Đập bỏ nhà nứt toác do thi công dự án Five Star Garden

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 15/04/2017

(TN&MT) - Sau khi thi công công trình dự án Five Star Garden tại phường Kim Giang, Quận Thanh Xuân, đại diện chủ đầu tư dự án Five Star Garden Kim Giang phối hợp với đại diện UBND quận Thanh Xuân, phường Kim Gang đã đến thuyết phục hộ ông Đỗ Phú Th. đập bỏ nhà cấp bốn xuống cấp nghiêm trọng trên diện tích đất khoảng 40m2, nhằm đề phòng rủi ro, sự cố trong quá trình hoàn thiện dự án này.

Thuyết phục dân đập bỏ nhà xuống cấp

Theo phản ánh việc 14 hộ dân thuộc cụm dân cư số 6, tổ dân phố 16, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội đồng loạt làm đơn kiến nghị lên chính quyền các cấp, tố cáo chủ đầu tư, ban quản lý dự án tổ hợp chung cư Five Star Garden Kim Giang thi công sai phạm gây ô nhiễm tiếng ồn về đêm, gây nứt, lún nhà ở, có thể dẫn tới nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của họ... Được biết, tới nay, tình trạng nhà thầu cho tiến hành thi công gây tiếng ồn lớn, tạo rung chấn mạnh sau 23 giờ hàng ngày đã không còn tái diễn.

"Về cơ bản tôi thấy sau khi báo chí vào cuộc thì họ (chủ đầu tư, nhà thầu - PV) đã thực hiện đúng như cam kết là không thi công gây ra tiếng ồn sau 23 giờ", ông Đỗ Phú Th., người từng bức xúc khi phản ánh đến Reatimes về tình trạng thi công dự án Five Star Garden cho biết.

"Tuy vậy, vấn đề đền bù, hỗ trợ khắc phục hậu quả bởi quá trình thi công làm nứt, xuống cấp nhà của chúng tôi vẫn chưa thấy các đơn vị liên quan có động thái gì. Họ mới cho người xuống khảo sát, ghi nhận mức độ thiệt hại, hư hỏng bên ngoài mà mắt thường cũng có thể dễ dàng nhìn thấy", ông Th. cho biết thêm.

Cũng qua cuộc trao đổi với hộ ông Đỗ Phú Th., được biết, ngày 5/4, nhà thầu thi công đã tiến hành đập bỏ phần nhà cấp bốn có diện tích khoảng 40m2 của gia đình ông để tránh sự cố, để phòng rủi ro đổ sập bất cứ lúc nào trong quá trình hoàn thiện dự án Five Star Garden Kim Giang.

Căn nhà bị nứt toác đã được đập bỏ (Trung Du)
Căn nhà bị nứt toác đã được đập bỏ (ảnh Trung Du)

Đây được xác định là phần diện tích có khoảng cách gần sát nhất với công trình đã và đang thi công, cũng là phần diện tích bị ảnh hưởng, nứt nẻ nặng nề nhất trong số những công trình của các hộ dân xung quanh dự án.

Được biết, trước đây nhà cấp bốn này được xây dựng với mục đích cho thuê trọ. Kể từ khi dự án Five Star Garden Kim Giang khởi công, nhất là đến phần thi công bể phốt thì công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng, người thuê trọ cũng không thuê nữa và chuyển đi vì tường nhà thì nứt toác, ban đêm thì không ngủ nổi vì ô nhiễm tiếng ồn.

"Trước khi cho thợ tiến hành đập bỏ công trình thì đại diện chủ đầu tư đã đi cùng với đại diện UBND quận Thanh Xuân, UBND phường Kim Giang xuống thuyết phục người nhà của tôi đồng ý cho đập bỏ vì khi đó tôi đi công tác vắng mặt.

Người nhà tôi cũng đồng ý với quan điểm rằng nếu để thế thì nguy hiểm sẽ rình rập, nhà có thể đổ sập tường hay trần bất cứ lúc nào. Nói dại sự cố xảy ra khi có người ở gần thì quả thực là điều không một ai mong muốn cả", ông Th. cho biết thêm.

"Hôm chiều thứ tư tuần trước (5/4 - PV), tôi thấy họ cho người đến đập bỏ nhà trọ của hộ anh Th. đi. Sáng hôm sau, họ lại đến thu dọn đống đổ vỡ ở đây", hàng xóm nhà ông Đỗ Phú Th. kể lại sự việc.

Nên đập bỏ, nhưng phải đền bù thỏa đáng

Trao đổi về sự việc, Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Mai (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Trong quá trình chủ đầu tư, nhà thầu tiến hành thi công dự án, nếu gây ảnh hưởng, làm hư hại, xuống cấp các công trình dân sinh lân cận mà dân có đơn kiến nghị, phản ánh thì chính quyền địa phương phải yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu tạm dừng thi công và chỉ được thi công trở lại khi đã đền bù, khắc phục sự cố cho dân.

Ở trường hợp này, khi mà kiến nghị, yêu cầu bồi thường, đền bù của người dân còn chưa được giải quyết thỏa đáng mà nhà thầu vẫn cho tiến hành thi công dự án là trái các quy định của pháp luật. Chính quyền địa phương nơi có dự án mà ở đây là phường Kim Giang, quận Thanh xuân có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế, yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công.

Căn nhà xuống cấp trầm trọng do thi công gây nứt toác trước khi bị đập (ảnh Trung Du)
Căn nhà xuống cấp trầm trọng do thi công gây nứt toác trước khi bị đập (ảnh Trung Du)

Còn đối với trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu thuyết phục người dân đập bỏ công trình đã xuống cấp sát cạnh dự án đang thi công nhằm đề phòng rủi ro, sự cố thì phải được sự đồng ý của chủ sở hữu công trình cần đập bỏ. Căn cứ vào giá trị thực tế, giá trị sử dụng thì chủ đầu tư, nhà thầu phải có trách nhiệm đền bù, bồi thường cho việc đập bỏ công trình đã xuống cấp".

"Thông thường chủ sở hữu chỉ đồng ý cho đập bỏ khi đã nhận được số tiền đền bù thỏa đáng, nhưng trong trường hợp này, được biết dù chưa nhận được đền bù nhưng hộ ông Đỗ Phú Th. vẫn đồng ý với phương án đập bỏ.

Đây là sự ủng hộ, cầu thị và trách nhiệm với xã hội của chủ sở hữu phần diện tích phải đập bỏ. Do vậy, thiết nghĩ chủ đầu tư cần nhanh chóng triển khai đền bù, bồi thường cho hộ ông Th. cũng như các hộ dân xung quanh có diện tích bị lún, nứt, xuống cấp", luật sư Mai nhìn nhận.

Trung Du - Thái Bình