xây dựng 3 hồ điều tiết; xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc để hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục kiểm soát triều của dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (gịai đoạn 1); xây dựng 2 cống Vàm Thuật, rạch Nước Lên dự kiến sử dụng nguồn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á; xây dựng 12 km đê bao xung yếu thuộc bờ tả sông Sài Gòn; chuẩn bị đầu tư 4 dự án cải tạo trục tiêu thoát nước chính bà Tiếng, bà Lớn, Xóm Củi, Lung Mân.

Tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016-2020 là 96.329 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách TP.HCM 6.338 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Trung ương nguồn SCIC (đang xin chuyển nguồn từ vốn Trung ương về ngân sách TP, mới được bố trí 30 tỷ đồng chuẩn bị đầu tư) là 10.000 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Trung ương là 588 tỷ đồng; nguồn vốn xã hội hóa là 21.865 tỷ đồng và nguồn vốn ODA là 57.518 tỷ đồng (đang tìm nguồn tài trợ). Nguồn vốn thực hiện các dự án thuộc quy hoạch tổng thể thoát nước TP.HCM đến năm 2020 (Quy hoạch 752) là 52.897 tỷ đồng gồm các dự án: xây dựng 3 hồ điều tiết; xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước giải quyết ngập do mưa (65 dự án và 2 chương trình); cải tạo rạch Xuyên Tâm; xây dựng nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao; quản lý rủi ro ngập khu vực TP. Nguồn vốn thực hiện các dự án thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP (Quy hoạch 1547) là 20.482 tỷ đồng gồm các dự án: giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (PPP-BT); bờ tả sông Sài Gòn; cống kiểm soát triều sông Kinh; nạo vét cải tạo 8 trục tiêu thoát nước chính. Tổng cộng còn thiếu (Quy hoạch 752 và Quy hoạch 1547) là 46.527 tỷ đồng.

Trung tâm chống ngập kiến nghị, UBND TP.HCM thông qua kế hoạch đầu tư các tuyến đường, hẻm (do UBND quận - huyện quản lý), hệ thống sông, kênh rạch kết nối đồng bộ với dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1); kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo UBND các quận, huyện quản lý có hiệu quả, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, san lấp kênh rạch trái phép làm giảm năng lực tiêu thoát và trữ nước mưa, thường xuyên nạo vét thông thoáng kênh rạch thoát nước; sớm thống nhất về các quy phạm kỹ thuật có liên quan pháp lý (chỉ giới sông, kênh rạch, mép bờ cao...) để tiến hành giải tỏa tình trạng lấn chiếm…