Krông Năng (Đắc Lắk): Người trồng rừng khởi kiện UBND tỉnh

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 20/09/2016

(TN&MT) - Xung quanh vụ việc 28 hộ dân hộ dân nhận khoán trồng rừng tại hai xã Ea Tam và Cư Klông, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk từ nhiều năm nay đội đơn đến các cơ quan chức năng địa phương và Trung ương khiếu nại, khiếu kiện để đòi quyền lợi chính đáng của người trồng rừng.

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định giải quyết đơn khiếu nại đối với những cá nhân có gửi đơn đến chính quyền tỉnh. Không đồng ý với nội dung Quyết định giải quyết của UBND tỉnh Đăk Lắk, ông Vũ Đình Chiều (SN 1961), ở thôn Tam Hà, xã Cư K lông, huyện K rông Năng đã viết đơn gửi Toà án Nhân dân tỉnh Đắk Lăk khởi kiện UBND tỉnh Đăk Lắk. Còn ông Phan Khắc Văn (SN 1962) và một số người trồng rừng huyện K rông Năng viết đơn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường phản ánh việc UBND tỉnh Đăk Lắk thu hồi đất rừng có nhiều khuất tất, xâm hại đến quyền lợi người trồng rừng, gây ảnh hưởng đời sống người dân.

28 hộ dân đã trồng hàng trăm hecta rừng theo khế ước với chính quyền, giao khoán 50 năm quản lý, chăm sóc rừng
28 hộ dân đã trồng hàng trăm hecta rừng theo cam kết khế ước với chính quyền, giao khoán 50 năm quản lý, chăm sóc rừng

Báo Tài nguyên và Môi trường điện tử ngày 4/8/2016 đã có loạt bài “Khốn đốn vì trồng rừng”; ngày 5/8/2016 có bài “Rừng trồng, mạnh ai nấy đốn”, phản ánh: Hàng trăm hécta rừng được người dân trên địa bàn huyện Krông Năng, Đắk Lắk đầu tư sức người, sức của cùng Nhà nước phủ xanh đất trống, đồi trọc. Rừng lên xanh tốt, nhưng bỗng nhiên UBND tỉnh thu hồi giao cho công ty tư nhân quản lý. Người trồng rừng hụt hẫng vì những tâm huyết của mình với rừng bấy lâu không được ghi nhận; quyền lợi bỗng dưng bị hớt khỏi tay.

Hệ lụy là, từ năm 2008 đến nay, trên diện tích rừng trồng do Ban quản lý Dự án (BQLDA) rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng đang quản lý đã xảy ra tranh chấp hơn 418 ha rừng trồng, giữa 28 hộ dân nhận khoán tại hai xã Ea Tam và Cư Klông huyện Krông Năng với Công ty Cổ phần trồng rừng Trường thành (Cty Trường Thành). Hệ luỵ đang xảy ra, trên diện tích 418ha rừng trồng mà 28 hộ dân trực tiếp trồng, chăm sóc, bảo vệ đã bị UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi của BQLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng để giao cho Cty Trường Thành thuê đã và đang bị cả Cty Trường Thành và người dân đua nhau khai thác.  Hàng trăm hécta rừng trồng đã bị đốn trắng, nguy cơ đất trống đồi núi trọc vẫn hoàn trọc vì chưa biết ai sẽ trồng lại rừng do những tranh chấp vẫn không được giải quyết dứt điểm.

Quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Đăk Lắk
Quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Đăk Lắk

Ông Vũ Đình Chiều khiếu nại việc UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định 2572/QĐ-UBND, ngày 3/10/2008 về việc thu hồi 568,43 ha đất của Ban QLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng để giao cho Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành thuê và trồng rừng nguyên liệu, trong đó có phần diện tích đất ông Chiều nhận khoán với Ban QLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình. Ông Chiều đề nghị UBND tỉnh xem xét, thu hồi và huỷ bỏ Quyết định số 2572/QĐ-UBND, ngày 3/10/2008 của UBND tỉnh.

