Chân gà tẩm ướp hóa chất: Mối nguy khó lường cho sức khỏe của người tiêu dùng

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:15, 06/02/2018

Tại thị trường TP.HCM, từ các chợ truyền thống cho tới siêu thị, xuất hiện tình trạng bày bán chân gà tràn lan. Nơi được tiêu thụ nhiều nhất có lẽ vẫn là các...
Tại thị trường TP.HCM, từ các chợ truyền thống cho tới siêu thị, xuất hiện tình trạng bày bán chân gà tràn lan. Nơi được tiêu thụ nhiều nhất có lẽ vẫn là các quán nhậu, bởi cánh mày râu xem đây là món khoái khẩu.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng để có chân gà to, đều, trắng và hấp dẫn, người ta đã phù phép, “chế” nó, qua nhiều công đoạn khó tưởng tượng.

Chuộng hàng nhập… giá rẻ

Ghi nhận của PV CL&XH tại các điểm bán chân gà hoặc cung cấp nhiều cho các quán nhậu, hàng chính được lấy từ các chợ đầu mối. Ngoài ra, một nguồn cung khác chính là nhập khẩu từ các nước như Brazil, Hàn Quốc, Mỹ... Tùy vào loại chân gà và nguồn gốc của nó mà có giá khác nhau. Trong vai một người đang cần nguồn cung chân gà để đưa vào những quán nhậu trong các khu công nghiệp tại TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương, PV nhận được những lời chào hàng và “bí kíp bảo quản” chân gà hết sức “độc”.
1
Người tiêu dùng Việt Nam đang “ớn lạnh” với chân gà “lâu năm” từ Trung Quốc
Một đầu mối chuyên cung cấp chân gà nhập khẩu tên Trung tại quận Tân Bình cho biết hiện nay khách hàng chuộng nhất chân gà Mỹ. Theo báo giá của Trung, chân gà của Mỹ giá 35 ngàn đồng/kg loại lớn và 32 ngàn đồng loại nhỏ. Khi được PV hỏi: “Có cách gì để bảo quản được lâu hay không, phòng khi tiêu thụ ế ẩm?”. Trung cho biết: “Anh phải có một kho lạnh để bảo quản”. PV hỏi thêm: “Có cần thêm gì nữa không?”. Trung nói: “Cần gì anh cứ ra chợ Kim Biên (quận 6), hỏi người ta mua chất bảo quản cho thịt đông lạnh, thể nào cũng có?”.

Để tìm hiểu thực hư chuyện này, PV ra chợ Kim Biên hỏi về chất tẩy. Tại sạp bán của bà N. có vô số loại chất tẩy khác nhau. Bà N. cho biết nếu tẩy trắng chân gà, thịt gà... chỉ cần mua loại nước tẩy đựng trong can màu vàng là được. PV hỏi: "Vậy nước tẩy này do nước nào sản xuất?”. Bà N. cho biết: “Giờ chỉ có nước tẩy của Việt Nam và Trung Quốc, cái nào cũng tốt, tẩy nhanh lắm”. Với giá hơn 100 ngàn đồng cho loại can 51, bà N. nói có thể thoải mái tẩy cả tạ chân gà.

Tiếp đó, PV đến một số chợ đầu mối như Thủ Đức (quận Thủ Đức) và chợ Bình Điền (huyện Bình Chánh) thì hầu hết lượng chân gà tại các sạp bỏ mối chủ yếu vẫn là hàng nhập. “Chân gà nội cũng có nhiều, tuy nhiên giá cao hơn (khoảng 40 - 50%) nên nhiều người mua chân gà ngoại có giá rẻ hơn. Họ lấy chủ yếu đưa vào các nhà hàng, quán nhậu, các suất ăn công nghiệp... cho nên cần loại giá rẻ, chứ không phải là thiếu chân gà Việt”, bà Nguyễn Thị Hoa, một đầu mối cung cấp chân gà ở chợ đầu mối Bình Điền cho biết.

Ngâm nước tăng trọng lượng

Theo một dân trong nghề từng làm mặt hàng này tiết lộ, tất cả các lô hàng nhập về đều phải chế biến lại, nhất là các lô hàng bị mốc, bốc mùi. Trước đây, có rất nhiều lô hàng chân gà nhập về bị mốc xanh mốc đỏ, chủ cơ sở kêu công nhân đưa vào một cái bồn nước (xây bằng xi măng), sau đó đổ một ly nước màu trắng vào rồi dùng chân (có mang ủng) đạp hoặc lấy một cái cào cào đi cào lại, ngâm trong khoảng 1 - 2 tiếng đồng hồ thì vớt ra. Lúc này, chân gà sẽ sạch và trắng tươi.

