Miền Trung: Chủ động vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:33, 08/08/2019
Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ca bệnh, ổ dịch SXH theo quy trình của Bộ Y tế. Phối hợp với các địa phương, đơn vị chủ động phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực, cơ quan, đơn vị trường học, bệnh viện, nơi công cộng... có nguy cơ bùng phát cao, hỗ trợ về chuyên môn cho các địa phương trong công tác diệt lăng quăng, bọ gậy và truyền thông phòng chống dịch bệnh.
Tổ chức tốt việc thu dung, phân loại và điều trị bệnh nhân; hạn chế thấp nhất các trường hợp tai biến và tử vong; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực, thuốc, trang thiết bị, hóa chất... kịp thời đáp ứng các tình huống của dịch bệnh.
Trước mắt, khẩn trương tổ chức chiến dịch tổng dọn vệ sinh, ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy vào ngày 11/8 và 25/8, đảm bảo triển khai sâu rộng đến các tổ dân phố. Sau các đợt ra quân, tiếp tục duy trì thường xuyên hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy tại địa phương, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch SXH cao.
Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học tổ chức tổng dọn vệ sinh môi trường trong và ngoài khu vực trường học, đặc biệt vào thời điểm trước khi bắt đầu năm học mới.
Các sở ngành, đoàn thể phối hợp với ngành y tế, UBND các quận, huyện triển khai các hoạt động phòng chống bệnh SXH để ứng phó một cách hiệu quả nhất, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Từ đầu năm đến nay, TP. Đà Nẵng ghi nhận gần 3.500 trường hợp mắc SXH, tăng 2,7 lần so với năm 2018. Theo đánh giá của ngành y tế, năm nay diễn biến của bệnh SXH rất phức tạp, không theo chu kỳ cố định như các năm.
Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong việc phòng, chống SXH. Trước mắt, thành phố sẽ tiến hành chiến dịch cao điểm về phòng chống SXH vào các ngày chủ nhật (11 và 25/8), huy động toàn bộ lực lượng phun thuốc, dọn vệ sinh môi trường.
Hiện nay, Quảng Nam đang xếp thứ 6 trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên về SXH. Hầu hết, ở các huyện đều có người bị mắc SXH. Trong đó ở thị xã Điện Bàn số ca mắc SXH lên đến hơn 230 ca.
Theo ngành y tế, nguyên nhân khiến ca bệnh SXH tăng cao là do thời tiết và chu kỳ dịch SXH. Theo đó, khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11 trong năm là thời điểm dễ bùng phát của dịch bệnh SXH. Với khí hậu ẩm, có mưa bất thường là môi trường thuận lợi để muỗi đẻ trứng và phát triển thành bọ gậy, gây bệnh cho người. Để phòng chống bệnh SXH, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương đã tích cực rà soát, giám sát các ổ dịch. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở y tế tiếp nhận, điều trị các trường hợp mắc bệnh không để xảy ra trường hợp mắc SXH bị tử vong.
Ngoài ra, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam còn phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức truyền thông giáo dục cho người dân diệt loăng quăng, bọ gậy với phương châm “Không có bọ gậy, loăng quăng, không có SXH”.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng vừa có văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường công tác phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn.
Theo đó, các huyện, thành phố phải rà soát đánh giá tình hình công tác phòng, chống bệnh SXH; quyết liệt việc thực hiện các biện pháp phòng, chống như: Đẩy mạnh công tác truyền thông, triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi, đặc biệt tại các công trình xây dựng, nhà trọ…
Tăng cường kiểm tra liên ngành, giám sát các điểm có nguy cơ về dịch bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ, không để dịch lan rộng kéo dài; triển khai mạnh mẽ hoạt động diệt loăng quăng trên địa bàn ngay đầu tháng 8; duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.
Đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho các địa phương, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn chủ động, tích cực phối hợp cùng ngành y tế trong việc triển khai mạnh mẽ Chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy; tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình trong khu vực có ổ dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo quyết liệt và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn.