Gia Lâm - Hà Nội: Hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp bị biến thành nhà xưởng

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 22/03/2017

(TN&MT) - Dù đây là đất được giao cho dân sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64 của Chính phủ nhưng từ nhiều năm nay, trên địa bàn xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội, hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp đã bị biến thành các xưởng sản xuất, chế biến ván ép.

Nhà xưởng mọc trên đất nông nghiệp

Ghi nhận của PV báo Tài nguyên và Môi trường tại thôn Công Đình, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội thấy rằng, đây là một khu vực sản xuất, chế biến ván ép quy mô lớn và rất sầm uất. Hàng ngày, trên con đường liên xã dẫn vào khu chế xuất này, những xe container, xe tải cỡ lớn nối đuôi nhau để bốc, xếp hàng hóa chuyển đi các nơi.

Theo quan sát của PV, khu vực này gồm rất nhiều các cơ sở chế biến ván ép với diện tích lớn nhỏ khác nhau và gần như hoạt động liên tục. Người ta đã đổ một con đường bê tông rộng thênh thang và kéo dài cả cây số, chạy sâu vào khu vực xóm 6, thôn Công Đình để tiện cho các phương tiện vận tải cỡ lớn có chỗ bốc xếp hàng hóa. Dọc đường bê tông, đó là các nhà xưởng mọc san sát, chen chúc nhau tới tận giáp địa phận xã Ninh Hiệp (cùng thuộc huyện Gia Lâm).

Hình ảnh nhà xưởng sản xuất ván ép mọc trên đất nông nghiệp tại xã Đình Xuyên, Huyện Gia Lâm
Hình ảnh nhà xưởng sản xuất ván ép mọc trên đất nông nghiệp tại xã Đình Xuyên, Huyện Gia Lâm


Ngoài các nhà xưởng dùng để đặt máy móc, thiết bị thì những khoảng đất trống được tận dụng làm nơi chứa những chồng gỗ lớn (nguyên liệu để sản xuất ván ép). Ở cuối đường bê tông, những tiệm cà phê, tiệm bán hàng tạp hóa cũng mọc lên để phục vụ nhu cầu công nhân tại đây. Xem lẫn với đó là những ống xả cao đua nhau xả khói đen kịt lên bầu trời. Con mương lớn ngay cạnh đó được sử dụng làm nơi chứa nước thải cho các xưởng sản xuất cũng đen đặc và bốc mùi hôi thối.

Trong vai người có nhu cầu thuê đất làm xưởng chế biến ván ép, PV đã tiếp cận những người dân sinh sống ngay khu vực. Một người dân ở đây cho biết, khu đất này vốn là đất nông nghiệp được chia cho người dân cấy trước kia. Tuy nhiên khoảng chục năm trở lại đây, nhiều người đã thuê lại đất từ các hộ dân rồi tôn nền để làm nhà xưởng. Ban đầu chỉ có một vài xưởng nhưng mấy năm gần đây, tình hình kinh doanh tiến triển nên người ta đua nhau đến đây thuê đất. Hiện khu vực này đã được thuê hết, nếu PV muốn mở xưởng thì phải đến thuê khu vực khác.

Khi PV hỏi về giá thuê đất ở đây thì được hướng dẫn: “Các anh cứ lên UBND xã hỏi cụ thể. Chúng tôi không nắm rõ”.

Các cấp lãnh đạo “làm ngơ” hàng chục năm?

Một thực tế không thể chối cãi là khu chế xuất này chỉ cách UBND xã Đình Xuyên có vài bước chân. Ấy thế nhưng không hiểu sao, chuyện người dân lấn chiếm, cải tạo đất nông nghiệp để biến thành các xưởng sản xuất ván ép đã diễn ra hàng chục năm qua mà vẫn không hề bị xử lý? Không những vậy, tình hình kinh doanh còn ngày càng nhộn nhịp với những xưởng được dựng lên.

Lẽ nào lãnh đạo xã Đình Xuyên nói riêng và các cơ quan hữu quan huyện Gia Lâm lại không hay biết một thực tế vốn kéo dài hàng chục năm qua? Nhằm làm rõ câu hỏi trên, PV báo TN&MT đã liên hệ làm việc với lãnh đạo xã Đình Xuyên.

Thế nhưng dù đã năm lần bảy lượt, từ gọi điện nhắn tin cho tới việc đến tận trụ sở UBND để xin gặp các vị lãnh đạo nhưng mọi nỗ lực của PV đều vô ích. Từ vị Phó Chủ tịch xã cho tới bộ phận văn thư đều từ chối tiếp PV và cho rằng, vấn đề này phải đích thân Chủ tịch xã (PV chỉ biết tên là Đức) mới có thẩm quyền trả lời. Nhưng cả tháng trời trôi qua, PV vẫn không thể đặt nổi lịch làm việc với vị chủ tịch bận rộn trên.

Môi trường bị ô nhiễm nặng vì các xưởng sản xuất
Môi trường bị ô nhiễm nặng vì các xưởng sản xuất


Khi PV điện thoại liên hệ với ông Tô Hữu Vịnh, Đội trưởng đội Thanh tra xây dựng huyện Gia Lâm thì ông Vịnh thừa nhận: “Các nhà xưởng đó đều được xây dựng trên đất nông nghiệp. Tôi đã cho anh em kiểm tra nhưng không phát hiện được những công trình xây mới. Tất cả các nhà xưởng đều là công trình cũ có từ năm 2004, được dựng lên để sản xuất diêm gỗ. Hiện tại, xã Đình Xuyên đang bị thanh tra thành phố thanh tra vấn đề quản lý đất công và sắp có kết luận về vấn đề này”.

PV tiếp tục điện thoại liên hệ với ông Lê Anh Quân, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm để làm rõ hơn câu chuyện tại sao tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp tại xã Đình Xuyên vẫn ngang nhiên tồn tại suốt bao năm mà không một đơn vị quản lý nào phát hiện ra? Ấy nhưng ông Quân hướng dẫn PV liên hệ với ông Hoàng Anh Tú, Chánh văn phòng UBND huyện để đặt lịch. Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại, mỗi khi PV liên hệ, ông Tú đều nói rằng lãnh đạo huyện bận họp nên chưa thể thu xếp lịch làm việc được với PV.

Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vấn đề này.

Phạm Thiệu