Bình Định: Lãng phí đất ruộng vì ngập úng
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 18:28, 03/06/2019
Ông Nguyễn Ngọc Nhiên, ở thôn An Hòa 2, xã Phước An phản ánh: Tình trạng ruộng lúa ngập úng nước đã xảy ra từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, hiện tượng này trở nên nghiêm trọng hơn kể từ ngày xã đổ bê tông tuyến đường có tên Nguyễn Bảo nối xóm Phước Chánh, thôn An Hòa 2 và xóm Phước Nghĩa, thôn An Hòa 1.
Theo ông Nhiên, tuyến đường bê tông dài khoảng 1 cây số, chạy song song với cánh đồng, nhưng không được đầu tư, xây dựng hệ thống cống thoát nước. Do vậy, mỗi khi có mưa hoặc nước từ ao cá Bác Hồ đổ về thì cánh đồng gần như ngập sâu trong nước. Nước ngập kéo dài khiến nhiều héc ta đất nông nghiệp phải bỏ hoang hoặc chỉ trồng được rau muống.
“Bà con kiến nghị địa phương nhiều lần cần xây dựng hệ thống mương hoặc cống tiêu thoát nước nhằm khơi thông dòng chảy. Thế nhưng đến nay, nguyện vọng của bà con chưa được giải quyết. Hệ quả, nhiều diện tích đất canh tác lúa không thể sản xuất, trong khi vụ Hè Thu được xem là chính vụ sản xuất”, ông Nhiên bức xúc nói.
Cũng giống như ông Nhiên, vụ Hè Thu 2019, ông N.H.T., ở thôn An Hòa 2 cũng không gieo sạ được trên mảnh ruộng của gia đình. Anh T. - cho biết: “Mùa khô mà ruộng vẫn ngập nước, mùa mưa càng ngập nhiều hơn. Người dân còn khó khăn, không có đất sản xuất mà cứ phải nhìn ruộng đồng bỏ không, lãng phí như vậy. 2 sào ruộng nhà tôi có muốn gieo sạ lúa để ăn mà cũng không được. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên xã nhưng bà con vẫn mòn mỏi chờ, như chờ nước,... tự bốc hơi đi vậy”.
Trực tiếp “thị sát” tình trạng ngập úng tại cánh đồng có tục danh Gò Cây Me, ông Huỳnh Văn Ánh, Giám đốc HTX Nông nghiệp 1 Phước An, nhẩm tính có khoảng 5.000m2 đất nông nghiệp sản xuất lúa ở khu vực này bị ngập úng, không gieo sạ được trong vụ Hè Thu năm nay. Một số diện tích được cho là trồng ra muống do ngập nước thì ông Ánh cho rằng, người dân trồng rau muống để phục vụ chăn nuôi từ nhiều năm trước.
Ông Ánh, lý giải hiện tượng một số diện tích đất nông nghiệp bị ngập úng có phần ảnh hưởng từ quá trình thi công tuyến đường bê tông Nguyễn Bảo. Theo thiết kế, mặt đường bê tông tuyến đường này là 3m, tuy nhiên do hiện trạng con đường cũ không đảm bảo bề rộng, cho nên phải mở rộng. Trong khi nguyên trạng con đường cũ có mương tiêu bằng đất chạy song song với tuyến đường. Việc mở rộng bề ngang mặt đường buộc đơn vị thi công phải lấn sang mương tiêu này. Sau khi tuyến đường được mở rộng, mương tiêu bị lấp.
“Sau khi hoàn thành thi công tuyến đường, chúng tôi kiến nghị xã yêu cầu đơn vị thi công đào mương tiêu thoát nước mới, đồng thời khơi thông một số cống tiêu năng có sẵn bị bùn đất bồi lấp để thoát nước, đảm bảo cho người dân canh tác”, ông Ánh nói.