Hà Nội: Sẽ tăng cường giải pháp giảm ô nhiễm tại bãi rác Nam Sơn

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 08/09/2016

(TN&MT) – Theo văn  bản số 1329/UBND – TNMT của UBND huyện Sóc Sơn (TP.Hà Nội) phúc đáp về vấn đề Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường phản ánh tại bài viết “Sóc Sơn (Hà Nội): Bãi rác Nam Sơn ô nhiễm, dân khổ đến bao giờ?” đăng ngày 25/7/2016, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ngành chức năng thực hiện các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu ô nhiễm môi trường và quan tâm các vấn đề an sinh xã hội cho nhân dân.

Nội dung bài viết “Sóc Sơn (Hà Nội): Bãi rác Nam Sơn ô nhiễm, dân khổ đến bao giờ?” phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do hoạt động của Khu xử lý chất thải (KLH XLCT) Nam Sơn gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng trăm hộ dân xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) hơn 15 năm nay. Mặc dù TP.Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết ô nhiễm môi trường nơi đây nhưng đến nay người dân trong xã vẫn đang thấp thỏm chờ đợi đến ngày được ổn định cuộc sống.

Về vấn đề báo nêu, UBND huyện Sóc Sơn có ý kiến như sau: Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn do UBND TP.Hà Nội quản lý giao cho Công ty TNHH MTV MTĐT Hà Nội vận hành hoạt động, có nhiệm vụ chủ yếu là tiếp nhận và đảm bảo xử lý chất thải sinh hoạt của TP Hà Nội đến năm 2020. Sau khi sáp nhập địa giới hành chính TP.Hà Nội mới, lượng rác ngày càng gia tăng, với công nghệ chôn lấp hiện nay, bãi rác đã trở nên quá tải, cốt chôn lấp cao dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Đặc biệt, vào những ngày thời tiết xấu, mưa phùn, sương mù ô nhiễm môi trường không khí càng tăng cao, ảnh hưởng rộng đến môi trường khu vực dân cư xung quanh.

Người dân giáp khu vực bãi rác, đặc biệt là khu vực 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề do mùi, ruồi muỗi và nước rác. Một số hộ dân ở gần khu vực bãi rác có hiện tượng giếng khơi sủi bọt không đảm bảo ăn uống sinh hoạt. Nước ao, hồ, sông, suối có màu đen mùi đặc trưng của rác, thiệt hại về nuôi trồng thủy sản. Một số khu vực bị bỏ hoang vì không gieo trồng sản xuất nông nghiệp được. Bên cạnh đó, hoạt động của KLH XLCT trên địa bàn huyện Sóc Sơn cũng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội bởi các nhà đầu tư không lựa chọn khu vực 3 xã trên để đầu tư sản xuất, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ.

 

Đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 4.000 tấn rác được vận chuyển về Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn; có những đợt cao điểm lên tới 6.000 tấn/ngày đêm khiến lượng rác tồn đọng khá lớn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 4.000 tấn rác được vận chuyển về Khu Liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn; có những đợt cao điểm lên tới 6.000 tấn/ngày đêm khiến lượng rác tồn đọng khá lớn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

 

Nắm bắt được các ảnh hưởng của KLH XLCT Sóc Sơn đến đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ngành chức năng thực hiện các giải pháp kỹ thuật giảm ô nhiễm môi trường và quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội cho nhân dân.

Cụ thể, TP đã yêu cầu phủ bạt HDPE ô chôn lấp để ngăn nước mưa vào ô chôn lấp nhằm giảm thiểu lượng nước rỉ rác cần xử lý và mùi, ruồi muỗi phát sinh do hoạt động chôn lấp rác; tăng cường xử lý nước rác, hiện nay có 3 đơn vị xử lý nước rác với công suất khoảng 4.000m3/ngày đêm; đầu tư camera giám sát hoạt động các đơn vị vận hành; đầu tư lò đốt rác (dự án Nero) do Sở TN&MT thực hiện; xây dựng và lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động để đo liên tục nước thải sau xử lý và chất lượng không khí khu vực.

Mặt khác, TP đã chỉ đạo nạo vét, làm sạch đường thoát nước sau xử lý của KLH XLCT ở một phần suối Lai Sơn và thi công đường ống thoát nước thải sau xử lý ra sông Công, tách riêng với nguồn nước tự nhiên; Tăng cường phun thuốc diệt ruồi muỗi, chế phẩm sinh học, rắc vôi khử trùng khu vực; Phun nước rửa đường và làm mương rãnh thoát nước 2 bên đường có xe chở rác lưu thông; Yêu cầu các đơn vị vận chuyển chất thải không sử dụng xe chở rác thùng hở; Nâng cao phạm vi ảnh hưởng môi trường KLH XLCT từ 500 đến 1000m tính từ hàng rào bãi rác Nam Sơn; Chuẩn bị đóng bãi chôn lấp giai đoạn 1, thực hiện đổ rác tại các ô chôn lấp giai đoạn 2 và đầu tư các công nghệ xử lý rác tiên tiến.

 

Dù đứng cách xa bãi rác hay các xe chở rác vài trăm mét, phóng viên vẫn ngửi thấy mùi rác hôi thối nồng nặc
Dù đứng cách xa bãi rác hay các xe chở rác vài trăm mét, phóng viên vẫn ngửi thấy mùi rác hôi thối nồng nặc

 

Bên cạnh các giải pháp giảm ô nhiễm môi trường, TP cũng đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội cho nhân dân khu vực bãi rác Nam Sơn bằng cách: tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân vùng ảnh hưởng môi trường; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho họ; đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã…đầu tư cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân vùng ảnh hưởng môi trường phạm vi 0 – 500m và đang triển khai dự án cấp nước sạch đến phạm vi 1000m; ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí và nâng mức hỗ trợ…

Với sự nỗ lực của TP, các Sở, ngành và chính quyền địa phương trong thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các ảnh hưởng do hoạt động bãi rác Nam Sơn gây ra đến nay đã được kiểm soát và giảm thiểu dần. Tuy nhiên, để xử lý triệt để các vấn đề khác như tình trạng xe vận chuyển rác vào bãi nhiều hoặc mùi phát sinh cục bộ trong những ngày thay đổi thời tiết chỉ có thể hạn chế tối đa, không thể giải quyết dứt điểm.

Đề nghị UBND TP Hà Nội, các Sở, Ban ngành liên quan tiếp tục quan tâm, tìm giải pháp giải quyết triệt để nhằm đem lại cuộc sống an toàn, chất lượng cao hơn cho người dân khu vực bãi rác Nam Sơn.

 

Bài & ảnh: Tuyết Chinh – Mai Đan