Dứa thối hàng loạt, người dân "tố" do NM luyện kim màu gây ô nhiễm

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 19/03/2017

(TN&MT) - Người dân thôn La Mạ, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (Lào Cai) đang như ngồi trên đống lửa khi dứa nhà mình đã đến ngày thu hoạch nhưng bị thối và không thể bán.
Ông Dương Văn Ngân bên đồi dứa bị hỏng quả.
Ông Dương Văn Ngân bên đồi dứa bị hỏng quả.

Theo ý kiến người dân, nguyên nhân khiến dứa bị thối là do ô nhiễm từ Nhà máy luyện kim màu Tứ Đỉnh gây ra. Do đó, hàng chục người dân sống tại thôn La Mạ, xã Bản Lầu đã tập trung ở khu xả thải của nhà máy luyện kim màu của Cty CP Tứ Đỉnh để phản đối việc nước thải, khí thải thoát ra từ nhà máy này gây ô nhiễm cho các khu vực lân cận. Làm ảnh hưởng đến đời sống của bà con và làm chết, thối rất nhiều dứa.

Theo ghi nhận của PV, các nương dứa xung quanh Nhà máy luyện kim mầu của Cty CP Tứ Đỉnh đều bị táp lá, héo và thối. Nhiều quả dứa nhìn bên ngoài nghĩ là vẫn ăn được nhưng khi bổ ra thì bên trong đã có đốm đen hoặc bị lẫu.

Bà Lương Thị Bích, thôn La Mạ 2, Xã Bản Lầu đang khóc bên đống dứa hỏng cạnh đồi dứa của gia đình.
Bà Lương Thị Bích, thôn La Mạ 2, Xã Bản Lầu đang khóc bên đống dứa hỏng cạnh đồi dứa của gia đình.

Người dân cho biết, tình trạng ô nhiễm đã diễn ra từ nhiều năm nay. Gánh chịu hậu quả trực tiếp là người dân thôn La Mạ, xã Bản Lầu khi nước xả thải và khí thải ra môi trường làm cây cối lẫn hoa mầu héo dần và chết. Đặc biệt nghiêm trọng hơn là cách đây1,2 tuần, lượng khí thải mà công ty này thải ra môi trường quá lớn khiến không khí ô nhiễm nặng, mỗi lần đi qua khu vực này dân phải bịt mũi và ho sặc sụa. Không những thế còn làm cho dứa của bà con đã đến ngày thu hoạch bị héo, thối không thể bán được gây thiệt hại về kinh tế. Do quá bức xúc với tình trạng ô nhiễm, trong khi kiến nghị nhiều năm không được giải quyết nên người dân đã biểu tình yêu cầu xã giải quyết và đòi đóng cửa nhà máy.

"Tại các cuộc họp, chúng tôi đều kiến nghị với xã, với huyện và các cơ quan chức năng rất nhiều. Đơn gửi cũng không nhớ nổi bao nhiêu nữa, đoàn công tác về mấy lần, có cả Sở Tài nguyên Môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn ngày càng nghiêm trọng", ông Dương Thắng Vương, một trong những hộ dân bị ảnh hưởng trong thôn La Mạ nói.

Nói trong nước mắt, Bà Lương Thị Bích, thôn La Mạ, xã Bản Lầu cho biết: Gia đình bà có 2 mẹ con trồng một đồi dứa khoảng 2 vạn cây, đang đợi đến ngày cho thu hoạch. Giống và vốn đều đi vay về để trồng, đến giờ dứa thối hết rồi không bán được, gia đình bà Bích không biết phải làm thế nào để trả số tiền còn đang nợ và sống tiếp trong các tháng tiếp theo.

Hiện trang con mương thoát nước thải của nhà máy luyện kim màu ra khu dân cư.
Hiện trang con mương thoát nước thải của nhà máy luyện kim màu ra khu dân cư.

Sát gia đình nhà bà Bích là hộ gia đình nhà ông Dương Văn Ngân và bà Vương Thị Thao cũng là một trong số những hộ bị ảnh hưởng nặng nề. Ông Ngân chia sẻ: 2 vợ chồng tôi có 7 vạn gốc dứa, những năm trước năm nào cũng có thu nhập trên 250 triệu. Mấy năm nay nhà tôi thu nhập cứ giảm dần, đến năm nay thì trắng tay vì dứa của đồi nhà tôi chỉ cách nhà máy có 100 m nên thối hết. Chúng tôi đã gửi đơn lên xã, huyện để kiến nghị nhưng cũng chỉ được trả lời là đợi để giải quyết thôi.

