Phá rừng ở Khu du lịch Tam Đảo: Dưới thừa nhận, trên phủ nhận

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 26/09/2017

(TN&MT) - Thông tin về việc phá rừng thông ở thị trấn Tam Đảo mà UBND huyện Tam Đảo đưa ra khác với ý kiến của UBND thị trấn Tâm Đảo và khác phản ánh của một số...
(TN&MT) - Thông tin về việc phá rừng thông ở thị trấn Tam Đảo mà UBND huyện Tam Đảo đưa ra khác với ý kiến của UBND thị trấn Tâm Đảo và khác phản ánh của một số người dân ở đây.
 
UBND huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) vừa có văn bản phản hồi thông tin mà báo Tài Nguyên & Môi Trường phản ánh về việc chặt phá rừng dự án 327 tại thị trấn Tam Đảo.
 
Theo văn bản, UBND huyện Tam Đảo xác nhận rừng thông 327 nằm ở thị trấn Tam Đảo chứ không ở xã Tam Quan như UBND thị trấn Tam Đảo thông báo trước đó. Thông tin mà UBND huyện Tam Đảo đưa ra khác với nội dung UBND thị trấn Tâm Đảo trả lời đơn thư công dân trước đó và khác nội dung phản ánh của một số người dân ở đây.
 
Nhà chức trách huyện Tam Đảo cho rằng, trong 8ha rừng thông, hơn 2ha có nguồn gốc đất là của các hộ dân đã trồng chè và một số cây khác từ những năm 1960. Năm 1998 người dân hưởng ứng trồng cây theo dự án 327 để hưởng lợi công trồng và chăm sóc.
 
Một hộ gia đình xây nhà phía trên rừng thông với cổng vào hoành tráng.
Một hộ gia đình xây nhà phía trên rừng thông với cổng vào hoành tráng.
 
Theo UBND huyện Tam Đảo, phần lớn đất này của các hộ đều có nguồn gốc khai hoang do bố, mẹ hoặc người thân trong gia đình cho con cháu để canh tác, sản xuất. Nhưng các thửa đất này được khoanh vùng để nhận và giao trồng rừng nằm giáp nhau, trùng với vị trí khoanh vùng dự án.
 
Năm 1999, toàn bộ hơn 2ha đất rừng 327 này đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt phân lô quy hoạch đất ở đô thi thuộc thị trấn Tam Đảo. Trong khu đất này, 4 hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp vào năm 2004 và 2006.
 
Năm 2005, thị trấn làm đường bê tông đi qua một phần rừng thông nên phải chặt hạ gần 1ha, ngoài ra một phần bão lốc gây đổ, một phần người dân khai thác trồng rau.
 
UBND huyện Tam Đảo khẳng định: "Khu vực 2ha rừng 327 trồng từ năm 1998 tại thị trấn Tam Đảo đã được quy hoạch là đất ở vào năm 1999 và ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp 3 loại rừng".
 
Trong khi đó, trong một văn bản trả lời công dân do ông Đỗ Văn Chúc (Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo, nay là Phó Bí thư thị trấn) thừa nhận 1,9ha là bị các hộ phá để trồng su su nhưng đã hết thời hiệu xử phạt hành chính. Lãnh đạo thị trấn còn cho rằng phần lớn rừng nằm trong địa giới hành chính xã Tam Quan.
 
UBND huyện Tam Đảo cũng cho biết, các giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất được lưu trữ tại thị trấn. Tuy nhiên trước đó, khi PV làm việc với ông Trần Quang Thà (Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo) và các cán bộ liên quan, các vị lãnh đạo cán bộ này đã không cung cấp được những tài liệu này.
 
Sự việc mập mờ kéo dài hơn 10 năm khiến người dân nơi đây phải gửi đơn khiếu nại nhiều lần. Vậy nhưng sau khi báo Tài nguyên & Môi trường phản ánh, các cơ quan ban ngành tại địa phương mới vào cuộc và phản hồi thông tin. 
 
Sau khi được PV cho xem ý kiến của UBND huyện Tam Đảo, ông Lưu Văn T. (một người viết đơn tố cáo) cho rằng có nhiều nội dung không đúng thực tế. Ông T. khẳng định ông sống ở thị trấn Tam Đảo hàng chục năm nay và ông biết rõ nhiều việc diễn ra tại địa phương. Ông T. sẽ làm văn bản nói rõ hơn về việc này. 
 
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...
 
Thái Bảo - Gia Đạt