Nhiều chung cư ở Bình Định còn thờ ơ với bảo hiểm cháy nổ
Sức khỏe - Ngày đăng : 00:55, 17/04/2018
Thờ ơ, rối rắm
Theo Cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có 3 khu chung cư (KCC) đã đi vào hoạt động. Đó là các chung cư Long Thịnh (478 căn hộ, phường Ghềnh Ráng), Hoàng Anh Gia Lai (265 căn hộ, phường Hải Cảng) và Simona Home (237 căn hộ, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn). Riêng KCC số 08 đường Trần Bình Trọng (TP Quy Nhơn) gồm 3 dãy nhà xây dựng từ năm 1986 đang trong tình trạng nguy hiểm cấp độ C. Sau nhiều năm không được sử dụng sửa chữa, bảo trì, KCC này hiện xuống cấp nặng; tường trần bong tróc lớp vữa mảng lớn, cột bê tông lòi sắt rỉ thép; nhà ẩm thấp, mất vệ sinh. Hệ thống điện, nước đã hư hỏng; người sử dụng sửa chữa, bố trí đan chéo, dày đặc, có nguy cơ cháy nổ cao, không an toàn. UBND tỉnh đang có chủ trương di dời cư dân ở KCC này để xây dựng lại.
Đại tá Phạm Đình Trung, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Định, nhận xét: Dù có quy định từ rất lâu nhưng cả chủ đầu tư, ban quản trị và cư dân còn thờ ơ với bảo hiểm cháy nổ. Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, đến nay, chỉ có KCC Hoàng Anh Gia Lai đã mua bảo hiểm cháy nổ, song chủ đầu tư công trình này chỉ mua bảo hiểm cháy nổ cho 4 cầu thang máy của tòa nhà với thời hạn tới hết tháng 5.2018. 2 KCC còn lại tuy lắp đặt đầy đủ các thiết bị phòng chống cháy nổ và đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng, song đến nay, chủ đầu tư, ban quản trị vẫn chưa mua bảo hiểm cháy nổ cho công trình. Cư dân sinh sống ở các KCC còn lơ mơ với quy định, điều kiện để mua được bảo hiểm cháy nổ cho phần diện tích căn hộ.
Về điều này, ông Nguyễn Phúc Nguyên, Trưởng ban quản trị chung cư Hoàng Anh Gia Lai, lý giải: Ban quản trị KCC nhiệm kỳ 2 được thành lập hơn 1 năm với 10 thành viên tham gia, nhưng lần nào tổ chức họp để bàn phương án bảo trì, sửa chữa hệ thống PCCC cũng không đủ người tham dự. Điều này khiến công tác triển khai các kế hoạch của Ban quản trị trong việc quản lý vận hành gặp khó khăn, trở ngại. Ban vừa có văn bản gửi UBND TP Quy Nhơn để xin ý kiến về việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư bất thường để lấy ý kiến cư dân về thực hiện bảo trì tòa nhà, đồng thời, bàn bạc, tham khảo ý kiến cư dân xung quanh quy định mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc để triển khai. “Chúng tôi cũng kiến nghị Sở Xây dựng chỉ định đơn vị quản lý vận hành có pháp nhân và năng lực để thay thế Ban quản trị hiện có vì chúng tôi không có pháp nhân, năng lực để vận hành. Trường hợp xảy ra sự cố cháy nổ thì hậu quả để lại khó lường. Do vậy, chúng tôi cảm thấy lo về vấn đề này”, ông Nguyên nói.
Chủ đầu tư KCC Long Thịnh tỏ ra mơ hồ khi được hỏi về quy định mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho công trình. “Việc công trình đã mua bảo hiểm cháy nổ hay chưa thuộc về thẩm quyền của tổng công ty. Chi nhánh ở Quy Nhơn chỉ là bộ phận điều hành chung cư. Tôi sẽ cho bộ phận có liên quan kiểm tra và trả lời sau (!?)”, ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc Chi nhánh Fico Bình Định thuộc Công ty CP Ðầu tư và Kinh doanh vật liệu xây dựng Fico, cho biết.
Dễ dàng mua bảo hiểm cháy nổ
Ông Trần Văn Đức, Phó Trưởng phòng Bảo hiểm hàng hải, cháy kỹ thuật Công ty Bảo việt Bình Định, cho hay, điều kiện để mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc khá dễ dàng. Chủ cơ sở chỉ cần cung cấp biên bản kiểm tra PCCC, giấy yêu cầu mua bảo hiểm và giấy chứng nhận danh mục tài sản cho doanh nghiệp bán bảo hiểm.
Tuy vậy, thực tế từ trước đến nay, tại tỉnh Bình Định chưa có chủ đầu tư, ban quản trị của các KCC liên hệ Công ty Bảo việt Bình Định để mua bảo hiểm cháy nổ. Theo ông Đức, việc mua bảo hiểm cháy nổ là giải pháp tốt nhất giúp các chủ cơ sở bảo vệ tài sản, đồng thời, phòng ngừa, giảm thiểu tổn thất nếu chẳng may có sự cố cháy xảy ra. Thế nhưng, nhận thức về tầm quan trọng, lợi ích mang lại từ việc mua bảo hiểm cháy nổ đối với chủ cơ sở còn hạn chế. Mặc dù, công tác truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn về mua bảo hiểm cháy nổ đã được doanh nghiệp bán bảo hiểm phổ biến sâu rộng.
Ông Đức cũng cho biết thêm: Điểm mới của Nghị định 23 sắp có hiệu lực thi hành so với các văn bản trước là kiên định nguyên tắc bán bảo hiểm phải đúng quy định. Cụ thể, doanh nghiệp bán bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nếu cơ sở đó chưa được nghiệm thu về PCCC theo quy định pháp luật. Cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về PCCC của Cảnh sát PC&CC hoặc biên bản kiểm tra đã quá 1 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ.
Không mua bảo hiểm sẽ bị xử phạt
Nghị định 23/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 23.2.2018 về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc quy định rõ: Toàn toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị. Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm) phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Đại tá Phạm Đình Trung, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Định, khẳng định: “Theo quy định phải mua bảo hiểm cho cả tòa nhà và các công trình, thiết bị kèm theo. Vì vậy, những công trình có nguy cơ cháy nổ không mua bảo hiểm hoặc mua không đầy đủ như trên sẽ bị xử phạt. Chúng tôi đang kiến nghị các chủ đầu tư, ban quản trị các KCC trong tỉnh cần sớm hoàn thiện thủ tục để mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định của Chính phủ”.