Tuy nhiên, ngày 15/8/2016, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định 2384/QĐ- UBND về việc giải quyết khiếu nại của ông Vũ Đình Chiều: Giữ nguyên Quyết định số 2572/QĐ-UBND, ngày 3/10/2008 của UBND tỉnh về việc thu hồi 568,43ha đất của Ban QLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng. UBND tỉnh cũng nêu rõ: Nếu không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại này, ông Vũ Đình Chiều có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án Nhân dân hoặc khiếu nại đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Không đồng ý với cách giải quyết của UBND tỉnh Đắk Lắk, quyền lợi hợp pháp bị ảnh hưởng, ngày 19/8/2016, gia đình ông Vũ Đình Chiều quyết định gửi đơn khởi kiện UBND tỉnh Đắk Lắk ra Toà án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Ông Chiều cho rằng, không chỉ Quyết định số 2572/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc thu hồi 568,43ha đất của Ban QLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng làm điêu đứng cho người trồng trừng mà nay thêm Quyết định 2384/QĐ-UBND lại gây bất lợi cho 28 hộ dân trồng rừng trên địa bàn huyện Krông Năng: Việc thu hồi đất của các hộ dân có nhiều uẩn khúc, mục đích thu hồi đất nhầm sang lý do thu hồi; nội dung Quyết định 2572/QĐ-UBND không hề có từ nào là thu hồi rừng trồng; Các quyết định thu hồi của UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ nêu thu hồi đất, không hề thu hồi rừng, nhưng tại Quyết định 1638/QĐ-UBND, ngày 4/8/2008 thì UBND tỉnh lại “phê duyệt giá trị rừng trồng” (?!).

Các hộ dân trồng rừng gửi đơn khởi kiện UBND tỉnh ra Toà án và gửi đơn đến Bộ Tài nguyên và Môi trường phản ánh những ý kiến, đề nghị bảo vệ quyền lợi trồng rừng
Các hộ dân trồng rừng gửi đơn khởi kiện UBND tỉnh ra Toà án và gửi đơn đến Bộ Tài nguyên và Môi trường phản ánh những ý kiến, đề nghị bảo vệ quyền lợi trồng rừng

Những điều vô lý trong công tác quản lý rừng đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Vì lý do gì mà chính quyền tỉnh Đăk Lắc đã quá “ưu ái” cho doanh nghiệp, chưa thanh lý khế ước đối với người dân mà đã giao rừng cho đối tượng khác? Để rồi dẫn đến hệ luỵ: Đề án trồng rừng trở thành… “Công ty đốn rừng” (?!).

Ông Phan Khắc Văn bức xúc: Chúng tôi gửi đơn đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để phản ánh những nội dung mà chính quyền địa phương giải quyết có nhiều nội dung không đúng với quy định của pháp luật, thậm chí vi phạm pháp luật. Cụ thể, dân khiếu kiện từ năm 2009, nhưng trong nhiều năm qua UBND tỉnh không giải quyết; Đến 15/8/2016 UBND tỉnh ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại hoàn toàn trái với Thông tư số 07/2013/TT- TTCP ngày 31/10/2013 quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính.

Điều đáng nói là, người dân khiếu nại đòi quyền lợi về rừng theo Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Chính phủ, nhưng trong các bản Quyết định giải quyết khiếu nại, UBND tỉnh không hề viện dẫn căn cứ bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào về lĩnh vực lâm nghiệp.

Tình trạng đốn rừng vẫn xảy ra ở Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk
Tình trạng đốn rừng vẫn xảy ra ở Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk

Thực trạng hiện nay cả doanh nghiệp và người dân cùng đua nhau đốn rừng; những tranh chấp về quản lý rừng trồng và khai thác rừng đã xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự địa bàn. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Đắk Lắk cần nghiên cứu, giải quyết, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân theo tinh thần đã cam kết trong bản khế ước giao khoán trồng rừng giữa cơ quan chuyên môn và người dân. 

Bài & ảnh:  Xuân Vũ - Đình Thắng