Ông Ngân cũng cho biết: Mấy năm trở lại đây năm nào nào chúng tôi cũng kêu và năm nào xã cũng cùng với các đoàn chức năng tới thống kê, lấy mẫu để phân tích và bồi thường. Nhưng chưa năm nào chúng tôi được bồi thường, còn các kết quả phân tích thì không thấy đâu cả. Cứ để tình trạng này tiếp diễn chúng tôi sẽ ra tỉnh, ra trung ương để đòi quyền lợi đến bao giờ được giải quyết mới thôi chứ cứ sống thế này kinh tế bị ảnh hưởng một phần, chứ sức khỏe bị ảnh hưởng thì lấy lại làm sao? Người dân chỉ mong các cấp chính quyền sớm có biện pháp di dời nhà máy ra nơi khác để bảo đảm cuộc sống và sức khỏe của người dân.

Người dân bức xúc chặn xe của một cán bộ Nhà máy luyện kim mầu Tứ Đỉnh
Người dân bức xúc chặn xe của một cán bộ Nhà máy luyện kim mầu Tứ Đỉnh

Theo một số người dân, đáng lo hơn nữa là sợ nguồn nước nơi đây bị ô nhiễm vì công ty hoạt động xả thải trực tiếp, nước thải ở đây được đổ ra sông Nậm Thi và cuối cùng là ra sông Hồng. Như thế, không chỉ có người dân xã Bản Lầu bị ảnh hưởng mà dân thành phố Lào Cai cũng như các tỉnh phía hạ nguồn sông Hồng cũng có khả năng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, công ty thường hoạt động vào ban đêm và sáng sớm.

Trao đổi với PV, ông Phạm Đăng Năm, Bí thư xã Bản Lầu, huyện Mường Khương cho biết: Sau khi nhận được thông tin người dân về việc nước thải và khí thải gây ảnh hưởng tới cuộc sống và làm thối dứa của bà con, xã đã cử đoàn công tác đi kiểm tra, làm việc với các bên liên quan. Ước tính tổng số dứa thiệt hại lần này là khoảng 200ha và số tiền thiệt hại do không bán được dứa là khoảng 3 tỷ đồng. Ông Năm cho biết xã sẽ thống kê thiệt hại của bà con đầy đủ và bàn với nhà máy lên phương án thu mua cho bà con bị thiệt hại.

Nhà máy luyện kim màu của Cty CP Tứ Đỉnh.
Nhà máy luyện kim màu của Cty CP Tứ Đỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai cho biết: Khi nhận được phản ánh của người dân về việc những đồi dứa quanh Nhà máy luyện kim mầu của Công ty Tứ Đỉnh bị táp lá và thối. Sở TN&MT cử cán bộ tới kiểm tra lấy mẫu về xác định nguyên nhân. Tới đây, ngày 20/3, Sở TN&MT sẽ làm việc với công ty luyện kim mầu để lấy mẫu không khí và nước về xét nghiệm. Nguyên nhân dứa thối do đâu, chúng tôi sẽ có kết quả sau khi phân tích mẫu.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Cty CP Tứ Đỉnh. Ông Long lại khẳng định rằng, từ khi đi vào hoạt động, Cty không hề để xảy ra tình trạng liên quan tới môi trường nào, bởi hệ thống xử lý nước, khí thải ra môi trường đều được quan trắc là phù hợp. Còn dứa của bà con xung quanh nhà máy bị thối không ăn và bán được thì phải đợi các cơ quan chức năng vào cuộc phân tích và kết luận. Đồng thời, Cty sẽ giới thiệu một công ty chuyên làm XNK bao tiêu thu mua dứa cho bà con.

“Vậy tại sao công ty không để xẩy ra tình trạng ô nhiễm môi trường mà khi bà con kêu là dứa thối không ăn và bán được thì công ty ông lại tìm cách mua sản phẩm giúp bà con”? – Trước câu hỏi của PV, ông Long lúng túng rồi trả lời nhà máy của tôi ở gần đồi dứa của bà con, thấy bà con bị thiệt hại thì giúp đỡ thôi.

Sự thật đằng sau việc dứa của bà con xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai vì nguyên nhân tại sao bị héo thối không thể ăn được. Đề nghị các cơ quan chức năng huyện Mường Khương và tỉnh Lào Cai sớm vào cuộc để làm sáng tỏ vụ việc, để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.

Bích Hợp