Điện Biên: Dân kêu trời vì ô nhiễm từ trang trại lợn

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 15/12/2017

(TN&MT) – 2 năm trở lại đây, hàng chục hộ dân sống gần trung tâm xã Thanh An, huyện Điện Biên phải sống chung với ô nhiễm do nước thải, chất thải và khí thải từ trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn. Trang trại này nằm ngay khu dân cư, diện tích hơn 5000m2 ao được người dân thầu để nuôi cá bị ô nhiễm do nước thải được xả trực tiếp vào ao. Điều đáng nói, đây là khu vực đầu nguồn nước của 5 thôn Đông Biên, xã Thanh An nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Nước thải qua túi biogas thải trực tiếp ra hồ khiến diện tích 5000m2 hồ tập thể của xã Thanh An không thể canh tác vì ô nhiễm.
Nước thải qua túi biogas thải trực tiếp ra hồ khiến diện tích 5000m2 hồ tập thể của xã Thanh An không thể canh tác vì ô nhiễm.

Được biết trang trại chăn nuôi lợn này là của gia đình ông Đào Xuân Huyên, người dân thôn Đông Biên 4, xã Thanh An xây dựng đầu năm 2016, với quy mô bình quân khoảng 300 con lợn, thời gian cao điểm lên tới 500 con. Theo người dân, mặc dù chăn nuôi quy mô lớn nhưng hệ thống xử lý chất thải của cơ sở chăn nuôi lợn này lại hết sức sơ sài, không đảm bảo, đã gây ô nhiễm nghiêm trọng và làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, cuộc sống của nhiều gia đình xung quanh.

Bà Bùi Thị Niềm, đội 7, Đông Biên 2, xã Thanh An, bức xúc: “Gia đình tôi thầu hồ này để nuôi cá đến nay đã gần 10 năm. Mỗi năm thu nhập cũng khoảng 30 – 40 triệu đồng. Sau khi thu hoạch xong thì gia đình nộp sản cho xã mỗi năm trên 6 triệu đồng. Từ khi gia đình ông Huyên chăn nuôi lợn rồi xả nước thải ra hồ, nước hồ ô nhiễm đen kịt, khiến cá chết sạch, gia đình tôi đầu tư nhiều nhưng chẳng thu được gì. Tôi có vớt cá chết ra UBND xã Thanh An yêu cầu giải quyết nhưng đến nay cũng không thấy giải quyết hay người ta đền bù cho gia đình tôi. Chúng tôi mất thu nhập đã lành, nhưng hồ là của tập thể, không sử dụng được thì ai chịu nộp sản phẩm cho xã?

Không chỉ gây ô nhiễm trực tiếp cho hồ nuôi cá, nguồn nước sinh hoạt  của các hộ dân cũng đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm vì phần lớn hộ dân ở đây đều sử dụng nước giếng làm nguồn nước sinh hoạt. Nằm gần khu vực hồ nước bị ô nhiễm, giếng nước của gia đình bà Bùi Thị Hoa, thôn Đông Biên 2, gần như trong năm nay đã được đậy nắp kín bởi nước giếng chuyển sang màu xanh đen nhạt, có mùi hôi, tanh không thể sử dụng được. Giờ gia đình bà sử dụng nước giếng khoan sâu hàng chục mét, nhưng chẳng ai biết được liệu nước giếng khoan có bị ảnh hưởng khi nguồn nước đầu nguồn bị ô nhiễm?

Bên cạnh đó, để làm “mát” cho lợn, ông Huyên đã sử dụng quạt công suất lớn để để quạt thông. Điều này khiến cho các gia đình khu vực lân cận chuồng trại chăn nuôi này phải chịu đựng mùi hôi thối và tiếng ồn cả ngày phát ra.

Túi biogas để xử lý chất thải, nước thải.
Túi biogas để xử lý chất thải, nước thải.

Ông Trần Văn Đức, người dân thôn Đông Biên 4, cho biết: “Trước khi anh Huyên xây dựng làm chuồng trại, khu dân cư chúng tôi có can ngăn anh ấy không được làm vì đây là khu vực đông dân cư. Tuy nhiên anh Huyên trả lời: “Đất của cháu, cháu làm, không ai có quyền can thiệp.” Đồng ý là gia đình anh ấy đầu tư chăn nuôi nhưng cũng phải có những biện pháp để đảm bảo tránh ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Chúng tôi đã nhiều lần góp ý kiến bảo gia đình che chắn cẩn thận cũng như xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải nhưng gia đình không chịu khắc phục. Giờ vào ban ngày đã bốc mùi hôi thối, đêm xuống chúng tôi càng không thể chịu được.”

Sau nhiều lần “góp ý” không thành, hơn 20 hộ dân của thôn Đông Biên 3 và Đông Biên 4 đã gửi đơn kiến nghị UBND huyện Điện Biên để có biện pháp xử lý đối với cơ sở này.

Bã thải được cho vào bao chất thành đống ngay gần khu dân cư.
Bã thải được cho vào bao chất thành đống ngay gần khu dân cư.

Sau khi chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuyên môn kiểm tra, xác minh và xem xét báo cáo số 341/BC-TNMT của phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên, ngày 6/10/2017, UBND huyện Điện Biên đã có văn bản yêu cầu ông Đào Xuân Huyên phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm cam kết bảo vệ môi trường tại Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận; khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng phát sinh mùi, tiếng ồn, xả nước thải chưa đảm bảo tiêu chuẩn ra môi trường trước ngày 30/10. Sau ngày 30/10/2017, nếu cơ sở không thực hiện đúng các nội dung đã cam kết thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và bị xử lý theo quy định.

Được biết, sau khi các cơ quan chức năng yêu cầu thì gia đình ông Huyên đã mua túi biogas để xử lý bã thải và nước thải. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, từng đấy là không đủ để khắc phục tình trạng ô nhiễm do cơ sở chăn nuôi này gây ra. Nước thải mặc dù đã qua túi biogas nhưng vẫn xả thẳng vào hồ. Mùi hôi thối thì không hề suy giảm. Người dân vẫn ngày ngày phải hứng chịu cảnh ô nhiễm do cơ sở chăn nuôi này gây ra.

Ông Trần Văn Đức, bức xúc: “Nếu xã không can thiệp thì chúng tôi lên huyện, lên tỉnh. Chứ không thể để trang trại lợn quy mô lớn thế này ngay giữa khu dân cư này. Kính mong các cấp các ngành vào cuộc xử lý để dân chúng tôi bớt khổ.”

Hà Thuận