Các chủ sạp cung cấp hàng sỉ tại các chợ cho hay hiện nay hàng nhập về chủ yếu là Mỹ, Brazil, Đan Mạch... và nếu hàng bán chậm thì có thể bảo quản, không sao hết, miễn là bảo quản trong tủ đông có nhiệt độ dưới âm 18°C là được.

Thông tin từ Tổng cục Hải quan, mỗi năm, Việt Nam nhập khoảng 200 tấn chân gà đông lạnh qua đường chính ngạch từ nhiều quốc gia trên thế giới. Thực chất thì số này nhiều hơn, bởi còn có hàng trăm, thậm chí là cả ngàn tấn chân gà không rõ nguồn gốc được tuôn vào Việt Nam bằng con đuờng nhập lậu.

Mới đây, trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh này đã phát hiện ô tô tải BKS 75C - 023.74 do Nguyễn Hữu Cường (trú tại TP. Huế) điều khiển, vi phạm luật giao thông. Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe chở nhiều thực phẩm đông lạnh, không rõ nguồn gốc. Đó là 40 hộp chân và đùi gà đông lạnh với khối lượng khoảng 600kg, nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Cường cho biết số hàng này là chở thuê cho một phụ nữ tên Lương ở TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), theo lộ trình từ TP. Huế ra Quảng Bình để tiêu thụ. Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc được các cơ quan chức năng khám phá trong thời gian qua.

Theo những người thạo công nghệ “chế” này, chân gà đem tẩy trắng như được đề cập ở trên mới chỉ là một trong nhiều khâu làm cho nó bắt mắt. Kế đó, họ sẽ cho vào ngâm với chất tạo xốp, giòn và có độ dai, khi ăn vào giống như là chân gà thả vuờn nuôi ở quê vậy. Đặc biệt, các khâu này lại càng phải làm kỹ với chân gà rút xương, vì nếu chân gà ăn bở, mềm nhũn thì khách hàng sẽ chê.

Một chiêu khác của dân bán chân gà là bơm nước vào để tăng trọng lượng. Theo anh N.Y.V., từng là một công nhân chế biến chân gà cho một cơ sở tại quận Tân Phú chuyên cung cấp chân gà trên thị trường TP.HCM (đã bị cơ quan chức năng dẹp cách đây vài năm) thì theo cách này, người ta sẽ nhập chân gà về, sau đó giao cho người làm công dùng ống tiêm để bơm nước vào. Một chân gà sẽ “uống” được khoảng gần 50ml nước, trọng lượng cũng được tăng tương đương chừng đó.

Đặc điểm dễ nhận nhất là chân gà có nước sẽ phồng lên, bốn ngón thẳng ra, trông to và rất bắt mắt. Còn chân gà không có nước thường nhỏ, da bó sát vào xuơng và ngón thường gập lại. Ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc một công ty phân phối thực phẩm đông lạnh tại quận 3, cho biết việc dùng chất bảo quản thực phẩm, trong đó có chân gà bằng cách tẩm ướp hóa chất đang làm méo mó thị trường này.

“Thời gian qua, rộ tin Trung Quốc phát hiện vụ chân gà được lưu giữ nhiều năm nhưng vẫn có thể sử dụng được làm nguời tiêu dùng lo lắng. Tuy nhiên, không vì thế mà người tiêu dùng tẩy chay mặt hàng này, vì còn đó nhiều đơn vị cung cấp sản phẩm này tốt, điển hình là các công ty của Việt Nam. Do vậy, người tiêu dùng hãy chọn và sử dụng các sản phẩm có uy tín, mà tốt nhất là dùng hàng trong nước”, ông Hoài nói.

Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Tấn (cán bộ Hải quan TP. HCM) cho biết: “Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nay Việt Nam nhập rất nhiều chân gà từ nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, số lượng nhập nhiều nhất là từ thị trường Thổ Nhĩ Kỳ với gần 50 tấn/năm, kế đến là Ả Rập Xê Út với khoảng gần 30 tấn/năm; Đan Mạch gần 26 tấn; Mỹ gần 25 tấn. Ngoài ra, chúng ta còn nhập chân gà từ thị trường Đức, Hàn Quốc. Chân gà được tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM”.

Nhiều người cho rằng ăn chân gà thường xuyên sẽ giúp cải thiện sức khỏe vì nó chứa nhiều chất béo và đạm, tuy nhiên bác sỹ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết chân gà không cung cấp nhiều dinh dưỡng như mọi người vẫn nghĩ, bởi nó chỉ có lớp da và mô liên kết chứa một số đạm, tuy nhiên không nhiều. Đó là chưa kể, nếu chân gà không sạch, lại được làm sạch bằng thuốc tẩy hay ngâm tẩm các loại hóa chất, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, ví như có thể gây nhiễm trùng đường ruột, nôn ói...