Bài 1: Thiếu năng lực vẫn được cấp dự án

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 11/05/2017

(TN&MT) - Phát triển ồ ạt thủy điện trên các lưu vực sông khiến chất lượng môi trường, lượng phù sa suy giảm nghiêm trọng, các con sông lớn đang bị tận diệt sức sống, diện tích rừng mất đi ngày càng tăng cao. Không dừng lại ở đó, đời sống người dân cũng bị đảo lộn nghiêm trọng. Ấy vậy mà nhiều tỉnh miền núi vẫn cố tình cho các nhà đầu tư kém năng lực phát triển thủy điện.

Tại Cao Bằng, Hà Giang những năm gần đây, việc phát triển thủy điện được ví như “gà đẻ trứng vàng” cho nền kinh tế địa phương. Vì phát triển ồ ạt, thiếu sàng lọc nên đã để xảy ra nhiều sai phạm.

Đua nhau làm thủy điện

Chỉ tính riêng tại tỉnh Cao Bằng, mặc dù, địa phương đã loại bỏ 11 dự án khỏi quy hoạch vào năm 2011 nhưng hiện vẫn còn 40 thủy điện trong quy hoạch với tổng công xuất lắp máy hơn 350 MW, trong đó, quy hoạch thủy điện nhỏ được tỉnh phê duyệt năm 2007 là 24 dự án; Bộ Công Thương phê duyệt, bổ sung điều chỉnh là 10 dự án; 6 dự án thủy điện được tính phê duyệt bổ sung. Đến nay, đã có 12 nhà máy đang vận hành với công suất hơn 70 MW.

Còn tại tỉnh Hà Giang, sau khi cùng Bộ Công Thương rà soát các dự án thủy điện, UBND tỉnh đã loại 27 dự án ra khỏi quy hoạch, đến nay trên địa bàn còn lại 46 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy gần 800 MW. Trong đó, 16 dự án thủy điện đã hoàn thành đã phát điện có công suất gần 400 MW; 12 dự án đang thi công.

Tuy vậy, theo một số chuyên gia, trong quá trình đầu tư phát triển thủy điện ở cả tỉnh Cao Bằng và Hà Giang đã xuất hiện những bất cập như: Công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chưa sát với thực tế, chưa khoa học dẫn đến việc phải thường xuyên điều chỉnh và loại bỏ nhiều dự án ra khỏi quy hoạch. Việc xây dựng nhà máy thủy điện đã chiếm dụng đất nông nghiệp, đất rừng, đồng ruộng để làm hồ. Thủy điện hình thành bậc thang từ thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy, chế độ thủy văn, ảnh hưởng môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây thảm họa cho con người.

Thủy điện Hoa Thám (Cao Bằng)
Thủy điện Hoa Thám (Cao Bằng)

Đặc biệt, năng lực của một số chủ đầu tư còn yếu, việc quản lý hồ sơ thủ tục các dự án còn nhiều thiếu sót, dẫn đến việc triển khai một số dự án còn chậm. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra của ngành còn yếu, các ngành chức năng chưa tham mưu cho UBND tỉnh kiên quyết xử lý kịp thời các lỗi vi phạm của chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn và nhà thầu thi công về bảo đảm chất lượng công trình, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, tiến độ thực hiện dự án...

Hàng loạt sai phạm

Đơn cử như thủy điện Hoa Thám (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) do Công ty Đầu tư và Phát triển năng lượng Đông Bắc làm chủ đầu tư với công xuất 5,8 MW từ năm 2007 và tạm dừng thi công từ tháng 11/2011 đến tháng 12/2014 tiếp tục thi công. Sau đó lại tiếp tục dừng để chấp hành kết luận thanh tra của tỉnh vào năm 2015. Từ năm 2004 đến nay, Công ty này đã thay đổi 8 lần giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và nhiều lần thay đổi lãnh đạo, giám đốc…

Tuy vậy, nhìn vào Kết luận thanh tra số 2435 ngày 3/9/2015 của tỉnh Cao Bằng cho thấy, quá trình chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định của Nhà nước và còn nhiều sai phạm; qua thanh tra phát hiện 26 sai phạm. Trong đó, có sai phạm thuộc diện cấm hoạt động xây dựng là chưa cấp phép xây dựng, xây dựng chưa đúng quy hoạch theo quy định của Luật xây dựng.

“Đây là lỗi do chủ quan nhà đầu tư, xuất phát từ năng lực còn yếu kém hạn chế còn có sự thiếu sót của công tác quản lý Nhà nước đối với dự án”, kết luận chỉ ra.

Bên cạnh đó, việc lập khối lượng các hạng mục công trình thiếu bảng tiên lượng gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng. Đặc biệt, việc thanh toán giải ngân giữa chủ đầu tư với Ngân hàng Phát triển chưa thống nhất về khối lượng thanh toán; thanh toán còn nhiều sai sót, có khối lượng chưa thực hiện nhưng đã nghiệm thu thanh toán. Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và Ngân hàng Phát triển.

Kết luận của UBND tỉnh cũng chỉ ra hàng loạt sự thiếu kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng như UBND huyện Nguyên Bình, Cục Thuế tỉnh Cao Bằng, Chi cục Thuế huyện Nguyên Bình; Sở TN&MT, Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng…

Còn tại Thủy điện Bản Kiếng (Vị Xuyên, Hà Giang) của Công ty Cổ phần đầu tư nông lâm Tôn Thọ được khởi công từ năm 2006, dự án này hiện đang dừng thi công với một số hạng mục phụ trợ dở dang như: nâng cấp mở đường lên hồ thủy điện dài 5 Km vì đã xuất cấp không sử dụng được; xây dựng đường dây tải điện 35 KV và trạm biến áp…

Bên cạnh đó, nhiều hạng mục chính của dự án chưa được thi công, nguyên nhân là do chủ đầu tư không có khả năng bố trí; nội bộ công ty không có sự đoàn kết nhất trí dẫn tới việc khiếu kiện lẫn nhau giữa các cổ đông. Đến tháng 7/2016, mới cơ bản kiện toàn cổ đông mới có năng lực tài chính và tiếp tục lập hồ sơ, điều chỉnh cấp phép…

Song, theo kết luận ngày 10/4/2017 của bà Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang sau khi đi kiểm tra thực tế thủy điện đã yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng tập kết vật liệu và thi công công trình để nghiệm thu dứt điểm khối lượng đã thi công cho các nhà thầu để tránh khiếu kiện, tranh chấp gây mất ổn định an ninh trên địa bàn. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư chỉ được phép thi công sau khi thanh toán dứt điểm khối lượng thi công và hoàn thiện các thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường…

Ngoài ra, phải tiếp tục phối hợp với UBND huyện Vị Xuyên, UBND xã Tùng Bá để rà soát lại số liệu và giải quyết kiến nghị của người dân liên quan tới việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Trường giang